Vụ cấp hàng trăm chiếc xuồng chất lượng kém cho dân nghèo ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu):

Cần nghiêm túc nhận trách nhiệm trước dân

Thứ Sáu, 19/11/2010, 10:47
"Nhà nghèo. Được hỗ trợ xuồng đi lại, cả nhà sướng lắm. Ngày tui nhận xuồng, cán bộ còn cho mấy chục chai và dầu về để trét thêm. Ai dè, đem xuồng xuống đi được có mấy ngày, ván xuồng bắt đầu nứt, xì nước tùm lum" - đó là lời bộc bạch của chị Thị So ở ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) về chiếc xuồng mà chị được cấp cách nay khoảng 3 tháng.

Cũng cùng tâm trạng được cấp xuồng chất lượng… kém, chỉ tay về chiếc xuồng đang cột ngoài mé kênh, anh Danh Niên nhăn mặt: "Tui phát hiện vết nứt nên lấy cục chai ra trét nhưng không thể, bởi hễ trét đầu này, nó nứt đầu kia, có vết nứt dài hơn nửa thước. Chắc do họ dùng cây tạp để đóng nên xuồng mới tệ như vậy". Bí thư Chi bộ ấp Đầu Sấu Tây - ông Danh Phel khẳng định, sau chuyến kiểm tra chất lượng xuồng của bà con trong ấp: "Chiếc xuồng nào cũng bị nứt".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào thời điểm tháng 3/2010, ông Trần Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã đứng ra đại diện ký hợp đồng với DNTN Huy Liệu 2 (đặt tại ấp Kinh Xáng, xã Lộc Ninh) do ông Phạm Văn Kính làm chủ, đóng 144 chiếc xuồng 3 lá để cấp cho hộ nghèo chuyển đổi nghề theo tinh thần Quyết định 74 của Chính phủ.

Theo hợp đồng, xuồng sẽ được đóng theo quy cách xuồng ba lá, bằng be dênh dênh (loại cây chịu nước tốt), be chính lở be mười, có sạp trước và sau, bổ chèo, ru máy, giá 2,7 triệu đồng/chiếc. Khi 117 (trong số 144 chiếc) xuồng được "hạ thủy", bàn giao thì người dân phát hiện nhiều chiếc kém chất lượng. Ván cây dênh dênh được thay bằng cây tạp, nên không chịu được nước, dẫn đến nứt nẻ, xì nước...

Ngay sau khi cho cán bộ tiến hành kiểm tra, UBKT Huyện ủy Hồng Dân xác định có 92 chiếc xuồng kém chất lượng, trong đó có đến 63 chiếc phải khắc phục bằng cách… thay ván.

 "Hợp đồng quy định chất liệu là cây dênh dênh, xuồng be chín lở mười nhưng chủ DNTN Huy Liệu 2 dùng cây tạp để đóng xuồng, dẫn đến chất lượng kém, sai hợp đồng. Thế nhưng, lãnh đạo xã vẫn ký nhận, cấp cho 117 hộ". Văn bản kết luận của UBKT Huyện ủy Hồng Dân còn chỉ ra việc chào giá cạnh tranh cũng thiếu khách quan, tạo nhiều kẽ hở để chủ đầu tư thực hiện sai hợp đồng.

Trong khi các cơ sở đóng xuồng khác nhận đóng với giá 2 triệu đồng/chiếc (quy cách như trên), thì cơ sở của ông Kính lấy giá 2,7 triệu đồng. Huyện ủy Hồng Dân buộc DNTN Huy Liệu 2 phải trả lại cho hộ dân được cấp xuồng 700.000 đồng/chiếc xuồng tiền kê giá không phù hợp với giá thị trường.

Liên quan đến chuyện hỗ trợ xuồng cho dân nghèo, ông Trần Quốc Kỳ - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Hồng Dân còn cho biết thêm, do sợ trao tiền mặt dân sẽ xài hết nên ngoài chiếc xuồng, mỗi hộ còn được nhận 300.000 đồng được quy đổi thành chai, dầu lắp. Vậy mà khi dân nhận lại 700.000 đồng tiền của DNTN Huy Liệu 2 trả lại, xã lại cấn trừ vào tiền mua chai, dầu.

Cụ thể, hộ nào đã nhận 20 lít dầu lắp trị giá 160.000 đồng thì chỉ nhận được 540.000 đồng, còn hộ nào không nhận dầu lắp thì mới được lãnh đủ 700.000 đồng. Người dân trong diện được cấp xuồng một lần nữa cảm thấy bất bình vì việc này.

Dư luận ở huyện Hồng Dân từng bức xúc và đặt câu hỏi: Có hay không cán bộ xã "chấm mút" số tiền mà Nhà nước đã hỗ trợ dân nghèo?

Xuồng là phương tiện mưu sinh phổ biến của người dân miền Tây

B.Huyền - Q.T.
.
.
.