Cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm:

Còn những bất cập trong bảo vệ người thi hành công vụ

Chủ Nhật, 09/11/2014, 11:28
Để đảm bảo việc thực thi pháp luật và đảm bảo an toàn cho CBCS Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ, dư luận đang quan tâm đến hành động truy đuổi người vi phạm luật giao thông bỏ chạy. Nên hay không nên truy đuổi đến cùng (?) Nếu CSGT không truy đuổi, người vi phạm luật giao thông ai cũng bỏ chạy và tình trạng cố tình chống đối, vi phạm luật sẽ tăng lên. Nếu truy đuổi trên đường phố, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng CBCS CSGT và những người đang tham gia lưu thông trên đường.

Khu cư xá Bắc Hải (phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh), đường nội bộ theo kiểu ô bàn cờ, tiếp giáp với đường Thành Thái, CMT8, Tô Hiến Thành và Lý Thường Kiệt. Thỉnh thoảng vào lức nửa đêm, người dân giật mình tỉnh giấc bởi tiếng xe rồ ga rú lên rất mạnh và tiếng còi hụ, đèn quay của xe môtô đặc chủng CSGT truy đuổi… Các đối tượng đua xe, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, chở 3… rồ ga bỏ chạy khi CSGT ra hiệu dừng xe và một số đối tượng “quái xế” còn “giễu cợt”, “hò hét” trêu chọc CSGT… thách chạy đua! Thượng úy Nguyễn Văn Quân cho biết: Anh em làm nhiệm vụ vất vả cả ngày đêm để đảm bảo ANTT, ATGT cho mọi người dân. Thế nhưng các đối tượng “quái xế” lạng lách, đánh võng và trêu tức CSGT, xem thường pháp luật… Anh em phải truy đuổi đến cùng. Đa số đối tượng là tội phạm nghiện ma túy, đua xe độ, rất liều lĩnh, hung hãn. CSGT trẻ Nguyễn Văn Tâm cho rằng: Anh em vì nhiệm vụ và điều lệnh của một chiến sĩ CAND, nếu không sẽ khó kiềm chế những cơn bực tức trong lòng khi bọn đua xe trêu tức trước mặt… Rất khó cho hành vi ứng xử của CSGT khi đối mặt với đối tượng vi phạm bỏ chạy.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nhắc nhở một tài xế xe khách.

Ngay cả khi truy đuổi, cũng chưa thể xác định đối tượng bỏ chạy vì lỗi vi phạm giao thông hay vì đối tượng thuộc loại truy nã, ma túy, hình sự, trộm cắp xe, buôn hàng cấm, hàng lậu… Thực tế đã có những trường hợp đối tượng sử dụng “hàng nóng”, chống cự rất quyết liệt, khiến cho CSGT bị thương nặng, tử vong khi làm nhiệm vụ truy đuổi. TAND tỉnh Hậu Giang từng xét xử 20 năm tù cho hai đối tượng đạp ngã xe CSGT truy đuổi đối tượng bỏ chạy vì không đội mũ bảo hiểm, khiến CSGT bị thương tích rất nặng.

Thượng sĩ Lương Khánh Việt (Đội CSGT Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cùng Thượng sĩ Trần Võ Hoài Thanh tuần tra. Đến khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ (Q5) các anh phát hiện một tốp khoảng 30 xe máy đang lạng lách có dấu hiệu “đi bão” nên lập tức truy đuổi. Trời mưa đường trơn trượt, nhưng nhóm “quái xế” vẫn rú ga lao đi. Thượng sĩ Việt và Thanh tăng ga đuổi theo, không may xe gặp sự cố ngã trượt dài trên đường, đập mạnh vào tường rào của một trường Mầm non. Thượng sĩ Lương Khánh Việt đã tử vong sau đó vài giờ.

Mật độ giao thông ở các thành phố lớn rất đông, nếu CSGT truy đuổi sẽ làm nguy hiểm đến tính mạng của CSGT và tất cả người dân đang tham gia lưu thông. Trường hợp truy đuổi ôtô sẽ còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Cũng có ý kiến cho rằng, trừ trường hợp tội phạm đặc biệt nguy hiểm mới cần thiết phải truy đuổi như vậy. Công dân vi phạm những lỗi nhỏ như: quên bật đèn, lấn đường…thì CSGT không nên truy đuổi.

CSGT truy đuổi một xe ô tô vi phạm Luật Giao thông cố tình bỏ chạy,

Nếu đuổi như vậy, lỗi vi phạm nhỏ có thể sẽ gây hậu quả lớn. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, nếu CSGT không truy đuổi người vi phạm luật giao thông bỏ chạy, thì ai cũng bỏ chạy khi phạm luật và tình trạng cố tình vi phạm luật sẽ lại tăng lên. Đã thực thi pháp luật thì phải kiên quyết trấn áp đến cùng. Phải thượng tôn pháp luật, nếu không chấp hành lệnh CSGT mà bỏ chạy, thì CSGT phải truy đuổi ngăn chặn và xử lý nghiêm là điều cần thiết. Nếu trong quá trình truy đuổi có xảy ra sự việc đáng tiếc thì việc quy trách nhiệm đầu tiên chính là người bị đuổi.

Đại úy Nguyễn Giang Sơn (Đội CSGT Cát Lái) kể: Có lần, Tổ công tác có anh và Thượng úy Vũ Minh Hải, Thiếu úy Nguyễn Cao Thắng tuần tra trên Xa lộ Hà Nội (Q2) thì nghe tiếng hô “cướp, cướp!”. Các anh phát hiện một chiếc môtô chở 3 thanh niên (không đội MBH) lao đi với tốc độ cao nên lập tức truy đuổi. Bất chấp hiệu lệnh dừng của CSGT, chiếc môtô chở 3 vẫn rồ ga chuyển hướng vào đường Mai Chí Thọ. Tổ CSGT lập tức truy đuổi và khống chế bắt giữ đối tượng cầm lái tên Nguyễn Minh Tiến, riêng hai đối tượng đi cùng đã bỏ chạy thoát.

Còn với Thiếu úy Nguyễn Hoàng Hiếu truy đuổi bắt cướp luôn biết sẽ nguy hiểm với bản thân, nhưng với quyết tâm tóm bằng được kẻ xấu, sau màn rượt đuổi qua nhiều tuyến phố như cảnh trong phim hành động, tên cướp Nguyễn Đặng Quang Huy (22 tuổi, ngụ 66 Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh) vừa cướp xe Honda BKS 59B1-001.54 của ông Võ Thanh Hồng, tại khu dự án Thủ Đức, thuộc phường An Bình, quận 2 đã bị tra tay vào còng số 8. Mọi người dân chứng kiến đều bày tỏ khâm phục và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của lực lượng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh.

Theo quy định hiện hành, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Chế tài xử phạt quá nhẹ đối với hành vi cố ý, điều đó không đủ sức răn đe đối với hành vi bỏ chạy của người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành hiệu lệnh CSGT. Chúng tôi cho rằng, truy đuổi là cần thiết, vì nếu người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh mà bỏ trốn, để xảy ra TNGT, làm thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị coi là một tình tiết định khung tăng nặng của tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với mức phạt tù từ 3 đến 10 năm tù (điểm d, khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự).

Hoàng Châu
.
.
.