Chỉ đạo làm rõ vụ phá rừng ở núi Langbiang

Thứ Năm, 28/05/2020, 18:01
Ngay sau khi Báo CAND đăng bài “Cơn bão” phá rừng càn quét dãy Langbiang”, sáng 28/5, UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, làm rõ. 

Theo đó, UBND huyện Lạc Dương giao Hạt kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, UBND thị trấn Lạc Dương và các cơ quan, đơn vị liên quan, khẩn trương tiến hành kiểm tra, làm rõ nội dung bài báo phản ánh; Căn cứ vào các quy định hiện hành để xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

 Hiện trường rừng thông ở núi Langbiang bị triệt hạ

Theo UBND huyện Lạc Dương, các đơn vị được yêu cầu xác minh nội dung phản ánh của Báo CAND có trách nhiệm báo cáo kết quả xác minh bước đầu về UBND huyện trong ngày 29/5.

Chiều 28/5, ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cũng cho biết, lãnh đạo sở đã chỉ đạo lực lượng chức năng tới hiện trường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.

Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà cũng đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với cá nhân, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực bị lấn chiếm, cưa hạ thông, thống kê thiệt hạ, làm rõ trách nhiệm của người có liên quan.

Cảnh tàn sát rừng thông trên núi Langbiang

Trước đó, sáng 28/5, Báo CAND có bài “Cơn bão” phá rừng càn quét dãy Langbiang”, nội dung phản ánh hàng trăm cây thông cổ thụ, đường kính gốc lên tới 50-60cm, hàng chục năm tuổi, cả cũ và mới đã bị lâm tặc đầu độc hoặc cưa hạ nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Vị trí rừng thông bị triệt hạ là núi Langbiang, thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. Đây cũng là địa danh đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 2004.

Nạn phá rừng, lấn chiếm rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng bất hợp pháp tại núi Langbiang xảy ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời, không kiên quyết xử lý dứt điểm nên đã dẫn đến tình trạng lâm tặc ngày càng ngang nhiên lộng hành, tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng.

Khắc Lịch
.
.
.