Chính quyền giữ rừng thay lực lượng bảo vệ rừng?

Thứ Tư, 13/05/2015, 08:38
Do năng lực quản lý yếu kém, chính quyền địa phương tự tiện giao khoán đất rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP tràn lan, không đúng đối tượng, không theo quy hoạch… dẫn đến hàng trăm ha rừng tự nhiên đã bị tàn phá một cách không thương tiếc. Đó là thực tế đang diễn ra tại lâm phần quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín nằm trên địa bàn xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 24/4/2015 vừa qua, ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa đã buộc phải triển khai kế hoạch hỏa tốc số 62/KH-ĐTHCT12 về việc thành lập đoàn liên ngành để chốt chặn, truy quyét nạn phá rừng nơi đây. 

Hàng ngàn ha rừng tại Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín đang bị phá tan hoang.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ lập chốt chặn trong thời gian 30 ngày nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức truy quét các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, bảo vệ hiện trường diện tích rừng đã bị phá… Đây được xem là việc làm “vô tiền khoáng hậu” từ trước tới nay bởi chính quyền buộc phải đi giữ rừng thay cho lực lượng bảo vệ rừng.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù chính quyền địa phương đã có biện pháp “mạnh” nhưng tình trạng phá rừng nơi đây vẫn diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng vẫn lén lút phát dọn hiện trường để “khẳng định chủ quyền” hoặc tranh thủ sang nhượng, mua bán đất trái phép. Cụ thể như trong 10 ngày đầu ra quân, đoàn liên ngành đã phát hiện và xử lý tới 11 vụ với 21 đối tượng, tạm giữ 12 cưa xăng, 6 xe máy và hàng chục m3 gỗ. Ông Phạm Ngọc Thắng, Hạt Phó Hạt Kiểm Lâm thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Sau hơn 10 ngày ra quân, tình trạng phá rừng nơi đây đã có phần “hạ nhiệt” nhưng nguy cơ phá rừng bùng phát trở lại là rất cao.

Đại diện chính quyền kiểm tra các địa điểm phá rừng tại xã Quảng Thành.

Ông Thắng còn cho biết thêm, hiện đoàn liên ngành có khoảng 20 người luân phiên thay nhau trực chốt, tuần tra kiểm soát rừng cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, trong số nhân lực tăng cường quản lý bảo vệ rừng của đoàn liên ngành thì người của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm chính) được điều động 4 người thì lại thường xuyên không đủ quân số. “Qua đây cho thấy, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín còn nhiều hạn chế. Không nói là thiếu tinh thần trách nhiệm”, ông Thắng nói.

Điển hình như chỉ trong vòng hơn 3 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn đã để xảy ra 51 vụ phá rừng, gây thiệt hại hơn 108ha rừng tự nhiên nhưng không được cơ quan chủ quản phát hiện, chính quyền địa phương không báo cáo để có biện pháp ngăn chặn. Việc để mất rừng đã dẫn đến hàng loạt cá nhân liên quan bị kiểm điểm trách nhiệm với hình thức kỷ luật hoặc bị đình chỉ công tác.

Theo định hướng quy hoạch của đô thị Gia Nghĩa là sẽ trở thành Đà Lạt thứ 2 tại Tây Nguyên với hệ thống cây xanh và hồ nước bao quanh. Tuy nhiên, với thực trạng những cánh rừng giáp đô thị này đang bị tàn phá nặng nề, hàng ngàn ha rừng đang bị cạo trọc nhưng chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ hữu hiệu thì định hướng này sẽ mãi mãi chỉ là niềm mơ ước đối với người dân nơi đây.

Văn Thành
.
.
.