Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường đại học có đúng Luật?

Thứ Năm, 21/05/2020, 19:57
Ngày 18/5, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.  Đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND cấp tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường đại học.


Trong khi địa phương khẳng định kiêm nhiệm thực tế cũng chỉ nắm bắt công tác chỉ đạo thì các chuyên gia thì cho rằng điều này có phần… trái khoáy và không phù hợp với Luật Giáo dục đại học.

Địa phương khẳng định đúng

Ngày 18/5, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thắng - Tiến sĩ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, người ký quyết định công nhận ông Nguyễn Văn Thắng là Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long, cho rằng việc này là bình thường, bởi người tiền nhiệm cũng là một lãnh đạo UBND tỉnh. 

Theo ông Đặng Huy Hậu, trước đó, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Thủy khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long. Nay bà Thủy nghỉ hưu thì một lãnh đạo khác của UBND tỉnh kiêm chức hiệu trưởng. 

“Lãnh đạo tỉnh kiêm nhiệm thực tế cũng chỉ nắm bắt công tác chỉ đạo thôi, còn công việc chuyên môn của nhà trường đều do các thầy cô đảm nhiệm” - ông Hậu cho biết.

Cũng theo ông Đặng Huy Hậu, Trường Đại học Hạ Long là cơ sở giáo dục đại học công lập, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg, ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hiện đang có 11 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc 3 lĩnh vực là xã hội - nhân văn, du lịch - dịch vụ, công nghệ - kỹ thuật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục và đào tạo. 

Bên cạnh đó, trường còn đào tạo các ngành thuộc trình độ cao đẳng đã có truyền thống thuộc khối sư phạm, nghệ thuật, du lịch và các ngành trung cấp nghệ thuật. Do mới đi vào hoạt động không lâu, vì vậy trong giai đoạn hiện nay nhà trường rất cần một lãnh đạo UBND tỉnh kiêm nhiệm chức hiệu trưởng để có những cơ chế, chính sách lớn, những quyết sách nhanh thúc đẩy phát triển.

Chiều ngày 21-5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thông tin chính thức về việc kiện toàn chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. Theo đó địa phương này khẳng định trước đó đã có 100% thành viên hội đồng dự họp đã nhất trí bầu ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, nhiệm kì 2020-2025.

Cùng với đó, trong quá trình công tác, với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng luôn quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát mọi hoạt động của Nhà trường từ xây dựng cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực đến tìm kiếm đối tác quốc tế để liên doanh liên kết, hợp tác đào tạo. Bản thân ông Nguyễn Văn Thắng cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành đào tạo của Nhà trường.

“Việc quy định Hiệu trưởng trường Đại học có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là tiêu chuẩn mang tính định tính, có thể vận dụng đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng trong trường hợp rất cần thiết này. Mặt khác Luật Giáo dục sửa đổi cũng không quy định bắt buộc chức danh Hiệu trưởng là cán bộ cơ hữu của  trường Đại học” – thông tin của UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Trường Đại học Hạ Long trước đó do Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức danh Hiệu trưởng.

Có trái với quy định Luật Giáo dục đại học?

GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: Cá nhân ông khá bất ngờ trước thông tin này. Việc Chủ tịch UBND tỉnh làm Hiệu trưởng Trường đại học đúng là có phần hơi “trái khoáy”. 

Cũng theo GS Phạm Tất Dong, thực tế cho thấy, quản lý nhà nước khác với quản lý cơ sở giáo dục đại học nên không thể nhầm lẫn hay đánh đồng hai phạm trù này với nhau. 

Trong nhà trường, Hiệu trưởng là người theo sát các công tác quản lý, đào tạo học thuật, điều hành nhân lực, tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục… khối lượng công việc rất lớn. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải liên tục có mặt trong các công việc lãnh đạo quản lý, giao ban chuyên môn, không thể “ngồi chỉ tay năm ngón” được.

“Đặc thù của đại học không phải là trường phổ thông cấp 4. Quảng Ninh lại là địa phương phát triển năng động, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên vai trò của trường đại học trong việc tham gia hoạch định chính sách, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương càng cần được coi trọng. 

Nếu Hiệu trưởng là người chưa từng đảm nhận qua nhiệm vụ quản lý, giảng dạy trong môi trường giáo dục đại học sẽ không thể thẩm thấu hết được tinh thần của đại học, sẽ gặp khó khăn trong học thuật, trong quản trị, điều hành, vốn là những yêu cầu không thể thiếu của người lãnh đạo trong xu hướng tự chủ đại học hiện nay”- GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Muốn làm Hiệu trưởng trường đại học phải đáp ứng những tiêu chuẩn riêng như quá trình quản lý trực tiếp trường đó. Nếu chỉ dùng quyền lực thì khó điều hành có hiệu quả một trường đại học. Bởi lẽ khi người ta có quyền mà không biết việc thì rất nguy hiểm. 

Đó là chưa kể, việc công nhận Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng mà chưa hề có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục đại học là vi phạm Luật Giáo dục đại học. Còn nếu việc kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường đại học chỉ là hình thức còn chuyên môn có hiệu phó lo thì cũng không nên vì dù sao Hiệu trưởng vẫn là người phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về mọi hoạt động của nhà trường.

TS.Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐTcũng nêu quan điểm: Việc để chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng là trái với điều 20 của Luật Giáo dục đại học 2018. Điều 20 có quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học là người có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học. 

Do đó, ông Nguyễn Văn Thắng nên đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hạ Long sẽ hợp lý, đúng quy định hơn. Hãy để vị trí Hiệu trưởng đòi hỏi chuyên môn cao cho một người khác có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Chỉ có như vậy mới thực sự vừa phát huy được quyền tự chủ, tự quyết, vừa lớn mạnh về mặt chất lượng đạo tạo chuyên sâu nghiên cứu của trường đại học.

V. Huy - Huyền Thanh
.
.
.