Cần minh bạch thu, chi trong quản lý phí bảo vệ môi trường

Thứ Tư, 11/02/2015, 09:25
Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội ngày 10/2, đại diện Hiệp hội Môi trường Việt Nam cho biết:

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động KTKS, tạo nguồn kinh phí để BVMT do hoạt động KTKS gây ra, Nghị định 74/20011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ và Thông tư 158/2011/TT-BTC ngày 16/11/2011 của Bộ Tài chính quy định mức tính phí BVMT đối với KTKS. Tuy nhiên mức phí này chưa hợp lý do chỉ tính dựa trên giá trị của khoáng sản.

Thực tế cho thấy, biểu mức thu phí BVMT đối với từng hoạt động khai thác khoáng sản phải tương ứng với mức độ gây tác hại môi trường mà hoạt động khai thác đó gây ra chứ không nên căn cứ vào giá trị kinh tế của loại khoáng sản được khai thác để tính.

Mức độ tác hại tới môi trường hoàn toàn không tỷ lệ thuận với giá trị kinh tế của từng loại khoáng sản. Mức thu phí theo các văn bản này chưa tính đến đặc thù của từng loại khoáng sản, do đó chưa khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong khai thác.

“Mức đóng phí BVMT cần tính dựa trên sản lượng đăng ký khai thác theo giấy phép đăng ký chứ không dựa trên sản lượng khai thác thực tế do DN tự kê khai. Bởi vì đã có nhiều DN khai thác thường tự kê khai thấp hơn nhiều so với thực tế khai thác để trốn thuế phí nộp cho ngân sách Nhà nước” - đại diện Hiệp hội Môi trường đề xuất.

Ở góc độ khác, bà Trần Thanh Thủy, Liên minh Khoáng sản Việt Nam cũng đã chỉ ra những bất cập trong việc quản lý và thu phí BVMT hiện nay.

Theo phân tích của bà Thủy, mục đích của việc thu phí BVMT là để các địa phương phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại nơi có hoạt động KTKS như khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường và tái tạo cảnh quan môi trường do hoạt động KTKS gây ra.

Toàn bộ nguồn kinh phí này được giao cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, do các tỉnh không quy định tỷ lệ phân bổ và cơ chế sử dụng  phí BVMT trong KTKS đã dẫn đến việc nguồn thu từ phí BVMT chưa được phân bổ và sử dụng hợp lý.

Kết quả khảo sát 30 xã có hoạt động KTKS cho thấy, có 6 xã cho biết, hàng năm có nhận được khoản thu từ KTKS nhưng không rõ có phải phí BVMT hay không; 12 xã cho biết không nhận được phân bổ nguồn thu từ KTKS; 12 xã không biết có được phân bổ hay không.

Hậu quả môi trường liên quan đến KTKS hiện nay chủ yếu được xử lý dựa trên việc đàm phán và thỏa thuận giữa địa phương và DN.

Do chưa được quản lý và sử dụng đúng mục đích nên phí BVMT chưa thể hiện là một công cụ tài chính hiệu quả để phục vụ việc BVMT.

“Điều này bộc lộ sự thiếu sự công bằng đối với cả cộng đồng lẫn DN. Dù là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, cộng đồng không được đầu tư để giảm nhẹ các tác động môi trường. Dù đóng góp phí  để cải tạo môi trường song DN vẫn tiếp tục phải thỏa thuận với địa phương về các vấn đề MT ngoài hàng rào và hoạt động của DN có thể bị ảnh hưởng bởi sự phản kháng từ cộng đồng địa phương”- bà Thủy cho biết.

Cũng theo đề xuất của bà Trần Thanh Thủy, nguồn thu từ phí BVMT nên được quản lý trong quỹ BVMT với sự tham gia giám sát của cơ quan môi trường, địa phương và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Huyền Thanh
.
.
.