Có hay không việc “dân sự hóa quan hệ hình sự” cho phân bón giả?

Thứ Hai, 02/10/2017, 07:12
Phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã trở thành vấn nạn của ngành nông nghiệp, gây ra những hậu quả vô cùng lớn khiến dư luận bức xúc. Khi phát hiện loại hàng hóa này, các cơ quan chức năng phải xứ lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa tác hại nghiêm trọng của nó.

Thế nhưng, những gì đã xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Lâm Đồng đang khiến dư luận hoài nghi về tính nghiêm minh trong xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón. Có hay không việc “dân sự hóa quan hệ hình sự” cho phân bón giả ở Lâm Đồng?

Lâm Đồng có 270.000ha đất sản xuất nông nghiệp với các loại cây chủ lực như cà phê, chè, rau, củ, quả… hằng năm cần tới cả triệu tấn phân bón. Lợi dụng nhu cầu sử dụng phân bón với số lượng rất lớn, những năm qua, nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng của không ít doanh nghiệp đã trà trộn vào thị trường Lâm Đồng khiến hàng nghìn gia đình trở thành nạn nhân của loại phân bón này.

Chi Cục QLTT Lâm Đồng bị cho là có nhiều sai phạm trong thời gian qua.

Không chỉ tiền mất, người sử dụng trúng phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn “mang tật” vì phân bón cho hoa màu bị chết hoặc giảm năng suất. Mặc dù bị thiệt hại năng nề nhưng để có căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện, người dân buộc phải đề nghị các cơ quan chức năng, trong đó có ngành QLTT Lâm Đồng lấy mẫu đưa đi phân tích, kiểm định, đúng theo trình tự thủ tục.

Thế nhưng, có những vụ việc, sai phạm được cho là đã quá rõ nhưng Chi cục QLTT Lâm Đồng lại lập lờ, thậm chí làm trái quy định của pháp luật để “giải cứu” cho doanh nghiệp buôn bán phân bón giả, gây bức xúc, bất bình cho nhà nông.

Đỉnh điểm của sai phạm này tại Chi cục QLTT Lâm Đồng bị cho là “dân sự hóa quan hệ hình sự” xảy ra tại một doanh nghiệp kinh doanh phân bón tại huyện Di Linh. Theo tài liệu thanh tra mà PV có được, ngày 19-8-2016, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm, phát hiện Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Toàn Thu tại thôn 8, xã Tân Châu, huyện Di Linh (Lâm Đồng) bày bán 6.000kg phân bón vô cơ đa lượng bón rễ NPK + TE 20 – 20 – 15 giá trị 57,6 triệu đồng do Công ty Công ty TNHH MTV TM-DV Sen Vàng (trụ sở tại Long An) sản xuất.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng chỉ tiêu P2O5 chỉ đạt 54%, tức dưới 70%. Cơ quan chức năng kết luật đây là hàng giả. Theo Điều 156, Bộ luật Hình sự, hành vi của Cửa hàng vật tư nông nghiệp Toàn Thu đã có dấu hiệu cấu thành tội buôn bán hàng giả.

Theo quy định, trước khi xử lý vụ việc, Chi cục QLTT Lâm Đồng phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ, trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì mới quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 12, luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định, nghiêm cấm “Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, Chi cục QLTT đã tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Toàn Thu 60 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng giả.

Khi Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vào cuộc thì mọi chuyện “đã rồi”. Vì: “Vụ việc đã được UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và toàn bộ lô hàng phân bón vô cơ đa lượng rễ NPK + TE 20-20-15 đã bị tiêu hủy”, tang vật vi phạm đã không còn.

Ngoài ra, liên quan đến vụ “dân sự hóa quan hệ hình sự” trên, quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính và lập biên bản tạm giữ của vụ việc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Những khuất tất liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra tại Chi cục QLTT Lâm Đồng còn được thể hiện qua vụ việc kiểm tra ở Cửa hàng Hiếu Hải, thôn 6, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (lô phân bón do Công ty TNHH SX&TM Hoàng Long Vina sản xuất), khi ngành QLTT “ghi nhầm” tên phân bón SA Ganaa 21-0-024S với phân bón NPK 21-0-0-24S dẫn đến hồ sơ không thống nhất về tên hàng hóa, kết quả kiểm định cũng bất nhất. Từ sự cố “nhầm lẫn” này, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt cửa hàng này về hành vi vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Bên cạnh đó, những năm qua, Chi cục QLTT Lâm Đồng đã tham mưu cho UBND tỉnh này ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính sai thẩm quyền, không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của địa phương.

Trong đó, 5 đơn vị đã nộp phạt, 2 đơn vị khởi kiện quyết định xử lý vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lâm Đồng khiến tỉnh Lâm Đồng thua kiện, buộc phải rút quyết định xử phạt hành chính theo quyết định của toàn án, 2 đơn vị hiện chưa nộp phạt và đơn vi còn lại buộc phải trả lại tiền phạt vi phạm hành chính.

Ông Kiều Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lâm Đồng cho biết, trong lĩnh vực phân bón, ngành QLTT làm việc “rất nghiêm túc”. Ông Việt lý giải việc không chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ vụ kinh doanh phân bón giả tại Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Toàn Thu là do kết quả phân tích lần đầu xác định đây là phân kém chất lượng. Tuy nhiên, mẫu phân tích lần 2 xác định là phân bón giả.

Sau khi xin chỉ đạo từ cấp trên, trên cơ sở kết quả không đồng nhất này, Chi cục QLTT Lâm Đồng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Toàn Thu 60 triệu đồng. Riêng việc tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính sai thẩm quyền, không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh, ông Kiều Xuân Việt cho biết những vụ việc tương tự cũng đều được các địa phương khác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý chứ không riêng gì ở Chi cục QLTT Lâm Đồng.

Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa được công bố khẳng định, Chi cục QLTT Lâm Đồng giải quyết các vụ việc liên quan đến phân bón như trên là “không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”.

Việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính như đã nêu là “sai thẩm quyền”. Vậy, có hay không việc Chi cục QLTT Lâm Đồng đã “dân sự hóa quan hệ hình sự”, để lọt tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón giả, vốn đã gây ra rất nhiều hệ lụy và bức xúc trong nhân dân những năm qua?

Kim Ngân
.
.
.