Cần bảo vệ những nhà đầu tư làm ăn chân chính!

Thứ Năm, 07/01/2021, 20:58
Báo CAND ra ngày 9/9/2020 có đăng bài “Từ việc Công ty TNHH Đầu tư SATO thắng kiện nhà đầu tư nước ngoài - Bài học lớn cho việc kinh doanh minh bạch, thượng tôn pháp luật”, trong đó bài báo đã phản ánh việc Công ty TNHH Đầu tư SATO (viết tắt là Công ty SATO) khởi kiện nhà đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Bay Water. Ngày 17/8/2020, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm và tuyên bố Công ty SATO thắng kiện.


Sự kiện một nhà đầu tư trong nước có số vốn góp nhỏ (chỉ 10%) nhưng đã thắng kiện nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số tỉ lệ góp vốn đã thu hút sự quan tâm của công luận và giới doanh nghiệp. Được biết, ngày 8/1, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ xét xử phúc thẩm dân sự vụ việc này.

Tầng lửng của tòa nhà này là trụ sở làm việc của Công ty Bay Water và Công ty Sun Wah.

Sự việc Công ty SATO thắng kiện có thể tóm tắt như sau:

Công ty SATO là một trong hai thành viên góp vốn của Công ty TNHH Bay Water, SATO góp vốn 10% vốn điều lệ và thành viên thứ hai là Công ty Sun Wah Việt Nam Real Estate Limited (gọi tắt là Công ty Sun Wah) góp vốn 90% vốn điều lệ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, Công ty Bay Water có nhiều biểu hiện vi phạm điều lệ công ty, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của thành viên Công ty SATO, vô hiệu hóa hoạt động của Công ty SATO mặc dù theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và theo Điều lệ hiện hành của Công ty Bay Water, thì Công ty SATO có nhiều quyền liên quan (dù họ là cổ đông góp vốn 10%).

Đỉnh điểm là vào ngày 3/9/2019, Công ty Bay Water đã tổ chức một cuộc họp Hội đồng thành viên công ty để xem xét về việc sửa đổi bản Điều lệ đang có hiệu lực của Công ty, mục đích nhằm hạ tỉ lệ biểu quyết các vấn đề quan trọng (bao gồm cả việc thông qua khoản vay của công ty), từ 100% (theo Điều lệ cũ) xuống còn 80%, (theo Điều lệ mới), nhằm tước đoạt quyền phủ quyết của Công ty SATO đối với những vấn đề quan trọng. Và mặc dù Công ty SATO không đồng ý sửa đổi Điều lệ đang có hiệu lực thì Công ty Bay Water vẫn ký ban hành nghị quyết sửa đổi Điều lệ công ty.

Không chấp nhận việc này, Công ty SATO đã khởi kiện vụ việc ra TAND TP Hồ Chí Minh, yêu cầu Tòa án hủy Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐT ngày 3/9/2019 sửa đổi toàn diện bản Điều lệ ngày 10/5/2016 của Công ty Bay Water. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 17/8/2020, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra một bản án công tâm, tuyên bố Công ty SATO thắng kiện.

Theo giới doanh nghiệp, Việt Nam là một nước có mức thu nhập trung bình thấp, người lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp chiếm hơn 60%. Để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng và Nhà nước đã có quyết sách lớn là hội nhập kinh tế sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tận dụng nguồn lực trong nước là nhân lực dồi dào giá rẻ, đất đai rộng lớn, khoáng sản phong phú, môi trường pháp lý thông thoáng thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mang kinh nghiệm quản lý, vốn, công nghệ tốt vào để hợp tác sản xuất kinh doanh. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tận dụng được các ưu đãi và cơ chế thông thoáng, thị trường rộng lớn, nguồn lực trong nước sẵn có để phát triển kinh doanh và thu lợi cao một cách chính đáng.

Quyết định của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên Công ty SATO thắng kiện tại phiên tòa sơ thẩm.

Nhưng đáng tiếc, bên cạnh đó cũng có những nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những chính sách ưu đãi của Nhà nước ta để trục lợi, gây hậu quả về ô nhiễm môi trường, trốn thuế, nợ bảo hiểm, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước thông qua hoạt động góp vốn thành lập công ty, để lợi dụng lòng tin, hệ thống khách hàng sẵn có nhằm chiếm đoạt thị trường rồi dùng các thủ đoạn độc chiếm công ty.

Vụ việc Công ty Bay Water chèn ép Công ty SATO cũng là một ví dụ cho lối hành xử không sòng phẳng, không tôn trọng pháp luật nước sở tại của nhà đầu tư ngoại. Do đó, phán quyết sơ thẩm công tâm của TAND TP Hồ Chí Minh đã khơi dậy niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước, đồng thời cũng là một lời cảnh tỉnh sâu sắc dành cho các nhà đầu tư nước ngoài khi cố tình đề ra luật lệ riêng nhằm chèn ép, lấn lướt các nhà đầu tư trong nước. Đây còn là hồi chuông cảnh báo cho nhà đầu tư nước ngoài nếu họ không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Vì thế, dư luận mong chờ một bản án phúc thẩm công tâm, khách quan, đúng pháp luật từ TAND TP Hồ Chí Minh.

Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, Hà Nội: Doanh nghiệp luôn mong muốn hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau!

Tôi có theo dõi vụ việc này trên Báo CAND và tôi ủng hộ phán quyết của phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh khi tuyên bố cho Công ty SATO thắng kiện. Tôi cho rằng, do góp ít vốn hơn so với đối tác, nên Công ty SATO có chủ ý xây dựng Công ty Bay Water hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên các quyết định của tất cả các thành viên (đối nhân), chứ không phải dựa trên tỷ lệ góp vốn (đối vốn). Điều đó có nghĩa, mọi hoạt động về tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh đều phải có sự phê duyệt của Công ty SATO.

Luật sư Trương Tiến Hùng.

Việc Công ty SATO thiết lập một “điều lệ cân bằng quyền lợi” là hết sức cần thiết và chính đáng. Nó tạo ra sự hợp tác bình đẳng, trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của các bên trong kinh doanh. Quyền được biết, được giám sát và được quyết định số vốn mình bỏ ra là quyền tối thiểu và cơ bản trong hợp tác kinh doanh. Không một pháp luật nước nào để cho tình trạng triệt tiêu các quyền đó của người góp vốn. Do vậy, pháp luật dân sự nói riêng và pháp luật doanh nghiệp, thương mại, đầu tư nói chung được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, trung thực và thiện chí. Các hành vi thông qua thủ tục nội bộ của doanh nghiệp không cho người góp vốn biết là không minh bạch, rất có thể dẫn đến hành vi lợi dụng, chiếm đoạt vốn.

Việc Công ty Bay Water tiến hành họp và thông qua bản Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐT ngày 3/9/2019 sửa đổi toàn diện bản Điều lệ ngày 10/5/2016, khi không được Công ty SATO đồng ý, bất chấp nội dung Điều lệ hiện hành quy định…, các hành vi này không được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, nên phán quyết sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh là đúng pháp luật, hợp đạo đức kinh doanh. Đây là bài học quý giá đối với các nhà đầu tư góp vốn ít, cần xây dựng nguyên tắc đối nhân, quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh theo ý kiến của toàn bộ các thành viên góp vốn, tránh bị mất quyền kiểm soát kinh doanh dẫn đến mất vốn, mất thị trường của mình. Tôi tin rằng, tại phiên tòa phúc thẩm về vụ việc này, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ cho ra một bản án công minh, công bằng nhất, nhằm bảo vệ những nhà đầu tư làm ăn đúng đắn, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Thái Trang (ghi)

Trúc Anh
.
.
.