Cần cẩu xây dựng, hiểm họa từ... trên trời!

Thứ Hai, 24/10/2016, 14:48
Thời gian qua, cả nước đã có nhiều vụ sập đổ cần cẩu chủ quan mà không cần tác động của mưa gió, thiên tai từng xảy ra tại Hải Phòng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…


Mới đây nhất vào 19h30 ngày 18-10, tại công trình xây dựng dự án tổ hợp dịch vụ thương mại căn hộ và bãi đậu xe tại số 69 Thụy Khuê (Hà Nội), một cần cẩu bất ngờ đổ sập xuống nhà số 80 Thụy Khuê khiến cho nhiều người kinh hồn hoảng loạn.

Rất may là không xảy ra thương vong về người. Tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp năm 2015, một cần cẩu đang thi công cầu Hồng Ngự 2 bất ngờ tuột cáp ngã xuống đường đè chết 3 mẹ con chị Nguyễn Tường Vân (32 tuổi) khi đang chạy xe ngang qua. Tại TP Vũng Tàu cũng từng xảy ra một cần cẩu nặng 1.200 tấn đang nâng hàng tại cảng đứt cáp rơi xuống làm chết 3 công nhân và 2 công nhân khác bị thương. 

Ảnh tư liệu minh họa về cần cẩu, cần trục tháp xây dựng… 

Còn tại TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra nhiều vụ cần cẩu xây dựng ngã đổ tại công trình xây dựng chung cư Nguyễn Kim rơi trúng ngôi nhà 3 tầng số 158B Lý Thường Kiệt (quận 10) và một vụ cần cẩu rơi cùng bó sắt nặng hàng tấn tại công trình xây dựng tháp đôi đường Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) do sụt lún nghiêng chân đế khiến cho dây điện, cáp viễn thông đứt đoạn, sập mảng tường Bảo tàng Mỹ thuật làm hư hỏng nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, và các vụ sập cần cẩu công trình căn hộ cao cấp TopLife, số 376 Điện Biên Phủ, phường 11 (quận 10) đè lên một phần Trường mầm non phường 11; 

vụ cần cẩu xây dựng cầu Phú Mỹ (quận 7) đổ do khối bê tông nặng 4 tấn bị đứt dây cáp rơi trúng ôtô chở gia đình chị Phạm Ngọc Đức Thảo đang lưu thông, khiến chị tử vong tại chỗ. 

Các vụ rơi cần cẩu luôn là nỗi kinh sợ luôn ám ảnh tiềm ẩn nguy cơ hiểm họa và mất an toàn về lao động… 

Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trong 2 năm 2014-2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 17 tai nạn sự cố công trình xây dựng gây thiệt hại về tính mạng con người và tài sản, trong số sự cố này có những vụ từ cần cẩu tháp xây dựng công trình. 

Tốc độ phát triển đô thị diễn ra càng nhanh mạnh thì nhu cầu sử dụng cần cẩu khổng lồ trong xây dựng càng gia tăng. Các đơn vị thi công thường sử dụng cần trục tháp có tải trọng từ 3-10 tấn, chiều cao từ 160 - 200m, chiều dài 70-80m thuê mướn có nguồn gốc Trung Quốc, Hàn Quốc… 

Thực tế cho thấy, các đơn vị quản lý, sử dụng cần cẩu chỉ mang tính hình thức, còn các quy trình lắp đặt, vận hành, điều khiển và đảm bảo an toàn gần như rất sơ sài vì chỉ mang tính ràng buộc theo hợp đồng. 

Một thực tế khác, đó là tình trạng báo động về công tác đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho người vận hành cần cẩu hiện nay còn chưa được đầu tư đúng mức. 

Đa số các cần cẩu xây dựng vận hành vào ban đêm, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến giao thông và đời sống xã hội thường nhật. Do đó, việc điều khiển cần cẩu trên độ cao hàng chục mét, trong môi trường chật hẹp như ca bin, người điều khiển dễ mất kiểm soát do mệt mỏi và buồn ngủ dẫn đến bất cẩn gây ra tai nạn. 

Thêm vào đó, các biện pháp hạn chế, khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn cho người lao động và khu vực lân cận chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu, an toàn tuyệt đối trong và ngoài phạm vi công trình theo quy định pháp luật.

Hoàng Châu
.
.
.