Hưởng ứng cuộc thi 'Tìm hiểu Hiến pháp 2013':

Chế định quyền con người, một nội dung mang tính đột phá của Hiến pháp 2013

Thứ Sáu, 24/04/2015, 11:40
Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về chế định quyền con người trong Hiến pháp 2013, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS Cao Đức Thái để bạn đọc tham khảo.

Ngày 28/11/2013, 488 đại biểu có mặt, đã “ấn nút” biểu quyết thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi (HPSĐ). Kết quả là: Với tỷ lệ 97,59% đại biểu tán thành. Với kết quả này có thể nói, đây là một thành quả to lớn về chính trị và pháp lý của nhân dân ta.

Trong bản Hiến pháp này, chế định quyền con người (QCN) có thể được xem là một nội dung mang tính đột phá về chính trị và pháp lý.

Việc Quốc hội ta thông qua Hiến pháp 2013 đã thể hiện sự đồng thuận giữa Nhà nước, Đảng và nhân dân trên tất cả những vấn đề cốt yếu của chế độ xã hội: Đó là chế độ chính trị dân chủ XHCN với  “Nhà nước pháp quyền XHCN” do “nhân dân làm chủ” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời Hiến pháp 2013 đã phản ảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của chế độ xã hội ta.

So với các Hiến pháp trước, lần đầu tiên chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được viết trong một chương và được đặt ở vị trí quan trọng thứ 2, (Chương II, chỉ đứng sau Chương I, “ Chế độ chính trị”). Tuy nhiên điều quan trọng hơn, so với các Hiến pháp trước, Hiến pháp 2013 đã tích hợp được tính phổ quát tính với đặc thù của QCN với quyền và nghĩa vụ công dân.

Trong chương này, Hiến pháp đã thể hiện một cách đầy đủ các nguyên tắc của QCN. Trong Chương II các quyền dân sự, chính trị đã được quy định đầy đủ.

Chẳng hạn công dân có quyền: tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào… (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (Điều 25).

Những nguyên tắc về QCN cũng đã được quy định đầy đủ trong Hiến pháp 2013, đó là:

1) Nhà nước ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm các QCN.

2) Nhà nước thực hiện nguyên tắc hạn chế quyền.

3) Nhà nước tuân thủ nguyên tắc “suy luận vô tội”.

Về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, Điều 14, ghi: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Quy định này có nghĩa, người dân là chủ thể của quyền và nghĩa vụ. Nhà nước là người trách nhiệm “tôn trọng và bảo đảm quyền”. “Tôn trọng” là các cơ quan Nhà nước không được phép ra các văn bản vi phạm các quyền và tự do của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. “Bảo vệ” là Nhà nước có nghĩa vụ kịp thời ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền của người dân, dưới bất cứ hình thức nào, khi nào và từ đâu, nhằm bảo vệ người dân. “Bảo đảm” là Nhà nước chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với khả năng của mình đồng thời phải bảo đảm tính dễ tiếp cận và các dịch vụ sẵn có cho người dân...

Như vậy thay vì qua hệ “xin-cho” (trong nhận thức cũ, mà báo chí từng phê phán) trong đó Nhà nước là người “cho”, còn người dân là người “xin” thì nay dường như quan hệ đó đã được đảo ngược, theo công thức “quyền - nghĩa vụ”.

Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đưa ra nguyên tắc “hạn chế quyền”. Khoản 2 Điều 14, quy định như sau: “2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Trong quy định này có hai nội dung: Thứ Nhất, hạn chế quyền phải bằng văn bản Luật (chứ không được hạn chế quyền bằng các văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, thông tư...

Thứ Hai, chỉ được hạn chế quyền vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác. Chẳng hạn một cơ quan, tổ chức nhà nước nào đấy vì muốn đơn giản, dễ quản lý cho mình thì “đẻ ra các giấy phép con” như cách nói của báo chí.

Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, nhiều kỳ sinh hoạt của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, kể từ sau khi có Hiến pháp 2013, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và nhiều đại biểu thường nhắc “cần phải hết sức cẩn trọng khi đưa ra những quy định hạn chế quyền của công dân”, và phải tôn trọng nguyên tắc “ việc gì pháp luật không cấm thì người dân có quyền làm).

Chẳng hạn Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua (ngày 26/11/2014, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đã luật hóa quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33 của Hiến pháp 2013).

Thay cho Điều 30 Luật Đầu tư hiện hành với nội dung “cấm” quá rộng và thiếu cụ có thể dẫn đến các cơ quan chức năng tùy tiện vận dụng, dễ vi phạm QCN, Luật Đầu tư mới, quy định rõ 6 ngành nghề cấm đầu tư. Đó là: cấm “kinh doanh ma túy; kinh doanh hóa chất, khoáng vật cấm; kinh doanh động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người và các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người” (Điều 6 Luật Đầu tư 2014).

Tương tự như vậy, Luật Kinh doanh mới, xóa bỏ quy định các ngành nghề kinh doanh, mà chỉ còn bốn nội dung: “tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; thông tin về người đại diện theo pháp luật và thành viên công ty; và vốn điều lệ” (Điều 29 Luật Kinh doanh mới).

Hiến pháp 2013, còn thể hiện nguyên tắc “suy luận vô tội”. Đây là một nguyên tắc nhân quyền, được xem là tập quán pháp lý quốc tế, thể hiện tính nhân đạo, khoan dung của pháp luật.

Điều 31, Chương II quy định: “1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Khoản 5 cũng tại Điều 31, quy định về quyền được bồi thường của người dân và trách nhiệm phải xử lý người vi phạm pháp luật. Nội dung như sau: “ 5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.

Cũng như pháp luật của các nước khác, các quyền và tự do của con người nói chung, các quyền công dân nói riêng trong những trường hợp nhất định phải bị hạn chế, đồng thời thể hiện nghĩa vụ công dân. Trong những nghĩa vụ này, có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Đây là nội dung của mệnh đề “do pháp luật quy định” hoặc  “theo quy định của pháp luật”.

Hiến pháp là văn kiện chính trị- pháp lý cao nhất, là “khế ước xã hội” giữa người dân với nhà nước, trong đó người dân trao quyền cho nhà nước, để đổi lại nhà nước cam kết tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của mình.

Hiến pháp 2013 là một văn kiện chính trị-pháp lý cơ bản nhất của Dân tộc ta trong thời đại toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Hiến pháp Việt Nam 2013 đã và sẽ là một động lực chính trị lớn lao thúc đẩy sự phát triển của dân tộc ta trong thế kỷ XXI.

TS. Cao Đức Thái
.
.
.