Tp. Hồ Chí Minh:

Chuyện thường ngày ở khu “Tây ba lô”

Chủ Nhật, 05/12/2004, 09:42

"Một lần nọ có 2 du khách nữ đến để massage bụng. Trong lúc một người đang thỏa thuận giá cả thì người kia xin đi tắm. Sau khi tắm xong, họ không đồng ý giá nên đã bỏ đi. Thoạt đầu tôi chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng sau này gặp nhiều trường hợp tương tự  như vậy, tôi mới biết được đây chính là chiêu... tắm chùa”, chị Thanh, chủ một thẩm mỹ viện ở phường Phạm Ngũ Lão, kể.

Ở nhiều khách sạn trước đây cũng từng xảy ra những trường hợp khiến tiếp tân phải đau đầu là du khách thuê phòng vào buổi sáng rồi đi đâu chơi mất biệt. Đến chiều gọi điện thoại về khách sạn bảo là hôm nay không ở khách sạn nên khỏi tính tiền! Trong khi đó, tại phòng vẫn còn đồ đạc của du khách nên không thể cho người khác thuê. Để tránh tình trạng này, hiện tại, các khách sạn đều mở thêm dịch vụ giữ đồ, các ông bà Tây xem ra rất thích thú.

 

Mỗi sáng, trên các tuyến đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện luôn có hàng trăm du khách ngồi ăn sáng, uống cà phê trong các quán sang trọng và quán "cóc" vỉa hè. Xong xuôi, từng tốp người tản ra nhiều ngả.

 

Ngoài mục đích sang du lịch, tìm vợ, tìm cơ hội đầu tư làm ăn, còn có người vì thất nghiệp sang tìm việc làm hoặc đã có việc làm nhưng đến khu phố “Tây ba lô” để thuê nhà ở. Vì vậy, khi ở Việt Nam họ phải chi tiêu chừng mực.

 

Anh Tâm, một người chạy xe ôm ở khu vực này, nói: "Về khoản tiêu tiền tiết kiệm, Tây "ba lô" ở đây là số một. Họ ăn uống, mua sắm, đi xe đều trả giá còn "siêu" hơn người Việt". Anh Tâm vừa dứt lời, một du khách người Nga đến thuê chở sang bến Bạch Đằng (quận 1), anh chưa kịp ra giá thì du khách kia đã chìa ra 4 ngón tay, giọng lơ lớ: "Bốn ngàn!". Anh Tâm lắc đầu vì khách Việt Nam đi đã là 5.000 đồng. Du khách vẫn kiên quyết giữ giá, cánh xe ôm cũng quyết không hạ giá, thế là du khách kia… đi bộ.

 

Ở nhiều nhà nghỉ bình dân nằm trong các con hẻm quanh khu vực này thì lượng khách gần như lúc nào cũng quá tải. Giá cho thuê từ 5 USD/ ngày trở xuống  đối với phòng không có máy lạnh, máy nước nóng và từ 5-10USD nếu có các thiết bị trên. Đối với khách ở tháng, trung bình mỗi phòng khoảng 2 triệu đồng.

 

Khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, khu phố “Tây ba lô" chỉ có 4 - 5 hộ kinh doanh nhà nghỉ. Để thu hút khách, các hộ kinh doanh này cho thuê với giá khá "mềm" bất kể là khách trong hay ngoài nước. Có lẽ chính ở điểm này mà sau đó có khá nhiều khách du lịch các nước tìm đến đây để thuê phòng. Các nhà nghỉ quá tải, dân sở tại thấy vậy liền chớp thời cơ, thế là hàng loạt khách sạn mini, nhà nghỉ ra đời để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn theo để phục vụ khách du lịch cũng ồ ạt hình thành với giá cả phải chăng.

 

Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn theo để phục vụ khách du lịch cũng ồ ạt hình thành với giá cả phải chăng. Đến năm 1998 thì khu vực này đã trở thành phố Tây "ba lô" thực thụ và cho đến ngày hôm nay đã đạt con số trên 200 điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có cả khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-3 sao. Đồng hành cùng khu phố là hàng chục dịch vụ như cho thuê xe gắn máy, massage, karaoke, Internet…

 

Ông Lê Nhật Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch, tôi biết: "Vừa qua, Sở đã có một cuộc khảo sát toàn diện về khu phố Tây "ba lô" này để làm cơ sở sắp xếp lại sao cho hợp lý. Theo như dự kiến thì khoảng đầu tháng 12 tới,  Sở sẽ tổ chức một cuộc hội thảo có mặt các ban, ngành  liên quan, cơ quan báo, đài để lấy ý kiến việc chỉnh trang khu phố nói trên"

.
.
.