Chặn xe rác... vì đền bù không thoả đáng

Chủ Nhật, 19/08/2007, 15:33
Sáng 15/8, nhiều hộ dân thuộc tổ 2, khối phố Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã chặn xe vận chuyển rác của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng(MTĐT) đã làm ách tắc giao thông và mất ANTT hàng giờ đồng hồ tại khu vực vào bãi rác Khánh Sơn (mới).

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc trên, chiều 16/8, chúng tôi đã trực tiếp xuống khu vực này để tiếp xúc với người dân và trao đổi thông tin với chính quyền địa phương tại đây...

Vì sao người dân chặn xe rác?

Theo các đơn sự chính trong vụ việc chặn xe rác là các bà Nguyễn Thị Học, Bùi Thị Thanh và Nguyễn Thị Lam cùng trú tại tổ 2, khối phố Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu thì: Do đã có nhiều bức xúc về chuyện giải tỏa đền bù không thỏa đáng của Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng nên họ đã tự ý ra chặn xe rác của Công ty MTĐT TP Đà Nẵng tại đường Hoàng Văn Thái vào sáng 15/8.

Bà Nguyễn Thị Học bức xúc cho biết: Gia đình bà đã hiến 10.000m2 đất cho dự án, hiện tại còn lại 6.000m2 đất ruộng nằm trong diện giải tỏa đền bù cho dự án Bãi rác Khánh Sơn thuộc Công ty MTĐT Đà Nẵng.

Hai bên đã giao kèo với nhau: Về phía gia đình bà giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án; còn phía Công ty MTĐT Đà Nẵng không để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của dân và sẽ đền bù giải toả theo như giá đã thỏa thuận...

Nhưng hiện tại, việc đền bù cho gia đình bà không thỏa đáng, thấp hơn giá quy định của Nhà nước. Đã nhiều lần gia đình bà Học và các hộ dân khác có kiến nghị lên các cấp chính quyền để phản ánh. Cũng đã có rất nhiều cuộc họp được tổ chức nhưng nguyện vọng của họ vẫn chưa được đáp ứng...

Hỏi về việc chặn xe rác gây ách tắc giao thông, làm mất ANTT tại khu vực là một việc làm trái pháp luật, ông Nguyễn Đức Bong, chồng bà Học thành thật cho biết: "Chúng tôi đâu có muốn ra đường chặn xe lại, biết như thế là vi phạm pháp luật, nhưng do bức xúc, chúng tôi phải ra chặn xe của Công ty MTĐT để gây áp lực yêu cầu bên chủ đầu tư, bên đền bù giải tỏa phải giải quyết thỏa đáng cho người dân…

Vả lại, bây giờ hết đất để làm nông nghiệp trong khi nhà có đến 10 miệng ăn, mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, xin làm công nhân trong bãi rác...".

Cũng như gia đình bà Học, bà Nguyễn Thị Lam cũng có gần 1.000m2 đất ruộng bị thu hồi cho dự án bãi rác Khánh Sơn nhưng đã đề nghị biết bao lần vẫn không được giải quyết thỏa đáng, nhất là tiền hỗ trợ giải quyết chuyển đổi nghề nghiệp cho gia đình bà...

Các ngành chức năng và chính quyền nói gì?   

Theo báo cáo của Công an phường Hòa Khánh Nam thì vụ việc xảy ra hôm 15/8 không chỉ là lần đầu tiên. Mà từ đầu năm đến nay cũng đã có 8 vụ lớn, nhỏ chặn xe tự phát của người dân Khánh Sơn gây ách tắc giao thông và mất ANTT trong khu vực.

Trao đổi với lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu và UBND phường Hòa Khánh thì được biết nguyên nhân chính khiến người dân "phong tỏa" bãi rác Khánh Sơn vào sáng 15/8 là do bức xúc trong việc giải tỏa đền bù.

Được biết, bãi rác Khánh Sơn nằm phía Tây phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu đã tồn tại hơn 10 năm qua. Với hàng trăm tấn rác mỗi ngày của toàn thành phố đổ vào khu vực này đã biến bãi rác Khánh Sơn trở thành hiểm họa về môi trường, mùi hôi thối của rác thải, tạp chất đã gây bức xúc cho hàng ngàn người dân quanh khu vực.

Người dân luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, sống chung với mùi rác thải, với nguồn nước ô nhiễm và nỗi lo dịch bệnh xuất hiện nhiều tại khu vực này là điều khó tránh khỏi... Hiện tại bãi rác Khánh Sơn mới được đưa vào hoạt động chưa lâu, đang trong giai đoạn thử nghiệm chưa đạt hiệu quả khâu xử lý.

Nước bẩn vẫn rỉ ra môi trường khiến các giếng nước quanh khu vực bị ô nhiễm nặng. Và mỗi lúc có gió thì mùi hôi thối nồng nặc vẫn từ bãi rác bay xuống các hộ dân cư. Và mặc dù UBND TP Đà Nẵng đã triển khai dự án hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân tại khu vực Khánh Sơn nhưng hiện vẫn chưa đảm bảo giải quyết được hết nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nên dù biết nguồn nước giếng bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng cho việc rửa và tắm giặt.

Mặt khác, đa số các hộ dân sinh sống tại khu vực Khánh Sơn là các hộ nghèo, cuộc sống gắn liền với bãi rác để kiếm miếng cơm, manh áo nên việc di dời hay giả toả đền bù cũng còn gặp rất  nhiều khó khăn...

Ngay sáng 15/8, sau khi nhận thông tin vụ việc xảy ra tại khu vực này, lãnh đạo Công ty MTĐT Đà Nẵng, UBND và Công an phường Hòa Khánh Nam, UBND quận Liên Chiểu đã lập tức có mặt tại điểm nóng để thuyết phục người dân để xe chở rác vào bãi.

Cùng ngày, UBND quận Liên Chiểu, Công ty MTĐT đã có buổi họp giải quyết ngay tại UBND phường Hòa Khánh Nam với những hộ dân bức xúc chặn xe rác. Sau khi nghe ý kiến của nhân dân, đại diện các ngành chức năng và UBND  quận Liên Chiểu đã có văn bản sẽ kiến nghị đến các cấp chức năng để nhanh chóng giải quyết một cách thỏa đáng cho người dân tại khu vực ....

Trước sự việc xảy ra, thiết nghĩ việc làm ngay của các cấp chính quyền hiện nay là sớm giải quyết những vướng mắc, bức xúc và yêu cầu của nhân dân một cách thoả đáng, hợp tình hợp lý để ngăn chặn  tình trạng chặn xe rác tái tiếp diễn của người dân quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn gây ảnh hưởng đến ANTT, ách tắc giao thông tại khu vực

Hoài Thu
.
.
.