Công trình ‘chết đứng’ do ‘đói vốn’

Thứ Ba, 20/10/2015, 08:40
Cuối năm 2011, từ nguồn vốn bố trí hàng năm của Bộ NN&PTNT và nguồn trái phiếu Chính phủ, tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng nhiều công trình cống thủy lợi và cống trên đê biển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “đói vốn” mà đến nay, các công trình vẫn chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra, khiến người dân trong vùng dự án bức xúc…

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, chỉ riêng trên địa bàn 2 huyện An Biên và An Minh, thời gian qua có đến 8 công trình xây cống được khởi động, gồm cống Bà Lý, cống giữa Thứ Tám – Thứ Chín, cống giữa Xẻo Bần – Thứ Tám, cống Xẻo Nhàu, cống Xẻo Quao, cống Xẻo Đôi, cống Thứ Tư và cống Thứ Bảy (Bảy Biển).

Ông Nguyễn Thanh Tình – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái A, huyện An Biên cho biết thời điểm triển khai các cống Xẻo Quao, Bà Lý và Bảy Biển, người dân tại địa phương rất đồng tình bởi khi hoàn thành, những cống này sẽ giúp ngăn mặn, giữ ngọt, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp, quan trọng hơn là góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, các công trình vừa kể sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2014. Thế nhưng đến nay đã sắp hết năm 2015, chưa có một cống nào hoàn thành. Chính thực tế này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân.

Công trình cống “chết đứng” trong thời gian dài tại xã Nam Thái A, huyện An Biên.

Bà Phạm Thị Út – một người dân nuôi sò huyết ở ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A cho biết khi chưa có công trình cống đê biển, thu nhập gia đình bà khá ổn định, giờ thì thu nhập giảm sút rất nhiều, đời sống khó khăn. Bà Út giải thích nguyên do từ khi xây cống, do không có nước thay, sản lượng sò huyết tuột xuống đến 80% năng suất.

Thống kê cho biết toàn xã Nam Thái A có 2.158 hộ dân với diện tích đất nông nghiệp là 2.778ha. Từ khi các công trình cống trên được triển khai, các đường dẫn nước xung quanh đều bị đóng lại, dẫn đến không có nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp; nước không được rửa mặn làm độ mặn tăng cao (có thời điểm lên đến 35 phần nghìn); ô nhiễm môi trường gia tăng. Tổng bình quân mức thiệt hại nông nghiệp của toàn xã là khoảng 40%.

“Đời sống của hàng ngàn hộ dân đều phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nếu các công trình còn kéo dài thêm ngày nào, bà con sẽ khổ sở thêm ngày đó” – ông Nguyễn Thanh Tình nói.

Lân cận với xã Nam Thái A là xã Nam Thái (cũng thuộc huyện An iên), tình trạng cũng tương tự, khiến người dân bức xúc. Theo tìm hiểu của PV, các công trình đê biển ở Kiên Giang sử dụng nguồn vốn bố trí hàng năm của Bộ NN&PTNT, một số cống nhỏ sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ. Thời gian qua, do người dân không đồng ý giá bồi thường, phải nhiều lần xử lý dẫn đến kéo dài thời gian thi công. Bên cạnh đó, đây là vùng bãi bồi, địa chất yếu, quá trình thi công bị sạt mố, cộng thêm thời tiết không thuận lợi, dẫn đến thi công chậm. Song, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là các công trình đều lâm vào cảnh “đói vốn”. Chỉ riêng 6 cống đê biển như: Thứ Bảy, Xẻo Đôi, Xẻo Quao, Xẻo Nhào… cần nguồn vốn tới 200 tỉ đồng, nhưng năm 2015, ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang chỉ được bố trí 10 tỉ đồng nên không thể thực hiện. Điển hình là cống Xẻo Nhào sau khi hoàn thành phần đóng cọc, phải dừng thi công mấy năm nay. Những đề xuất, kiến nghị với Bộ NNPTNT hiện vẫn chưa có phản hồi, trong khi ngân sách tỉnh có hạn, không thể tạm ứng, dù đây là những công trình rất bức xúc.

Để giải quyết khó khăn trước mắt về nguồn nước phục vụ sản xuất, mùa khô 2015 Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND huyện An Biên tiến hành khảo sát để tìm cách khơi thông dòng chảy nhưng với mặt bằng hiện trạng khu vực xây dựng các cống đã không tìm được vị trí để đào kênh, chỉ khơi thông tạm ở một số cống. Hiện trạng nguồn nước phục vụ sản xuất hiện nay, tại khu vực cống Thứ 7 đã có đường nước thông dòng chảy từ phía rạch Thứ 6 chảy sang; còn tại khu vực cống Xẻo Đôi, khu vực gần cống thì nước không lưu thông ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, còn khu vực xa cống thì lấy nước từ đê Canh Nông chảy sang.

Binh Huyền
.
.
.