Mâu thuẫn trong đầu tư sản xuất nước khoáng Presti ở Thanh Thuỷ (Phú Thọ):

Kỳ lạ nhà máy đổ bỏ nước cả vạn chai khoáng lấy vỏ... bán đồng nát!?

Chủ Nhật, 20/09/2015, 21:19
Được đầu tư, xây dựng tại chính địa điểm có nguồn nước khoáng chất lượng tốt vào bậc nhất miền Bắc, nhưng sản xuất phập phù khiến cả vạn chai nước khoáng đã đóng chai phải đổ bỏ nước để lấy vỏ chai bán… đồng nát. .

Được đầu tư, xây dựng tại chính địa điểm có nguồn nước khoáng chất lượng tốt vào bậc nhất miền Bắc (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) nhưng đến nay, nước khoáng Presti vẫn chưa có mặt nhiều ngay tại địa bàn huyện Thanh Thuỷ. Mấy năm nay, dây chuyền sản xuất lúc hoạt động, lúc “nghỉ ngơi”, công nhân làm việc uể oải và mới đây cả vạn chai nước khoáng đã đóng chai phải đổ bỏ nước để lấy vỏ chai bán… đồng nát. Nếu các nhà đầu tư vẫn “ông chẳng, bà chuộc” thì những người công nhân từng bị thu hồi đất ruộng lại rơi vào cảnh mất việc.

Kiểm toán xong vẫn không tìm được tiếng nói chung

Chúng tôi có mặt tại nơi sản xuất nước khoáng của Công ty Thanh Thủy ở thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và sự xuất hiện của người lạ khiến người dân địa phương chú ý. Khi thấy chúng tôi giới thiệu là phóng viên, một số người bày tỏ sự bức xúc về việc diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi từ năm 2004 và để cho cây cỏ mọc um tùm. Khoảng năm 2010, nhà máy sản xuất nước khoáng được xây dựng nhưng lúc đóng cửa, lúc hoạt động èo uột gây lãng phí lớn.

Một dây chuyền sản xuất cầm chừng.

Khu sản xuất nước khoáng của Công ty Thanh Thủy nằm sâu bên trong diện tích đất của Công ty TNHH Sông Thao. Ông Nguyễn Xuân Tiền, Giám đốc Công ty Thanh Thủy cho biết, hiện hoạt động sản xuất của công ty bị cản trở do bảo vệ Công ty Sông Thao khóa cổng, ôtô không vào được bên trong nhà máy để bốc hàng. Thế nên, ngày 9/9, để đưa nước ra ôtô vận chuyển đi giao hàng theo hợp đồng, công nhân nhà máy phải bê bình nước qua cổng sắt, xếp vào ôtô.

Công ty CP Nước khoáng Thanh Thủy thành lập ngày 22/10/2010 với các cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Sông Thao, ông Nguyên Xuân Tiền, ông Đặng Đức Truyền và ông Aybar Fernandez Rufino. Lúc đầu các cổ đông thỏa thuận đặt tên là Công ty CP Liên doanh sản xuất nước khoáng Presti. Công ty Sông Thao góp vốn bằng tiền mặt và quỹ đất với tài sản trên đất tổng trị giá 8 tỷ đồng (trong đó tiền mặt là 4,5 tỷ đồng và một phần diện tích trên khu đất thuê tại khu D, xã La Phù nay là thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, có diện tích 10.455m².

Tài sản trên đất là tường rào bao quanh với một số cây trồng và quyền khai thác 50% theo giấy phép khai thác nước khoáng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty Sông Thao). Ông Nguyễn Xuân Tiền góp vốn 6 tỷ đồng (tương đương 30% vốn điều lệ), ông Truyền góp công nghệ xử lý nước khoáng trị giá 4 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ), ông Rufino góp 2 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ). Sau đó, Công ty xin đổi tên là Công ty CP Nước khoáng Thanh Thủy.

Khi thay đổi chứng nhận đăng ký kinh doanh, số vốn điều lệ của công ty thay đổi. Cụ thể: Công ty Sông Thao 40% vốn điều lệ (3,672 tỷ đồng góp vốn bằng mặt bằng), ông Tiền 40% vốn điều lệ (3,467 tỷ đồng), ông Truyền 10% vốn điều lệ (1,733 tỷ đồng bằng thiết bị máy móc). Ông Tiền là Giám đốc Công ty Thanh Thủy.

Tháng 5/2012, nhà máy lắp đặt xong và cho ra sản phẩm nước khoáng đóng bình, đóng chai 500ml. Theo phản ánh của ông Tiền, tháng 9/2010, Công ty Sông Thao cắt điện, nước mà không thông báo, buộc nhà máy phải dừng hoạt động. Lý do vì phía bên Công ty Sông Thao nghi ngờ giá xây dựng nhà máy không đúng với giá thực tế.

Ông Tiền đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng. Quá trình giải quyết, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ yêu cầu kiểm định, kiểm toán công trình. Kết quả kiểm toán cho thấy “giá trị quyết toán của công trình (gần 7,5 tỷ đồng làm tròn) đã phản ánh trung thực, hợp lý tình hình quyết toán của công trình Nhà máy Nước khoáng Thanh Thủy tại thời điểm lập quyết toán và phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành và quy định pháp lý có liên quan”.

Sau thời gian dài ngừng hoạt động, tháng 1/2015, Công ty Thanh Thủy xin hoạt động trở lại và tăng vốn điều lệ để đưa công ty vào hoạt động, công bố phát hành cổ phần. Tuy nhiên, Công ty Sông Thao không đồng ý với hoạt động của Công ty Thanh Thủy. Sau 6 tháng Công ty Sông Thao không tham gia vào các hoạt động của Công ty Thanh Thủy, tháng 6/2015, Đại hội cổ đông Công ty Thanh Thủy khai trừ Công ty Sông Thao ra khỏi Hội đồng quản trị.

Công nhân mong có việc làm     

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Đinh Văn Tiến, quản lý nhà máy cho biết: “Hiện có nhiều đơn đặt hàng mua nước của nhà máy, nhất là các trường học ở địa phương khi vào năm học mới. Nhưng không thể cứ trèo rào đưa nước ra ôtô được, trông nhếch nhác lắm”. Còn anh Phạm Lương Thông, chị Lã Thị Nhạn, anh Phan Văn Trình… là công nhân, kế toán, bảo vệ của nhà máy cũng bức xúc và mong muốn nhà máy hoạt động tốt để có lương ổn định. Họ đều là người địa phương và đều có phần diện tích đất bị thu hồi để Công ty Sông Thao thực hiện dự án. Không có đất làm ruộng, họ được nhận vào làm lao động của Công ty Thanh Thủy là đã có cơ hội ổn định cuộc sống với mức lương trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất bị gián đoạn, cuộc sống của các lao động khó khăn.

Quá trình giải quyết vụ việc phát sinh liên quan đến Công ty Thanh Thủy, năm 2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ đã báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ và kết luận: “Việc Công ty TNHH Sông Thao góp vốn cùng 2 cổ đông đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, địa chỉ trụ sở chính đặt trên đất của Công ty TNHH Sông Thao khi diện tích đất góp vốn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là trái với quy định…”.

Cùng hợp tác đầu tư nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý đã triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện lại phát sinh mâu thuẫn và tranh chấp kéo dài. Đất đai không khai thác sử dụng tốt, nhà máy hoạt động không hiệu quả, công nhân không có việc làm ổn định, tranh chấp gây mất ổn định trật tự…, đó là những thiệt hại dễ nhìn thấy. Nếu các bên không thiện chí tháo gỡ, những bất ổn này sẽ tồn tại và ảnh hưởng xấu địa phương. Liên quan đến vấn này, ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thuỷ cho biết, đây là tranh chấp giữa các nhà đầu tư, việc đình trệ sản xuất thiệt hại trước hết sẽ thuộc về họ. Ông cũng được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ sẽ kiểm tra về hiệu quả sử dụng đất của Công ty Sông Thao để có biện pháp giải quyết theo đúng trình tự pháp luật.

Trong quá trình thu thập tài liệu, chúng tôi đã liên hệ với đại diện Công ty Sông Thao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cung cấp những thông tin cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về sự việc này.

Nhóm PV
.
.
.