Đau đầu vì rác ở làng phế liệu Xà Cầu

Thứ Bảy, 15/06/2019, 09:44
Mới chỉ xuất hiện cách đây 10 năm nhưng nghề đồng nát hay thu mua phế liệu đã trở thành “cần câu cơm” của hơn 150 hộ dân tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội). Người dân kiếm cơm được từ nghề này nhưng cũng khốn khổ vì rác và ô nhiễm môi trường.

Đường từ UBND xã Quảng Phú Cầu tới một điểm tập kết rác thải thuộc loại lớn của thôn Xà Cầu phải đi qua một con sông lẽ ra là rất đẹp với những bụi tre xanh rì hai bên. Nhưng mặt sông thay vì những đám bèo xanh mướt lại là những "tảng" chai nhựa đủ màu sắc lập lờ trên dòng nước váng dầu, mỡ, đen kịt.

Thôn Xà Cầu xưa kia có nghề làm hương đen nổi tiếng khắp vùng, bước chân vào đầu thôn có thể ngửi thấy mùi hương ngào ngạt. Nhưng cách đây 10 năm, một vài hộ dân ở đây bắt đầu mang rác, phế liệu từ Hà Nội, Hưng Yên về nhà sơ chế rồi bán lại cho lái buôn phế liệu. Cho đến nay, đã có hơn 150 hộ trên tổng cộng 800 hộ lấy nghề này để sinh sống, họ mang về đủ thứ từ chai nhựa, tivi, tủ lạnh, các loại lon nước... nói chung cứ cái gì vứt đi thì họ mang về nhà!

Làng Xà Cầu - “thủ phủ” phế liệu của Hà Nội. Ảnh: Phong Sơn

Sơ chế phế liệu ở đây là bóc mác nhãn các chai nhựa hoặc phế liệu khác, cho vào máy ép thành bánh cao khoảng 45-60cm rồi bán cho lái buôn, hoặc chai nhựa được cho vào máy “băm” thành hạt nhựa nhỏ bán đi nơi khác. Chỉ từ nghề đồng nát này mà nhiều hộ đã có tiền sắm sửa, xây nhà cao tầng... Nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường mà hàng trăm tấn rác thải được sơ chế hằng ngày cũng luôn thường trực ở nơi đây.

Ô nhiễm môi trường ở Xà Cầu chủ yếu do việc đốt rác trộm ở các cánh đồng và nước xả từ máy “băm” nhựa thải ra các cống rồi chảy ra kênh mương xung quanh. Mặc dù nạn đốt trộm rác nay đã giảm nhưng chưa phải đã được giải quyết dứt điểm bởi việc quản lý, xử phạt còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Dịu, Chủ tịch xã Quảng Phú Cầu chia sẻ, mặc dù tình trạng thu gom phế liệu rồi sơ chế ở đây được tích cực xử lý nhưng không thể triệt để được vì lực lượng xã mỏng, không đủ để bao quát và túc trực 24/24h xử phạt mọi trường hợp. Chính quyền xã, huyện và cả thành phố đã nhiều lần tuyên truyền vận động bà con, rồi cả răn đe xử phạt nhưng chỉ được vài ba ngày là đâu lại vào đó.

Hiện nay, mức xử phạt cho một hộ đốt rác hoặc xả rác bị bắt tận tay dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu tuỳ vào quy mô đốt lớn hay nhỏ. Nhưng từng đó cũng là nhỏ so với số tiền mà họ kiếm được từ thu mua và sơ chế phế liệu mỗi ngày. Hằng ngày, xe chở rác từ khắp nơi ùn ùn kéo về đây, từ 7h sáng đã nghe tiếng máy ép, máy băm chạy ầm ầm khắp thôn gây bức xúc cho các hộ làm nghề sản xuất khác. Một khó khăn khác của lực lượng chức năng xã, huyện ở đây là để hạn chế việc đốt, vứt rác bừa bãi đã tổ chức các đội tuần tra bắt xe chở rác về thôn nhưng cuối cùng lại không biết “cất” rác vào đâu? Họ hoàn toàn không có đủ cơ sở, vật chất và điều kiện để xử lý hàng tấn rác như vậy.

Trong việc sơ chế phế liệu thì khâu bốc vác kiếm được nhiều tiền nhất. Trung bình mỗi thanh niên trai tráng trong thôn kiếm được khoảng 200.000 đồng cho nửa ngày bốc vác, số tiền này có thể hơn, có thể kém tuỳ vào số lượng phế liệu được mang về. Nhưng không chỉ thanh niên, mà cả phụ nữ, các ông bà đã ngoài 70 tuổi cũng tham gia. Không đi làm bốc vác thì họ ngồi cắt nhãn, mác hoặc làm việc nhẹ hơn cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhưng đó chỉ là những người làm thuê, còn các chủ hộ thu gom, sơ chế phế liệu thì kiếm được cả trăm triệu đồng/tháng.

Làng Xà Cầu- “thủ phủ” phế liệu của Hà Nội.

Bà Trần Thị Lương (60 tuổi), người thôn Xà Cầu cho biết, bà làm việc cắt mác chai nhựa này cũng vì cực chẳng đã, bà bị đau lưng không bế cháu được nhưng không muốn làm gánh nặng cho con cháu nên mới làm việc này. Dù vậy, bà cũng rất bức xúc vì việc môi trường ở đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hằng ngày từ sáng đến tối bà phải hít thứ khí độc khói đốt rác rồi ô nhiễm tiếng ồn, nhưng vì muốn có thêm thu nhập nên bà ra đây ngồi cắt mác chai thuê.

Hiện tại, việc thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn thôn Xà Cầu do Công ty Sản xuất rau sạch Sông Hồng vận chuyển. Nhưng rồi biết đem đống phế liệu này đi đâu? Xử lý thế nào? Mỗi ngày hơn 150 hộ dân ở đây thải ra khoảng 5 tấn rác và hàng trăm khối nước thải được xả thẳng ra môi trường, vậy phải xử lý thế nào?

Không ít lần chính quyền xã Quảng Phú Cầu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho phép xây dựng một lò đốt rác thải để xử lý kịp thời và phần nào số rác kia nhưng đến nay vẫn chưa được.

Sau nhiều năm dài vận động, xử phạt việc nhập phế liệu, sơ chế ở thôn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tích cực ở đây không phải là giảm về số lượng hộ làm, mà giảm về chất của rác nhập về. Các hộ làm nghề này đã thông minh hơn khi lựa chọn rác, họ yêu cầu chủ rác phải phân loại ngay từ nguồn để sơ chế được nhanh chóng, không vứt ra môi trường các loại rác thừa vô dụng. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp vứt rác, đốt rác ở ngoài đồng. Lãnh đạo xã cũng cho biết sẽ tiếp tục làm công tác tuyên truyền để hiện tượng đốt, vứt rác bừa bãi phải được giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Thiếu ý thức, người dân vứt rác tràn lan

Dọc tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt (nối từ Bình Tân về đến quận 1, TP Hồ Chí Minh) hằng ngày có hàng chục công nhân đạp xe lượm từng mảnh rác mà những người đi đường vứt bỏ ở kênh Tàu Hũ. Chị Vui, một công nhân vệ sinh môi trường làm việc trên tuyến đường này cho hay, mỗi ca trực chị thu lượm gần 7 bao rác, trong đó chủ yếu là hộp xốp mà những người đứng ngắm kênh Tàu Hủ “tiện tay” ném xuống, hay bịch nilon của những người “thích làm phước” thả cá phóng sinh ném lại trên bờ.

Tại gầm cầu Lò Gốm (phường 10, quận 6), 2 bãi rác khổng lồ nằm 2 bên hầm chui dưới chân cầu gây mùi hôi thối, đa phần là vải vụn từ các cơ sở sản xuất nhỏ và vỏ hành tỏi. Rác tràn lan ở khu vực này nên sau nhiều lần dọn dẹp, UBND phường 10 đã lắp đặt camera ở đây để xác định người ném rác rồi mời về làm việc. Sau khi lắp đặt camera, tại 2 đầu hầm lượng rác có giảm bớt nhưng vẫn có người lén lút đem đến.

Tại đường Hùng Vương, đoạn trước chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10), mùi thối luôn nồng nặc vì hằng ngày hàng tấn rác hoa từ các tiểu thương nơi đây vứt ra đường, cộng thêm mùi hôi từ những người buôn bán phóng uế bừa bãi. Sau khi nhân viên công ích dọn dẹp sạch sẽ thì chỉ vài giờ đồng hồ sau đoạn đường này tiếp tục ngập rác. Tâm lý sạch nhà mình còn đường phố hay ô nhiễm chung thì mặc kệ đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều người.

 Cùng chung số phận với các tuyến đường là các dòng kênh bị ô nhiễm do rác thải. Người dân sống cạnh con kênh trên phường Bình Trị Đông, Bình Tân kêu trời vì sống chung với tình trạng ô nhiễm. Rác thải ngập ngụa, nước đen ngòm, ruồi nhặng, muỗi bay rào rào như mưa. Kiểm tra lượng rác thải phủ trên kênh, chúng tôi ghi nhận đa phần là rác thải sinh hoạt được cột trong túi nilon và ném xuống kênh. Túi nilon khó phân hủy, rác sinh hoạt bên trong nổi lềnh bềnh trời nắng nóng khiến mùi hôi từ đây bốc ra khiến chúng tôi chỉ đứng một lúc là muốn ngợp thở.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, rác thải đang là vấn nạn liên quan đến việc các tuyến đường bị ngập nặng sau mưa lớn bởi lượng rác lớn bịt cống thoát nước. Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trung bình một ngày TP Hồ Chí Minh thu gom và xử lý khoảng 10.334 tấn rác. Ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, rác ảnh hưởng đến dòng chảy cống, kênh rạch. Việc xả rác bừa bãi đã có quy định xử phạt nhưng thời gian qua chưa được thực hiện tốt. Do đó, giải pháp căn cơ đầu tiên là người dân ý thức không xả rác ra môi trường. Người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi qui định để đường phố sạch đẹp, không ô nhiễm, cống thoát nước không bị nghẹt, đường phố giảm ngập.

Việc ý thức bảo vệ môi trường, không ném rác thải bừa bãi cũng chính là tạo ra môi trường sống trong lành cho chính bản thân mọi người.

Nghinh Phong


PV
.
.
.