Chuyện không bình thường ở trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh:

Bị 'ngâm' đơn xin nghỉ việc suốt 9 tháng

Thứ Năm, 18/06/2015, 17:55
Chỉ mỗi chuyện một giáo viên xin nghỉ việc mà giờ đây trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh đã đẩy vấn đề thành chuyện của nhiều “Bộ, ngành”. Thay vì chỉ đơn giản là ra quyết định nghỉ việc thì nay nhiều cơ quan ban ngành lại phải “nhức đầu” vì một chuyện cỏn con. Vì đâu nên nỗi?

9 tháng mòn người đợi ban hành quyết định xin nghỉ việc 

Trình bày tại Ban Pháp luật - Bạn đọc - Báo CAND về câu chuyện khó khăn của mình, cô Vy cho biết, do hoàn cảnh ly hôn phải nuôi con còn nhỏ, đây là cú sốc lớn khiến tinh thần cô khó có thể tiếp tục việc giảng dạy nên đã làm đơn xin nghỉ việc gửi cho Ban Giám hiệu trường từ ngày 21/8/2014 và đã bàn giao đầy đủ sổ sách, trang bị, tiền bạc cho Nhà trường và Bộ môn.

Tuy nhiên, sau đó không nhận được hồi âm của BGH, cô Vy đã 3 lần gửi đơn đề nghị nhà trường ra “Quyết định cho nghỉ việc” để có căn cứ giải quyết các thủ tục tiếp theo.

Nhưng càng đợi thì hy vọng càng tắt ngấm và khi đã hết kiên nhẫn chờ đợi, hỏi rõ lý do và được giải thích đơn của cô không có giá trị pháp lý, trường đang đợi ý kiến của Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Cô Thảo Vy trình bày về câu chuyện bị “làm khó” khi xin nghỉ việc của mình với PV báo CAND.

Theo cô Vy, việc BGH Trường Dự bị đại học TP. HCM để kéo dài thời gian quá lâu ra quyết định cho cô nghỉ việc như trên là bất bình thường và đã có dấu hiệu cố tình “trù dập” cô, không ký ban hành “Quyết định cho nghỉ việc” cho cô.

Trong đơn gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cô Vy cũng có viết rõ: “Sau khi nhận đơn xin nghỉ việc của tôi, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Trường “cắt” mọi khoản lương, phụ cấp, phúc lợi của tôi từ tháng 9/2014.

Đồng thời, Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy (cũng là Hiệu trưởng, Hiệu phó) đã ra lệnh Chi bộ Giảng viên 1 và Văn phòng Đảng ủy không được thu đảng phí quý III/2014 của tôi nữa! Tôi đã 3 lần gởi đơn đề nghị Ban Giám hiệu trường ra “Quyết định cho nghỉ việc” cho tôi để tôi có căn cứ giải quyết các thủ tục tiếp theo: lần thứ 1, gửi ngày 7/10/2014 (sau 45 ngày kể từ ngày nộp đơn xin nghỉ việc); lần thứ 2, gửi ngày 22/10/2014 (sau 2 tháng); lần thứ 3, gửi ngày 26/11/2014 (sau hơn 3 tháng). Nhưng, BGH vẫn chưa giải quyết và không có một thông tin bằng văn bản nào đến tôi để cho biết lý do vì sao.

Coi chừng Nhà trường đang “phạm luật”

Tại buổi làm việc của PV báo CAND với nhà trường ngày 15/6 có ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, ông Đào Ngọc Luyến, Phó Hiệu trưởng nhà trường và ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Chính trị nhà trường.

Tất cả đều khẳng định: nhà trường đã làm hết cách, đúng Pháp luật, đồng thời, trình ra nhiều văn bản chứng minh rằng đã “cậy nhờ” sự tư vấn về trường hợp cô Vy tới nhiều địa chỉ như : Vụ tổ chức Cán bộ - Bộ GD-ĐT; Đảng ủy Khối các trường Đại học - Cao đẳng - TCCN; Bộ Nội vụ, Bộ tư pháp…

Không còn đủ kiên nhẫn đợi nhà trường “ban hành quyết định cho nghỉ việc”, cô Vy phải buộc lòng gửi đơn tới các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giúp đỡ.

Theo ông Sơn: “Cô Vy có đơn nghỉ phép đi Du lịch tự túc tại Mỹ từ ngày 10/7 tới 10/8/2014. Ngày 10/8 cô có email gửi về xin về trễ và xin không họp Tổ Chuyên môn ngày 11/8.

Từ 11 tới 21/8/2014 là cô Vy đã quá 8 ngày nghỉ việc không phép. Đơn của cô này là bố cô mang tới 21/8 mà không ghi ngày, hơn nữa ghi tại TP. Hồ Chí Minh nhưng ngày đó tôi biết chắc cô đang ở Mỹ. Cha cô là ông Nguyễn Cương mang đơn đến và lúc đó mới điền ngày vào đơn”.

Khi PV báo CAND đặt câu hỏi: “Vậy mấu chốt vấn đề là chỉ vì như thầy Sơn nói, do cô Vy không mang đơn đến trực tiếp, không có giấy uỷ quyền cho cha ruột là ông Cương, tới ngày 21/8/2014, ông Cương điền ngày vào đơn xin nghỉ việc nên hành vi này phải xử lý để mang tính răn đe? Ông Sơn Khẳng định: “Đúng! Là để răn đe!”.

Trao đổi với ông Phạm Thiên Kha - Phó Bí thư Đảng uỷ khối ĐH-CĐ và TCCN tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/6 ông cho biết: Cách đây 9 tháng chúng tôi được báo cáo về vụ việc này. Hiệu trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã gửi Công văn đi nhiều nơi trong đó, có Công văn gửi cho Đảng uỷ khối, chúng tôi có hướng dẫn, căn cứ tuỳ trường hợp cụ thể, tình hình thực tế, qui định của pháp luật mà giải quyết cho cô Vy. Nhưng theo tôi được biết, là từ lúc có hướng dẫn trên tới nhà trường, tới nay là 9 tháng rồi trường vẫn chưa có hướng gì cho cô Vy. Về mặt qui định nhà nước, khi NLĐ có đơn xin nghỉ việc, thì đơn vị sử dụng lao động dù đồng ý hay không đồng ý, phải có văn bản trả lời cho NLĐ biết. Chúng tôi không can thiệp vào chuyện BGH nhà trường cho giáo viên Thảo Vy nghỉ việc hay thôi việc nhưng đơn vị phải có quyết định đàng hoàng, đúng pháp luật và đúng qui trình. Không được để lâu quá! Nếu không coi chừng đơn vị đang phạm luật...”.

Ông Thiên Kha cũng nói thêm: “Nếu Tiến sĩ Thanh Sơn không đồng ý hành vi của cô Vy là nhờ cha tới nộp đơn xin nghỉ việc, tức là BGH đã xử lý “căng” theo lý hoàn toàn, thì “cứ căng theo lý mà xử”.

Cụ thể, BHG, Hiệu trưởng sao không trả lại đơn ngay lúc đó và yêu cầu cô Vy đích thân lên nộp? Và phải có nhắc nhở, nếu cô không trực tiếp lên nộp coi như cô bỏ việc…

Trong báo cáo của ông Thanh Sơn với Đảng uỷ khối về vụ việc trên, ông Thanh Sơn cũng có nói : cô Vy không có giấy uỷ quyền của mình cho cha lên nộp đơn thay, “tôi thấy xử lý như vậy cạn tình quá! ”. Ông Nguyễn Cương là cha con ruột cô Vy, lại là nguyên Hiệu trưởng nhà trường, do con gái đang ở Mỹ chưa về kịp, cha ruột cầm đơn lên nộp hộ đâu phải người xa lạ! Chỉ vì đưa đơn không đúng thể thức pháp lý mà cần phải xử lý cô Vy để có tính chất “răn đe” thì xin thử hỏi là răn đe cái gì? răn đe ai? BGH càng loanh quanh càng cho thấy đằng sau việc làm khó với trường hợp giáo viên này có yếu tố cá nhân bao hàm trong đó!…”

PV báo CAND cũng kịp trao đổi với ông Dương Công Minh, nguyên Hiệu phó nhà trường xung quanh vụ việc cô Thảo Vy, ông phát biểu: Cô Vy là một giáo viên làm việc lâu năm của trường, đã đóng góp cho nhà trường gần 20 năm công tác và được coi là cán bộ chủ chốt của nhà trường.

Đánh giá của tôi, cô là một Đảng uỷ viên, một giáo viên không có gì phải chê trách về đạo đức, năng lực.

Trước đó vào ngày 3/6/2015, trong Công văn số 303/Ttr-NV4 của Thanh tra Bộ GD-ĐT gửi Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo rất rõ về hướng giải quyết trường hợp cô Thảo Vy: đề nghị Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học TP Hồ Chí Minh giải quyết theo đơn của bà Vy theo qui định của pháp luật và báo cáo kết quả về Bộ GD-ĐT...”.

Rõ ràng, các hướng dẫn của Thanh tra Bộ, của Đảng ủy khối rất cụ thể như vậy, nhưng trả lời với PV báo CAND, ông Thanh Sơn lại cho rằng, hướng dẫn của Thanh tra Bộ không rõ ràng, khiến nhà trường phải gửi Công văn đi nhiều nơi để xin “tư vấn” về cách giải quyết trường hợp nghỉ việc của cô Thảo Vy.

Chỉ từ một việc cán bộ xin nghỉ việc, một việc hết sức bình thường là giải quyết theo đúng chế độ quy định là xong và thường là khi chia tay với nhân viên nghỉ việc nhất là với những người có thâm niên và vị trí công tác có đóng góp cho nhà trường như cô Thảo Vy, người ta thường dành tặng cho nhau những lời tốt đẹp và chúc may mắn. Nhưng những ghi nhận trên tại trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh cho thấy, BGH nhà trường lại cố tình kéo dài sự việc, đẩy vấn đề lên mức nghiêm trọng. Tất cả chỉ nhằm có một “án” kỷ luật cho cô Thảo Vy và Hiệu trưởng Thanh Sơn đang làm một việc mà như ông Phạm Thiên Kha nói: Cạn tình!.

Điều khó hiểu hơn là vào lúc kết thúc buổi làm việc với nhà trường, dù trước đó, BHG đã đồng ý với việc cung cấp các văn bản liên quan tới vụ việc cô Vy cho PV báo CAND, nhưng với lý do phòng photo nhà trường đã nghỉ trưa nên hẹn chiều gửi qua email.

15h5 phút cùng ngày, PV nhận được trả lời từ phía ông Thanh Sơn: Chúng tôi thống nhất là chờ ý kiến cho phép của Thanh tra Bộ GD- ĐT mới được cung cấp văn bản cho báo chí về vụ việc cô Vy.

Điều này càng khiến công luận đặt ra câu hỏi nghi vấn với phía BGH nhà trường, vì các Văn bản đều đã công khai, trong đó có các hướng dẫn của cấp trên như thanh tra Bộ GD-ĐT, hay Đảng ủy khối với nhà trường trong giải quyết trường hợp cô Vy, vậy không biết BHG nhà trường có căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cấp trên như đã nói không, nếu không căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên thì nhà trường căn cứ vào cái gì mà giải quyết cho đúng?

Huyền Nga
.
.
.