An toàn vệ sinh thực phẩm ở lễ hội:

Còn nhiều vi phạm trong lễ hội đầu năm

Chủ Nhật, 01/03/2015, 09:18
Xúc xích, bánh tôm, bánh đúc để cả rổ ở bên đường đi không che đậy, nơi có dòng người qua lại tấp nập – đây là hình ảnh thường thấy ở nhiều lễ hội đang diễn ra trong xuân này ở Hà Nội...

Mặc dù trước Tết thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các địa phương nơi có di tích lịch sử văn hóa, có các lễ hội diễn ra phải tăng cường tuyên truyền để người kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng xuân này chúng tôi thấy còn rất nhiều hình ảnh chưa đẹp, vi phạm VSATTP diễn ra.

Theo Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ thì trong những ngày đầu năm mới Ất Mùi, mỗi ngày Phủ Tây Hồ đón từ 8 đến 10 nghìn lượt người về đây tham quan, làm lễ. Để đáp ứng cho lượng người lớn như vậy, Ban quản lý đã tạo điều kiện tối đa cho du khách về hành hương. Và một điều không thể thiếu khi đến đây, đó là các hàng ăn nhanh, nhà hàng bún ốc, bánh tôm mọc nên như nấm. Và đã nhiều năm nay tình trạng thực phẩm chín bày bán lộ thiên ở đường đi, không che đậy trong tủ kính vẫn diễn ra, gây mất VSATTP, chứng tỏ người kinh doanh vẫn chưa chú trọng tới công tác đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Xúc xích bán ngay tại đường đi ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp Tết Ất Mùi.

Do nắng ấm, mệt mỏi nên khách đến đây lễ xong vào các hàng ăn nhanh này rất lớn. Rác thải, giấy ăn xả bừa bãi, trông rất mất cảnh quan. Nhìn vào chỗ rửa bát mới thấy hãi, cô nhân viên khuấy từng chồng bát đĩa cao chất ngất trong chậu nước đục ngầu. Bát rửa xong vẫn để dưới nền đất, nhân viên đi qua đi lại bưng bê rơi rớt cả nước bẩn vào. Chồng bát đã rửa sau đó được nhân viên bê lên, dốc nước rồi mang ra đong bún cho khách. Đúng là "khuất mắt trông coi"!

Ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám dòng người đổ về trong những ngày đầu xuân cũng ken đặc, phải chen chân mà đi. Đi mãi, mệt mỏi nên khách ùa vào các hàng ăn nhanh rất đông. Người bán hàng đặt cả chảo xúc xích, kẹo mạch nha sát dưới nền đất bên đường đi, nhìn rất mất mỹ quan và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tương tự, ở bên ngoài khu vực chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội các hàng ăn cũng khá đông. Một gánh bún ốc, riêu cua gánh rong đầu xuân lại đắt khách. Gánh bún này có độc nhất một chiếc xô nhựa nhỏ làm nước rửa bát. Không hiểu với xô nước này thì khi ăn phải những chiếc bát kia, thực khách có bị bệnh về đường tiêu hóa hay không?

Tại hầu hết các lễ hội, các điểm di tích lịch sử văn hóa trong những ngày đầu xuân, nơi nào cũng tràn ngập hàng ăn xung quanh. Kinh doanh trong điều kiện "tiết kiệm" nước rửa bát, người bán hàng, nhân viên phục vụ vi phạm các quy định, tiêu chí của thức ăn đường phố nhan nhản, nhưng khách hàng vẫn xì xụp ăn uống đông đúc. Còn cơ quan chức năng ở đâu? Nếu tiến hành kiểm tra, xử lý như chỉ đạo thì những hình ảnh chưa đẹp như trên có lẽ đã giảm bớt?

Người kinh doanh "mặc kệ" thực khách, không chú trọng vào khâu bảo quản thực phẩm theo đúng 10 tiêu chí của kinh doanh thức ăn đường phố, miễn sao bán được hàng. Thiết nghĩ, để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội phải có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cơ quan kiểm tra, giám sát VSATTP của thành phố, quận, huyện và đặc biệt là lương tâm của người kinh doanh. Để chờ được điều đó thì người tiêu dùng trước tiên hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc lựa chọn thực phẩm, hàng quán an toàn.

Nhật Minh
.
.
.