Vụ thi hành án tài sản do Hội đồng thành viên nước ngoài góp vốn ở Phú Yên:

Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Thứ Ba, 02/09/2014, 08:02
Hơn hai tháng kể từ khi gửi văn bản thỉnh thị chỉ đạo nghiệp vụ, đến nay Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Phú Yên vẫn chưa nhận được phúc đáp của Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, trong khi đương sự là người nước ngoài liên tục khiếu nại cho rằng chấp hành viên (CHV) Cục THADS Phú Yên làm trái pháp luật. Phóng viên Báo Công an nhân dân đã tìm hiểu vụ việc.

Từ một vụ thi hành án

Công ty TNHH An Hải, trụ sở ở phường 7, TP Tuy Hòa có 3 thành viên quốc tịch Liên bang Nga góp vốn nuôi cá ở vùng biển An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Doanh nghiệp này do bà Victoria Tikhacheva làm Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), ông Alksandr Rogatnykh là người được hợp đồng làm Tổng giám đốc. Quá trình hoạt động, Công ty TNHH An Hải vay vốn tín dụng và treo nợ nên Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư phát triển (BIDV) Phú Yên khởi kiện.

Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 09/2012/QĐST-CNSTT ngày 3/4/2012 của TAND tỉnh Phú Yên, Công ty TNHH An Hải chấp nhận trả nợ cho BIDV Phú Yên hơn 19 tỷ đồng, trong đó có gần 14,5 tỷ đồng tiền gốc và hơn 4,6 tỷ đồng tiền lãi. Thời hạn trả nợ ba đợt và kết thúc ngày 31/5/2012. Nếu không trả được nợ, BIDV Phú Yên phát mãi tài sản Công ty TNHH An Hải đã thế chấp.

Do Công ty TNHH An Hải không thực hiện cam kết nên Cục THADS Phú Yên ra quyết định THA, CHV Trần Thị Hoài tống đạt quyết định và thông báo tự nguyện THA cho ông Alksandr - Tổng giám đốc Công ty TNHH An Hải. Trong biên bản làm việc với CHV ngày 14/8/2012, Phó tổng giám đốc Strokulev Andrey cho biết, phải báo cáo Chủ tịch HĐTV chứ ông không có quyền tự nguyện giao tài sản của doanh nghiệp cho CHV kê biên. Sau khi CHV kê biên tài sản gồm công trình xây dựng, thiết bị nuôi trồng thủy sản, ôtô, canô vào ngày 21/9/2012, Chủ tịch HĐTV Victoria có văn bản xác định giá trị khối tài sản kê biên 8 triệu USD nhưng không được BIDV Phú Yên chấp nhận nên phải thuê cơ quan chức năng thẩm định giá hơn 23,8 tỷ đồng. Đó là mức khởi điểm để Chi nhánh Công ty TNHH DVBĐG - TV Miền Nam tại Phú Yên bán đấu giá tài sản.

Sau 6 lần tổ chức bán đấu giá không có người mua, khối tài sản phải giảm giá còn 14,7 tỷ đồng. Phiên đấu giá thứ 7 chưa tổ chức thì ngày 18/3/2014 BIDV Phú Yên có văn bản xin nhận tài sản để khấu trừ nợ với giá trị hơn 14,8 tỷ đồng. Mặc dù không có giấy ủy quyền của Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH An Hải nhưng trong biên bản làm việc ngày 24/3/2014, CHV vẫn chấp nhận ý kiến Tổng giám đốc Alksandr giao tài sản là vốn góp của nhiều người cho BIDV Phú Yên với giá trị 14,8 tỷ đồng. Trớ trêu hơn nữa là biên bản giao nhận tài sản kê biên do CHV Trần Thị Hoài - Trưởng phòng nghiệp vụ Cục THADS Phú Yên lập ngày 28/3/2014 không có phiên dịch viên tham gia(?).

Đến những vấn đề cần làm rõ

Cho rằng việc THA không đúng pháp luật, xâm hại quyền lợi hợp pháp của mình nên Chủ tịch HĐTV Victoria khiếu nại. Trong văn bản gửi Tổng cục THADS để thỉnh thị chỉ đạo nghiệp vụ, Phó Cục trưởng THADS Phú Yên - ông Nguyễn Tư Pháp lập luận, việc giao nhận tài sản kê biên để khấu trừ nợ trường hợp này là đúng pháp luật, vì Tổng giám đốc Alksandr là người đại diện Công ty TNHH An Hải theo pháp luật, không nhất thiết phải thông báo cho các thành viên góp vốn của doanh nghiệp, trong khi đó có nhiều quan điểm ngược lại.

Trước hết cần thấy rằng trong biên bản làm việc với CHV ngày 17/12/2012, ông Alksandr thừa nhận "Đây là Công ty có 3 thành viên góp vốn nên Tổng giám đốc không có quyền quyết định bán tài sản của Công ty, quyền quyết định là các thành viên của công ty mà người đại diện là Chủ tịch HĐTV Victoria". Mặt khác, ông Alksandr chưa được Chủ tịch HĐTV ủy quyền giải quyết THA nên không có quyền thỏa thuận THA và định đoạt tài sản kê biên theo điều 6 Luật THADS. Tài sản đó do 3 người góp vốn gồm Chủ tịch HĐTV Victoria Tikhacheva cùng hai thành viên Yury Belkin, Liudmila Tsvetkova. Họ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên phải được nhận các thông báo về THA theo quy định tại điều 39 Luật THADS và điều 7 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật THADS.

Hơn thế nữa theo quy định tại điều 47 Luật Doanh nghiệp, HĐTV mới có quyền quyết định xử lý tài sản vốn góp, ông Alksandr chỉ là người được thuê làm Tổng giám đốc. Lạ lùng thay, khi xử lý tài sản THA, CHV không thông báo cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết là đã vô tình hay cố ý tước bỏ quyền ưu tiên mua tài sản của họ theo khoản 3 điều 74 Luật THADS… Những phân tích nêu trên có phải là dấu hiệu bất thường hay không? Câu trả lời xin nhường lại cho Tổng cục THADS và các cơ quan giám sát thực thi pháp luật ở Phú Yên.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Trung Hưng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan này đã và đang thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan, thực hiện quyền kiểm sát vụ việc thi hành án dân sự đối với Công ty TNHH An Hải để xem xét và xử lý theo quy định pháp luật.

PV
.
.
.