Cầu phao bắc qua sông Đáy: Không phép và quản lý lỏng lẻo

Chủ Nhật, 31/07/2016, 09:39
Cầu phao bắc qua sông Đáy không thiết kế cho việc người dân đi xe máy, xe đạp trên cầu, nhưng sự buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát đã để tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua. 

Cầu phao bắc qua sông Đáy nối liền hai xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) và Đại Hưng (huyện Mỹ Đức), Hà Nội đã tồn tại 20 năm nay. Đây là cây cầu được hình thành để đáp ứng nhu cầu dân sinh của người dân hai xã, tuy nhiên nó lại chưa được thẩm định và cấp phép. Bao năm qua, người dân vẫn đi lại trên cây cầu dập dềnh đầy nguy hiểm này.

Báo CAND nhận được đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị Minh (dì ruột nạn nhân Duy Chung) cho rằng cái chết của cháu mình là do cầu phao không đảm bảo an toàn. 

Theo trình bày của chị Minh, 6h30 sáng 7-6-2016, anh Chung được anh Lê Văn Hải (chủ sử dụng lao động tại thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú nơi anh Chung đang làm việc) yêu cầu về lấy máy cưa đá ốp lát. 

Trên đường đi qua cầu phao bắc qua sông Đáy tại thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, do cầu không đảm bảo cho người qua lại nên anh Chung đã bị ngã xuống sông dẫn tới đuối nước và tử vong. “Cháu vừa mới đi bộ đội về, biết bơi, to cao, không ngờ lại chết oan uổng như vậy”, chị Minh nói.

Được biết, gia đình anh Chung có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Bố anh bỏ nhà đi cách nay 20 năm, mẹ anh đau ốm không có khả năng lao động, đang hưởng trợ cấp 360 nghìn đồng/tháng. Anh Chung là lao động chính trong nhà, nay anh mất đi, hoàn cảnh gia đình càng khó khăn gấp bội. 

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã về nơi xảy ra cái chết của anh Chung tại thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú. Cây cầu phao dài 71m, mặt cầu rộng 1,6m nằm bập bềnh trên sông Đáy, có đoạn không có lan can, người ta dùng dây thừng buộc lại. Trụ cầu là những chiếc thuyền bê tông, cầu nổi bên trên. 

Mặc dù đây là cầu phao thiết kế cho người dân qua lại, phương tiện xe máy, xe đạp đi qua đều phải dắt nhưng đứng ở đây một lát, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân vẫn chạy xe máy, xe đạp trên cầu. Đặc biệt phía đầu cầu thuộc địa phận xã Đại Hưng có cắm biển báo “Cấm đi lại trên cầu bằng xe đạp, xe máy” nhưng chủ cầu chỉ biết thu tiền, không nhắc nhở, ngăn cấm người dân nên họ vẫn đi như thường.

Một người dân ở xã Hòa Phú cho biết: “Đi xe máy trên cầu rung rinh sợ lắm, nếu vấp là ngã xuống sông như chơi”.

Cầu phao đoạn anh Chung gặp nạn sau đó đã được dùng tre và dây dứa buộc lại.

Ngày 26-7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó trưởng Công an huyện Ứng Hòa cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện đã cử lực lượng phối hợp với chủ cầu tìm kiếm nạn nhân.

Theo các nhân chứng thì họ phát hiện có người ở dưới sông, hô hoán mọi người tới ứng cứu nhưng không kịp. 

Qua quá trình điều tra, xác minh, Công an huyện thấy vụ việc không có dấu hiệu hình sự nên tiến hành giải quyết dân sự cho hai bên. “Chủ cầu đã hỗ trợ 10 triệu tiền mai táng cho anh Chung. Hiện tại gia đình nạn nhân và chủ cầu đã thống nhất hỗ trợ thêm cho gia đình anh Chung 75 triệu. Hiện nay, gia đình đã nhận đủ số tiền hỗ trợ”.

Có thể việc bồi thường cho gia đình nạn nhân đã xong, nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là trật tự ATGT đường thủy nội địa cho hàng trăm con người đi lại trên cầu phao này mỗi ngày.

Theo Thượng úy Phùng Quang Tùng, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Ứng Hòa, năm 1996, UBND hai xã Hòa Phú và Đại Hưng đã có cam kết và ký hợp đồng kinh tế với hai hộ dân là ông Bùi Xuân Sơn và Bùi Mạnh Hòa, đều ở thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng để xây dựng cầu phao cho nhân dân qua lại. Hai xã cũng đã bàn giao cây cầu cho 2 hộ dân này quản lý. 

Một thời gian sau, cây cầu này được chuyển nhượng cho hộ ông Nguyễn Tiến Trình, ở xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa và Nguyễn Mạnh Phú, ở xã Trinh Tiết. 

Tại hợp đồng kinh tế không số mới nhất vào 31-12-2015 giữa xã Hòa Phú và Đại Hưng ký với hai chủ cầu đã quy định rõ mức phí như: thu về cho 2 xã 11 triệu đồng/năm; phí qua cầu là 500 đồng cho người đi bộ, 1.000 đồng/xe đạp và 2.000 đồng/xe máy.

“Cơ quan điều tra đang đề nghị làm việc với Sở GTVT để xác định xem cây cầu này đã được cấp phép hay chưa”- Thượng tá Nguyễn Bá Ngọc cho biết.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú khẳng định: “Cầu phao này chưa được cấp phép”. 

Ông Minh cũng cung cấp thêm: “Trong hợp đồng quy định rất rõ, chủ cầu phải đảm bảo có phao cứu sinh, phải có biển báo, có đèn chiếu sáng. Nguyên tắc là phải cắm biển báo 2 bên “xuống cầu phải dắt xe đạp, xe máy” nhưng phía bên xã Hòa Phú không có. Xã đã nhắc nhở nhiều nhưng chủ cầu không chấp hành”. 

Rõ ràng, cầu phao không thiết kế cho việc người dân đi xe máy, xe đạp trên cầu, nhưng sự buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát đã để tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua. 

Dù cái chết của anh Chung vừa xảy ra, nhưng người dân vẫn vô tư đi xe máy, xe đạp trên cầu trong sự thiếu trách nhiệm và chủ quan của chủ cầu cũng như của chính quyền hai xã. Đây là nguyên nhân xảy ra mất an toàn giao thông đường thủy, là điều đáng báo động khi mùa mưa bão đang tới.

Ông Nguyễn Văn Vẻ, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Ứng Hòa: “Cả huyện có 10 cầu phao bắc qua sông. Nếu không có cầu phao thì đi từ xã Hòa Phú sang Đại Hưng phải mất 7km. Người dân ở đây mong ước có một cây cầu cứng nhưng không có kinh phí.

Ngay sau vụ việc xảy ra, UBND huyện đã yêu cầu xã Hòa Phú tăng cường quản lý Nhà nước, duy tu, sửa chữa lại cầu và nhanh chóng cắm biển báo. Trong mùa mưa bão khi có thông tin nước lũ dâng cao, chủ cầu phải cắt phao đi qua, nghiêm cấm người dân đi lại trên cầu nhằm đảm bảo an toàn”. Dù “nước tới chân mới nhảy”, nhưng nếu thiếu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương thì nguy hiểm ở những cầu phao dân sinh này luôn rình rập tính mạng con người.

Trần Hằng
.
.
.