Sai phạm ở Dự án Khu đô thị Hồ Xương Rồng (Thái Nguyên):

Gần trăm khách hàng “dính bẫy” nhà đầu tư cấp 2

Chủ Nhật, 11/10/2015, 11:04
Dự án Khu đô thị (KĐT) Hồ Xương Rồng ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) được triển khai từ năm 2010. Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, dự án đã có những sai phạm nghiêm trọng. “Màn ảo thuật” của nhà đầu tư thứ cấp đã khiến nhiều người dân có nguy cơ mất tiền tỷ.

Dự án Khu đô thị (KĐT) Hồ Xương Rồng ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) được triển khai từ năm 2010. Cả chính quyền và người dân đều kỳ vọng về một khu đô thị trọng điểm của thành phố với tổng diện tích quy hoạch hơn 45ha, tổng mức đầu tư dự án hơn 1.019 tỷ đồng. Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, dự án đã có những sai phạm nghiêm trọng. “Màn ảo thuật” của nhà đầu tư thứ cấp đã khiến nhiều người dân có nguy cơ mất tiền tỷ. Trong khi đó, nhà đầu tư cấp 1 là Công ty Sông Đà 2 dường như vô can trước những việc làm sai trái của doanh nghiệp đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư.

Nộp tiền tỷ mua đất ảo

Về Dự án Khu đô thị Hồ Xương Rồng, Báo CAND ngày 13/9 đã có bài phản ánh hành vi huy động vốn rồi chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng của nhà đầu tư thứ cấp. Mới đây, Báo CAND lại nhận được đơn của nhiều khách hàng đề nghị được bảo vệ quyền lợi. Tìm hiểu và xác minh thông tin, chúng tôi đã phát hiện thêm nhiều bất ngờ tại dự án này.

Năm 2010, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định giao đất cho Công ty Cổ phần Sông Đà 2 (gọi tắt là Công ty Sông Đà 2) làm chủ đầu tư xây dựng dự án KĐT Hồ Xương Rồng. Năm 2011, Công ty Sông Đà 2 ký Hợp đồng hợp tác đầu tư Công ty ĐTM Hà Nội. Theo hợp đồng, Sông Đà 2 sẽ giao cho Công ty ĐTM Hà Nội tổng số 6 Bloc nhà với tổng diện tích 20.314m², tương đương 156 lô đất. Tổng số tiền góp vốn của Công ty ĐTM Hà Nội là hơn 172 tỷ đồng. Sau đó hai bên còn ký tiếp 3 phụ lục hợp đồng điều chỉnh, xác định vốn góp khoảng 261 tỷ đồng, tương ứng với số lô đất được chuyển nhượng là 232 lô, với tổng diện tích hơn 30.089m².

Anh Vũ Văn Đông ở tổ 7 phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên cho biết: “Tôi mua 1 lô biệt thự của dự án này từ năm 2011 với giá tiền hơn 1,2 tỷ đồng, đến năm 2014 được cấp sổ đỏ. Nhưng sau đó tôi thích lô đất gần mặt đường để tiện kinh doanh buôn bán nên đã tiến hành chuyển đổi (bán lại cho Công ty ĐTM Hà Nội) lô biệt thự này sang lô mặt đường Bắc Nam, tức lô số 06 ô số 29, với diện tích 98,04m2, giá 14,5 triệu đồng/m2…”. 

Anh Đông cũng thừa nhận, thời gian này anh chứng kiến công ty tiến hành các hoạt động san ủi đất, làm cống… nên rất tin tưởng vào tiến độ bình thường của dự án nên đã nộp 80% số tiền mua đất (1,180 tỷ đồng gồm cả tiền chênh lệch) trong tháng 2 và tháng 3-2015. Phía Công ty ĐTM Hà Nội hứa hẹn trong tháng 4 sẽ có sổ đỏ. Nhưng, thật bất ngờ, chỉ sau đó 1 tháng, anh Đông mới biết rằng, lô đất 06 mà anh đã bỏ tiền ra mua chưa giải phóng mặt bằng xong. Ngạc nhiên hơn, lô đất này đã được Công ty ĐTM Hà Nội làm thủ tục trả lại Công ty Sông Đà 2 từ năm 2013. Điều đó có nghĩa là số tiền anh Đông chuyển cho Công ty ĐTM Hà Nội chỉ là để mua một mảnh đất ảo.

Cũng tương tự trường hợp của anh Đông, năm 2012 vợ chồng anh Đặng Ngọc Cường ở phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên mua lô 06 với số tiền 1,4 tỷ đồng, đã nộp hơn 1,2 tỷ (gồm cả tiền chênh lệch). Phía Công ty ĐTM Hà Nội hẹn tháng 9 năm 2014 sẽ giao đất. Tuy nhiên, đến tháng 10 - 2014 vẫn chưa thấy giao đất, vợ chồng anh đi hỏi thì mới tá hỏa khi biết lô đất đó chưa giải tỏa mặt bằng xong. Sốt ruột, vợ chồng anh Cường tìm cách gặp gỡ để bày tỏ thắc mắc với Giám đốc Công ty ĐTM Hà Nội nhưng không thể liên lạc được với vị giám đốc này.

Ngoài những phát hiện trên, đầu năm 2015 một số hộ dân có nhu cầu xây dựng nhà ở đã làm đơn gửi đến chủ đầu tư cấp 1 xin phép làm nhà thì Công ty Sông Đà 2 đã từ chối cấp phép làm nhà với lý do Công ty ĐTM Hà Nội chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, Giám đốc chủ đầu tư cấp 2 đã bỏ trốn. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình đã nộp đủ hoặc gần đủ tiền mua đất theo thỏa thuận. Họ hoảng hốt thông tin cho nhau, làm đơn tập thể gửi đơn tới các cơ quan chức năng, trong đó có Công an tỉnh Thái Nguyên để làm rõ hành vi của ông Lương Xuân Cường. Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 50 lá đơn gửi tới Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên.

Ông Vũ Xuân Trọng bên lô đất nộp tiền đã lâu nhưng chưa được giao đất.

Xác nhận của chủ đầu tư cấp 1 – “tình ngay lý gian”

Luật không cho phép các công ty huy động vốn của người dân khi dự án chưa có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng ông Giám đốc Lương Xuân Cường đã lách luật bằng cách thảo ra hợp đồng vay tài sản của khách hàng (trong đó có thoả thuận về lãi suất), đồng thời yêu cầu khách hàng ký bản đăng ký mua lô đất thuộc Dự án KĐT Hồ Xương Rồng, có giá cả cụ thể. Đồng thời, Cường còn tạo được niềm tin của người dân với chủ đầu tư cấp 1 để họ chủ quan trước chủ đầu tư cấp 2. Theo phản ánh của người dân, họ căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa Công ty Sông Đà 2 và Công ty ĐTM Hà Nội (có lộ trình góp vốn và thời hạn bàn giao đất cụ thể) và biên bản bàn giao đất ngày 24-5-2013, từ đó yên tâm thực hiện giao dịch với chủ đầu tư cấp 2. Dù hai bên đều hiểu bản chất là mua và bán đất, nhưng trên giấy tờ pháp lý thì lại không thể hiện điều này.

Một trong những lý do để người dân tin tưởng chuyển hàng tỷ đồng cho ông Cường là nơi thực hiện giao dịch của Công ty ĐTM Hà Nội từ tháng 5-2014 được đặt tại văn phòng của Công ty Sông Đà 2. Trường hợp của ông Vũ Xuân Trọng ở phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên là vậy. Ông Trọng mua đất dự án theo hợp đồng nối (mua lại của người khác), lô đất CL16-04. Là người khá kinh nghiệm trong các giao dịch pháp lý nên ông yêu cầu người bán phải chuyển hợp đồng tại văn phòng Công ty Sông Đà 2 trong giờ hành chính, vào lúc có người làm việc tại đây. Ông Trọng cũng mong muốn giao dịch mua bán có sự chứng kiến của nhân viên Công ty Sông Đà 2 trong biên bản hoặc hợp đồng. Nhưng ông được trả lời rằng, chỉ khi người dân làm nhà thì Công ty Sông Đà 2 mới tham gia. Dù không có xác nhận bằng văn bản của phía Sông Đà 2 nhưng sự có mặt nhân viên công ty cũng đủ củng cố thêm niềm tin, khiến ông Trọng vui vẻ ký hợp đồng mua bán.

Và, sự thật là vị Giám đốc đã thu tiền của 232 lô đất với trên 260 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển cho Công ty Sông Đà gần 156 tỷ đồng, sau đó bỏ trốn. Bao nhiêu người từng ký “Hợp đồng vay tài sản” để mua đất Dự án KĐT Hồ Xương Rồng đang đứng trước nguy cơ mất trắng khoản tiền lớn tích cóp bao năm…

Việt Hà - Quỳnh Vinh
.
.
.