Gần 3 năm chưa xong giải tỏa đền bù

Thứ Hai, 06/08/2007, 14:19
Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi) được xác định là đầu tàu trong quá trình phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh. Xong, sau gần 3 năm được Chính phủ phê duyệt, Tân Phú Trung vẫn chưa "xong" phần đền bù giải tỏa… Nguyên nhân đó là các hộ dân còn lại không chịu di dời vì đơn giá bồi thường quá bèo.

Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung được Chính phủ cho phép thành lập theo Văn bản số 861/CP-CN ngày 23/6/2004 và được UBND TP có Quyết định số 6332/QĐ-UB ngày 16/12/2004 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật với diện tích 552ha.

Lúc đầu, chủ đầu tư là Công ty cổ Phần Song Tân nhưng trong quá trình triển khai dự án, do không có năng lực về vốn nên đã kêu gọi thêm một số đối tác khác tham gia. Đến năm 2006, chủ đầu tư đã đổi tên Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc.

Sau gần 3 năm triển khai, đến nay KCN Tân Phú Trung chỉ mới giải tỏa đền bù được 421/552ha (đạt 74,6%). Số hộ dân còn lại không chịu di dời, giao mặt bằng cho nhà đầu tư chỉ vì lý do đơn giá bồi thường quá bèo, chỉ 65.000đ/m2 là mức giá đền bù mà UBND TP phê duyệt từ năm 2004 hiện nay áp dụng không còn phù hợp nữa.

Nhà máy gây ô nhiễm trong nội thành di dời ra KCN là chương trình di dời, giải quyết ô nhiễm của TP.

Còn với 48 doanh nghiệp hiện hữu tại KCN này, ông Lê Văn Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc cho rằng, việc khó khăn trong tiến độ triển khai dự án cũng là do các doanh nghiệp này bất hợp tác với chủ đầu tư.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp đang hoạt động tại đây cho rằng: Họ di dời ra khu vực này là thực hiện theo chủ trương chung của TP (thực hiện chương trình di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong nội thành ra ngoại thành) và đã hoạt động tại đây gần cả chục năm nay.

Như vậy, việc quy hoạch KCN Tân Phú Trung có sau khi doanh nghiệp mua đất xây dựng nhà xưởng và với thực tế này thì doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu của doanh nghiệp lúc này là chủ đầu tư phải tổ chức gặp gỡ tất cả các doanh nghiệp để cùng đối thoại nhằm có hướng xử lý phù hợp nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế chưa bao giờ chủ đầu tư và các doanh nghiệp có một cuộc gặp gỡ để mổ xẻ vấn đề, mà mỗi lần gặp thì chủ đầu tư chỉ gặp gỡ vài ba doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp không có ý kiến thống nhất.

Về việc chậm trễ trong tiến độ thực hiện dự án, ông Huỳnh Công Hùng - Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP khẳng định: Do năng lực tài chính của chủ đầu tư còn yếu. Và cũng theo ông Hùng: KCN Tân Phú Trung phải thực hiện theo quy trình giải tỏa 100% diện tích, giải quyết tái định cư rồi mới kêu gọi đầu tư. Nếu làm ngược lại quy trình này là tự giết mình.

Nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi thì hiện trạng KCN Tân Phú Trung hiện đang lốm đốm như một mảng da beo lớn. Việc đền bù giải tỏa trong thời gian tới sẽ khó hoàn thành nếu giá bồi thường không được nâng lên.

Các doanh nghiệp ở đây so sánh: Cách đây khoảng 10 năm, họ mua đất tại đây để đầu tư nhà xưởng giá đất 200.000 - 400.000đ/m2. Bây giờ mức giá đền bù chỉ từ 65.000 - 80.000đ/m2 thì chắc chắn sẽ không có chuyện doanh nghiệp di dời.

Công tác rà phá bom mìn, theo báo cáo của chủ đầu tư là tới thời điểm này đã thực hiện được 350ha. Tổng diện tích triển khai san lấp mặt bằng hơn 90ha, san lấp hoàn thành hơn 25ha (hơn 20%) và phấn đấu đến cuối năm san lấp hoàn thành 100 ha để thu hút đầu tư.

Còn cơ sở hạ tầng của KCN cũng là điều nhức nhối. Do chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải từ các doanh nghiệp hiện hữu đang hoạt động thải ra đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước từ kênh rạch, sông ngòi.

Trong khi năm 2006, chủ đầu tư đã hứa với Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ khởi công nhà máy xử lý nước thải nhưng năm nay vẫn tiếp tục hứa rằng tháng 8/2007 khởi công xây dựng và dự kiến đầu năm 2008 hoạt động.

Còn đường giao thông, theo dự kiến tuyến đường D4 có tổng chiều dài 4.300m hoàn thành tháng 6/2007 nhưng hiện vẫn chưa xong do còn 4 hộ ở trục đường này chưa chịu di dời…

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách thì tiến độ thực hiện dự án quá chậm so với kế hoạch đề ra và yêu cầu nhà đầu tư cuối năm 2007 phải giải tỏa dứt điểm, cũng như xây dựng đường giao thông, nhà máy xử lý nước thải để tránh lãng phí…

Đây cũng là yêu cầu cấp bách mà chủ đầu tư cần tiến hành để KCN thực hiện vai trò của mình: Thu hút đầu tư và tiếp nhận doanh nghiệp gây ô nhiễm trong nội thành

T.Hà
.
.
.