Cẩn trọng với đặc sản Sam biển

Thứ Sáu, 24/06/2011, 09:07
Đến huyện Cần Giờ, du khách thường không bỏ qua cơ hội ẩm thực nhiều món hải sản mang đậm hương vị của vùng rừng ngập mặn như cá mang ếch, cá thòi lòi, cá kiếm, cua cúm... Nhưng ấn tượng nhất vẫn là đặc sản sam biển. Người ta tin uống rượu pha máu sam cũng như ăn trứng, thịt của loài giáp xác nổi tiếng chung tình này sẽ giải độc, sức khỏe dồi dào... nên tích cực thưởng thức. Họ nào biết ẩn sâu cái dáng dấp đặc sản kia là bóng dáng tử thần rình rập. 

Sam biển thường sống ở những vùng nước sâu, ăn các loài động vật thân mềm, động vật giáp xác, cá và rong, tảo biển. Loài này sống thành từng cặp, con đực nhỏ hơn con cái, lúc nào cũng bám chặt như hình với bóng trên mai con cái nên dân gian mới hình thành câu nói "yêu như sam".

Ông  Nguyễn Sáu, nhà ở thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ), 67 tuổi, cho biết: "Hồi trước chẳng ai thèm ngó ngàng gì lũ sam. Sau này du lịch phát triển, người ta đồn uống máu, ăn trứng và thịt sam biển không những ngon, lạ, mà còn giúp cho cánh đàn ông từ yếu thành mạnh, phụ nữ da dẻ hồng hào, tươi nhuận, vợ chồng cùng ẩm thực sam sẽ yêu thương nhau nhiều hơn, tình cảm được gắn bó sâu đậm giống như loài sam. Vì những đồn đãi đó mà con sam từ vô danh tiểu tốt trở thành đặc sản".

Để tận tường món ẩm thực sam biển độc đáo, lạ đời ấy, theo rỉ tai của dân sành ăn, chúng tôi tìm đến chợ hải sản nằm trong Khu du lịch 30-4 ở Cần Giờ. Tại đây, giữa rừng hải sản, chúng tôi bắt gặp nhiều "con chung tình" được bày bán trong những chiếc thau nhựa xâm xấp nước.

Cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ hải sản.

Vờ như không biết gì về loài này, chúng tôi hỏi thăm thì được người bán là một phụ nữ lớn tuổi nổ banh nhà lồng. Chị ta nói sam là "thần dược" của những cuộc tình, không chỉ giúp yếu thành mạnh mà còn chữa được các chứng bệnh nan y, đặc biệt là những bệnh về ung thư, nhưng phải ăn một cặp (cái và đực) mới hiệu quả.

Mỗi con sam được bán với giá dao động từ 200-400 ngàn đồng tùy lớn, nhỏ. Hôm ấy chúng tôi bắt gặp nhiều du khách dừng lại hỏi thăm và chừng như bị những lời quảng cáo của người bán hấp dẫn nên các vị khách hám của lạ hân hoan chi tiền mua sam, trước là để thưởng thức "món ngon có một không hai", sau nhằm tăng lực, kéo dài tuổi trẻ, giải độc…

Nhìn thấy cảnh ấy, một ngư dân tên Phong tặc lưỡi, bỏ nhỏ rằng đã có nhiều người bị ngộ độc, sức khoẻ suy tàn, thậm chí phải bỏ mạng vì "ham ăn của lạ". Đơn giản vì hình dáng, màu sắc của sam biển và loài "anh em" của nó là con so rất giống nhau. Nhưng ăn phải so biển thì chết ngay vì thịt và trứng so biển rất độc dù có nấu chín.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, so biển có tên khoa học là Carcinoscorpius rotunnicauda, chúng rất giống sam biển về hình dáng và màu sắc. Chúng chỉ khác sam biển ở phần đuôi. Anh Phong cho biết đuôi sam biển hình tam giác, trên đuôi có gai nhọn, còn đuôi so biển hình tròn, không gai. Theo cảnh báo của Viện Hải dương học Nha Trang, loài so biển có độc tố tetrodotoxin, không bị phân huỷ bởi nhiệt độ nấu nướng, tập trung ở trứng, thịt và nhiều khi cũng có trong các bộ phận khác.

Chất này gây ra các triệu chứng như nhức đầu, đau vùng thượng vị, nôn mửa, tay chân bủn rủn, cơ thể ngứa ngáy, tê cứng, khó thở, tím tái, hạ huyết áp... có thể dẫn đến tử vong do trụy mạch, trụy hô hấp. Cũng theo Viện Hải dương học, nhiều khi ăn trứng và thịt sam biển cũng có thể gây ra ngộ độc do thức ăn mà chúng ăn vào có độc tố, mà chất này chưa phân huỷ hết, thường có trong rong và tảo biển.

Chỉ vì kém hiểu biết, thích ăn của lạ, nghe lời đồn thổi... mà một số người đã phải trả giá bằng sinh mạng của mình và người thân. Để tránh bi kịch "vì miếng ăn mà hại thân, bán mạng", mọi người cần cẩn trọng trước món "đặc sản" tử thần này, tuyệt đối không đụng đến sam biển dù chúng bổ, ngon cỡ nào đi nữa.

Đồng thời chúng tôi đề nghị lãnh đạo huyện Cần Giờ,  Ban quản lý khu du lịch biển 30/4, cũng như Ban quản lý chợ hải sản nghiêm cấm việc mua bán sam, thường xuyên giám sát để nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Có như thế hành trình đến Cần Giờ của du khách không kết thúc bằng án mạng thảm thương do trúng độc "đặc sản".                      

Ông Ngô Văn Dị, Vạn trưởng Vạn lăng ông thủy tướng nơi lưu giữ bộ xương cá voi khổng lồ dài hơn 20m ở thị trấn Cần Thạnh cho biết, do Cần Giờ từng xảy ra quá nhiều vụ ngộ độc sam nên khoảng 2 năm trở lại đây người dân địa phương không ai dám "bán mạng".

Theo kinh nghiệm của dân địa phương, nếu ai đó lỡ ăn phải loài này, ngay khi có triệu chứng ngộ độc cần uống nhiều nước, nôn thức ăn ra ngoài bằng mọi cách và cần được nhanh chóng chuyển đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất. "Tốt nhất là đừng dại dột bán sức bán mạng vì món đặc sản tử thần ấy" - ông Dị, cảnh báo.

X.Trang-N.Sỹ
.
.
.