Lãng phí trong phát triển quỹ nhà tái định cư tại TP Hồ Chí Minh

Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư bị phá sản

Thứ Ba, 15/06/2021, 06:34
Nhằm bố trí tái định cư cho người dân phải di dời nhà, đất phục vụ các dự án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, những năm qua TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được hàng chục ngàn căn hộ tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa.

Tuy vậy, lượng căn hộ tái định cư thành phố đã xây dựng còn bỏ hoang chưa có người nhận hoặc căn hộ đã bàn giao nhưng người dân không vào ở do không phù hợp nhu cầu vẫn còn rất lớn. Thực trạng này đang gây lãng phí rất lớn cho xã hội và cả ngân sách thành phố…

Hoang tàn những khu tái định cư

Trở lại với Khu tái định cư tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh sau tròn 10 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng, vẫn cảnh hoang vắng khác thường. Những block nhà 5 tầng sơn phía ngoài đã bong tróc, hoen ố bởi thời gian và nhiều công trình đã xuống cấp. Những block nhà đang có người ở thì dân cư thưa thớt, vắng vẻ; nhiều block nhà không có ai ở, tường nứt, nền lún, xung quanh cỏ mọc um tùm, tạo nên cảnh hoang phế.

Với gần 2.000 căn hộ, mỗi block nhà có 50 căn hộ, nhưng chỉ một vài block là có được khoảng chục hộ đang ở. Thậm chí cà khu A và khu B có đến 500 căn hộ, nhưng thời gian qua chỉ có hơn 30 hộ dân vào ở. Bàn giao cho người nhận nhà tái định cư đã 10 năm, nhưng hầu hết đường nội bộ trong khu tái định cư này chỉ mới được trải đá dăm, chưa được trải nhựa.

Anh Ngọc Lê, một người thuê căn hộ trong khu tái định cư này cho biết, chỉ ban ngày người dân mới dám đi đường ven kênh để ra vào khu tái định cư, còn đêm đến phải đi đường khác. Theo hướng chỉ tay của anh Lê, PV Báo CAND tìm được một con đường đá nhỏ ở phía sau nối ra tuyến đường của khu dân cư Phạm Văn Hai bên cạnh để đi ra đường Võ Văn Vân.

“Bây giờ đỡ hơn chứ trước đây nhiều người đang đi trên đường ven kênh bất ngờ bị tụi nó từ trong bụi bên đường lao ra đánh đập rồi cướp tài sản. Vậy nên buổi tối không ai dám đi đường ấy. Ban ngày khi trời mưa lầy lội và ổ voi như vậy cũng chẳng thể đi nổi”, anh Lê nói.

Khu tái định cư 30,9 ha Vĩnh Lộc B ở huyện Bình Chánh.

Một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang lúi húi làm việc cho biết tên Quý, cũng là một người thuê nhà ở đây. Nói về khu tái định cư đang ở, ông Quý tặc lưỡi: “Dân thuộc diện giải tỏa không về ở, chỉ nhận nhà rồi cho thuê lại, chứ lên đây bất tiện, đi lại khó khăn lắm. Người ta đang có việc làm ổn định ở chỗ cũ, kêu lên đây ở làm sao được; sao có thể bỏ công việc, rồi con cái đi học nữa. Đã vậy, cả khu này chỉ có 1 siêu thị, hàng quán rất ít, buôn bán ế ẩm, sao thu hút được cư dân”.

Ông Tư, gia đình thuê ở trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B cho hay: “Tôi đi lượm ve chai, vợ chồng đứa con thì đi làm thuê, mùa dịch COVID-19 này phải ở nhà mà tiền thuê nhà không giảm, cũng chưa thấy chính quyền địa phương hỗ trợ”. Thuê nhà ở đây đã lâu, ông Tư cho biết lớn tuổi ở đây thì yên tĩnh, nhưng nhiều nhà để trống đã hư hỏng. Có một số người vào tìm hiểu để thuê nhưng thấy heo hút, vắng vẻ nên không thấy quay lại.

Với tổng diện tích lên đến 30,9 ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư, tổng cộng 1.939 căn hộ, khu tái định cư tại xã Vĩnh Lộc B này là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa của dự án nâng cấp đô thị và những dự án xây dựng hạ tầng khác của thành phố. Tổng vốn đầu tư cho khu tái định cư Vĩnh Lộc B thời điểm đó đã lên tới 1.062 tỷ đồng, chưa kể tiền sử dụng đất.

Với diện tích lớn như vậy, những năm qua khu tái định cư này có đến 30 bảo vệ chia ca làm việc. Không có dân vào ở, không có thêm nguồn thu gì khác nên lương mỗi tháng chỉ 5 triệu đồng/người, dù vậy thì 3 tháng nay bảo vệ cũng chưa được nhận lương. Mỗi tháng họ chỉ được ứng chừng 2-3 triệu đồng, còn lại bị công ty giữ lại nên nhiều bảo vệ không dám nghỉ việc.

Nguyên nhân chính khiến nhiều hộ dân tái định cư không về đây ở là do những người có nhà bị giải tỏa đều ở các quận nội thành, cách xa khu tái định cư này 15-20km. Đang ở nội thành, bị đẩy ra xa tít ngoài ngoại thành nên nhiều hộ dân chỉ nhận nhà rồi để đấy chờ cho thuê. Khu vực này không thuận tiện về giao thông, hệ thống hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, đi lại khó khăn, lại không có chợ để buôn bán nên rất ít người đến thuê. Đây là nguyên nhân khiến khu tái định cư với số lượng căn hộ rất lớn này trở lên hoang tàn suốt những năm qua.

Còn khu tái định cư có tổng diện tích lên tới 38,4ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư cho người dân bị giải tỏa phục vụ Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Không có ai nhận nhà, bỏ hoang 5-6 năm qua nên 25 block nhà trong khu tái định cư 38,4 ha này trở nên hoang vắng.

Nhiều lần bán đấu giá bất thành

Sau lần đưa ra đấu giá không ai mua cách đây gần 3 năm, gần đây UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ tổ chức đấu giá trước ngày 15-6 đối với 3.790 căn hộ trong khu tái định cư 38,4ha phục vụ Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức.

Mức giá khởi điểm với số căn hộ này dự kiến khoảng 9.900 tỷ đồng, cao hơn khoảng 800 tỷ đồng so với lần đấu giá vào năm 2018. Để tránh tình trạng bán không ai mua như lần trước, trong lần đấu giá này TP Hồ Chí Minh đưa ra phương án chia số căn hộ tái định cư này thành 2 gói để đấu giá. Gói thứ nhất có số lượng 1.570 căn hộ, gồm 11 block chung cư; gói còn lại gồm 2.220 căn hộ thuộc 14 block chung cư.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất mời gọi các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, số căn hộ tái định cư này trở thành nhà ở thương mại, doanh nghiệp có quyền mua bán hoặc chuyển nhượng lại.

Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản đều chung nhận định: Căn hộ được xây theo mẫu thiết kế nhà tái định cư cách nay gần 10 năm đã lạc hậu so với mặt bằng chung của căn hộ thương mại hiện nay nên rất khó sửa chữa, cải tạo.

Điều kiện ngặt nghèo hơn là nếu muốn tham gia đấu giá, nhà đầu tư phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm, tương đương với số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Nếu trúng đấu giá, trong vòng 1 tháng bên mua phải nộp thêm 30% giá trị trúng đấu giá, tức trả thêm khoảng 3.000 tỷ đồng và trong vòng 90 ngày phải thanh toán 50% số tiền còn lại.

Tìm hiểu về quá trình hình thành 3.790 căn hộ tái định cư này được biết, số căn hộ trên được hình thành từ 2 dự án độc lập. Trong đó 1.570 căn do liên danh Tổng công ty CP TM XD và Công ty POS-AC Co., Ltd làm chủ đầu tư. 2.220 căn hộ còn lại do liên danh Công ty TNHH TM DV ĐT công đoàn Vietin - Công ty TNHH XD TM Thuận Việt cùng Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty CP Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư. Khi số căn hộ này còn đang xây dựng dở dang hoặc chỉ vừa mới xây dựng xong, tháng 11/2016 UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được điều chỉnh mục tiêu sử dụng tới 5.626 căn còn lại của chương trình 12.500 căn hộ tái định cư thành nhà ở thương mại.

Đồng thời cho phép thành phố áp dụng các phương án giải quyết đối với quỹ nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng này. Được Thủ tướng chấp thuận, thành phố đã đàm phán với các chủ đầu tư để dừng hợp đồng mua quỹ nhà này bằng cách tạm dừng thanh toán tiền hoặc bán lại cho chính các chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó chỉ có liên danh giữa Công ty TNHH XD TM Thuận Việt - Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín và Công ty CP SX TM Thành Thành Công cam kết mua lại 1.330 căn hộ nằm trong Khu tái định cư 38,4 ha ở Bình Khánh.

Ngoài ra Thành phố cũng xử lý xong đối với 506 căn hộ đã được xây dựng hoàn chỉnh tại lô D07 thuộc Dự án xây dựng 4.216 căn của khu tái định cư có diện tích 30,2 ha cũng tại phường Bình Khánh, TP Thủ Đức do Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư. Do vậy, 3.790 căn hộ tái định cư còn lại trong số 5.626 căn được TP Hồ Chí Minh xác định dôi dư cách đây 5 năm vẫn còn nguyên từ đó đến nay.

Liên quan đến chương trình phát triển 12.500 căn hộ tái định cư phục vụ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm của TP Hồ Chí Minh, ngoài 5.626 căn hộ dôi dư phải đàm phán bán lại cho chủ đầu tư hoặc xin chuyển thành căn hộ thương mại kể trên, còn đến 4.216 căn của Khu tái định cư 30,2 ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức.

Dự án này được giao cho Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư này cũng mới chỉ xây dựng hoàn chỉnh được lô D07 với số lượng 506 căn hộ rồi phải dừng lại, bỏ phần móng và hạ tầng kỹ thuật dở dang nằm trơ khung nhiều năm. Tổng cộng đã có khoảng 9.300 căn trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư không có nhu cầu sử dụng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đấu giá đã nhiều lần thất bại nên có quá nhiều vấn đề cần phải thay đổi để thúc đẩy việc chào bán thành công. Chẳng hạn việc bán sỉ hàng nghìn căn sẽ hạn chế khách mua vì chỉ thu hút các nhà đầu tư tổ chức có vốn lớn tham gia, hiện số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cỡ này không nhiều. Về mặt tâm lý, hàng nghìn căn hộ đưa ra chào bán có nguồn gốc là quỹ nhà tái định cư nên thường bị định kiến chất lượng không bằng nhà thương mại nên sẽ gây khó cho nhà đầu tư bán ra sau này. Hơn nữa, dự án còn bị bỏ trống nhiều năm không người ở sẽ nhanh bị cũ và xuống cấp cũng đặt ra không ít thách thức cho nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Đ.Thắng - N.Cảnh
.
.
.