Đi lao động nước ngoài, tiền mất tật mang

Thứ Sáu, 23/06/2006, 07:44

Muốn đi lao động nước ngoài, nhiều lao động ở các tỉnh Hải Dương, Hà Tây, Nghệ An... phải thế chấp nhà vay ngân hàng để có tiền nộp cho Cty Thái Sơn lo thủ tục. Nhưng khi người lao động không đi được, thì công ty trả lại tiền theo kiểu... nhỏ giọt.

Chỉ có chức năng đào tạo tiếng nước ngoài và liên doanh liên kết đào tạo nghề, nhưng thời gian qua, Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Thái Sơn, trụ sở tại đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội lại liên tục nhận tiền với danh nghĩa là đơn vị môi giới để lo giúp học viên thủ tục xuất khẩu lao động.

Số tiền mỗi học viên phải nộp là hàng chục triệu đồng. Hậu quả là nhiều học viên không những không đi lao động nước ngoài được mà còn bị công ty nợ lại tiền họ đã nộp. Sự việc này là lời cảnh báo cho những người không tìm hiểu kỹ nơi đặt niềm tin.

Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) tiền thân là một công ty TNHH, được thành lập trước năm 2000. Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty do Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp có nhiều ngành nghề, song không có phần nào quy định được phép nhận tiền để lo giúp thủ tục xuất khẩu lao động cho học viên.

Mỗi năm, Công ty tổ chức nhiều khóa học tiếng cho hàng trăm người. Ngoài số tiền học phí học viên phải nộp, công ty còn nhận lời sẽ lo giúp họ thủ tục đi lao động. Bởi thế, trong thời gian học, nhiều lao động ở các tỉnh Hải Dương, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã nộp cho công ty hàng chục triệu đồng/người. Ngoài ra, họ còn phải nộp thêm một khoản tiền môi giới đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai chênh lệch với thực tế vài trăm nghìn đồng/người. Và điều họ quan tâm nhất là việc công ty có thực hiện đúng lời hứa như đã nói hay không?

Khi chiêu sinh mỗi khóa học tiếng, Công ty Thái Sơn không hề thông báo cho họ biết số người sẽ được tuyển dụng. Họ cứ miệt mài học tập với niềm tin sẽ được đi. Gần hết khóa học, công ty nói với họ: Đợt này, công ty xuất khẩu lao động yêu cầu nộp 30 bộ hồ sơ. Hầu hết những người có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Để có được vài chục triệu đồng nộp cho công ty, các học viên phải vay mượn khắp nơi, thậm chí cả cầm cố nhà cửa. Sau bao ngày chờ đợi và hy vọng, đến giờ chót công ty mới thông báo cho họ biết, số người thực được đi đợt này là không nhiều. Bỏ ra một khoản tiền lớn với hy vọng nhờ công ty lo giúp thủ tục đi lao động, cuối cùng rất nhiều học viên đã vỡ mộng. Không đi được, họ chỉ còn cách đòi tiền thì công ty lại trả cho họ theo kiểu nhỏ giọt.

Để hợp thức hóa việc làm của mình, công ty đều lập sẵn những "Bản cam kết ủy quyền" với mỗi học viên, trong đó ghi rõ "Do đường xá xa xôi, tôi lại không biết và không có thời gian đi lại nhiều nên tôi gửi các khoản tiền xuất cảnh phải nộp theo thông báo của công ty xuất khẩu lao động như: visa, phí môi giới nước ngoài, lệ phí sân bay… để công ty nộp hộ cho tôi. Công ty phải đảm bảo toàn bộ số tiền tôi đã gửi. Nếu không được xuất cảnh lỗi do phía công ty hoặc doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì Công ty Thái Sơn có trách nhiệm rút lại toàn bộ số tiền tôi đã gửi nộp".

Trả lời chúng tôi về những vấn đề người lao động phản ánh, ông Hoàng Thế Sơn - Giám đốc Công ty Thái Sơn cho hay, đúng là trong thời gian qua, công ty đã đào tạo rất nhiều khóa học tiếng và nghề cho người lao động ở các tỉnh, thành phố để họ sang nước ngoài lao động. Và việc các học viên không đi lao động xuất khẩu được phải nhận tiền làm nhiều lần cũng là có thật. Đó là bởi Công ty Thái Sơn cũng phải chờ các công ty đối tác trả lại thì công ty mới có tiền trả cho người lao động.

Chúng tôi hỏi "Vì sao không có chức năng mà Công ty Thái Sơn lại cầm tiền xuất khẩu của các học viên?". Ông Sơn thừa nhận đó là việc làm không đúng như trong giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, vì người lao động "nhờ" nên công ty cũng chỉ giúp đỡ họ mà thôi.

Việc Công ty Thái Sơn tự ý cầm tiền của học viên và nộp qua một công ty xuất khẩu lao động khác là sai. Đáng nói nữa là số tiền ấy của họ không được sử dụng đúng mục đích, mà lại được ràng buộc bởi một hợp đồng có thời hiệu trong vòng 6 tháng. Khi người lao động không đi lao động được như ý, họ đề nghị công ty trả số tiền đã nhờ nộp thì công ty lại trả làm nhiều lần, gây khó khăn cho người lao động nghèo.

Liên tiếp nhiều khóa học đã gặp phải những sự cố này khiến dư luận hoài nghi về việc Công ty Thái Sơn núp dưới danh nghĩa liên kết với các công ty xuất khẩu lao động mượn vốn của họ để sử dụng vào mục đích khác.

Để không mắc phải tình trạng này, trước khi nộp tiền cho các công ty tuyển dụng lao động nước ngoài, người lao động cần tìm hiểu kỹ và nên thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được tư vấn cụ thể. Có thế mới tránh khỏi cảnh tiền mất tật mang

Nguyễn Hưng
.
.
.