Làng nhiễm điện ở Đại Từ, Thái Nguyên:

Bị điện giật nhưng kết luận là "không ảnh hưởng"

Thứ Bảy, 05/01/2008, 11:44
Tại cuộc kiểm tra ở nhà ông Nguyễn Văn Bình, chính ông Trưởng đoàn Hoàng Văn Vy (Thanh tra Bộ TN&MT) đã bị điện giật, thế nhưng, một số nhà chuyên môn của Bộ Công thương vẫn tiếp tục có cuộc trao đổi "Có hay không hiện tượng nhiễm từ", nghiêng về việc "không ảnh hưởng" được VTV1 phát trong "Giờ cao điểm".

>> Sơ tán cả làng vì "nhiễm điện"

Sau khi Báo CAND cùng một số cơ quan truyền thông phản ánh tình trạng nhiễm điện của các hộ dân ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khi đường dây 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên chạy qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xử lý vấn đề trên.

Tuy nhiên, kết luận sau 2 lần kiểm tra của Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp (Bộ Công thương) và EVN là "không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân" đã không được người dân chấp nhận và tiếp tục gửi lên Chính phủ và Quốc hội.

Vì thế, ngày 30/10/2007, Đoàn Kiểm tra liên ngành gồm đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ Khoa học- Công nghệ tiếp tục về Hùng Sơn để kiểm tra.

Tại cuộc kiểm tra ở nhà ông Nguyễn Văn Bình sáng 30/10, chính ông Trưởng đoàn Hoàng Văn Vy (Thanh tra Bộ TN&MT) đã bị điện giật. Mặc dù việc này đã được ghi trong "Biên bản kiểm tra hiện trường", cũng như việc dùng bút thử điện ở người đều thấy có điện, thế nhưng, ngay sau đó, một số nhà chuyên môn của Bộ Công thương vẫn tiếp tục có cuộc trao đổi "Có hay không hiện tượng nhiễm từ", nghiêng về việc "không ảnh hưởng" được VTV1 phát trong "Giờ cao điểm". Điều này khiến các hộ dân nằm dưới đường điện phản ứng dữ dội.

Chưa hết. Lần kiểm tra này lại tiếp tục "lòi" ra vấn đề: Mỗi lần đo khoảng cách từ dây điện đến nhà ở của các hộ dân lại cho kết quả khác nhau. Tại gia đình ông Đinh Sĩ Vinh, khoảng cách theo thiết kế ban đầu là chưa đầy 6m nên gia đình ông Vinh có tên trong danh sách di dời.

Vài ngày sau, bên thi công lại đưa ra con số 6,15m, nên nhà ông Vinh lại không phải di dời. Nhưng khi Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương và EVN đo thì khoảng cách của nhà ông Vinh tăng vọt lên 8,65m - chênh lệch với số đo cũ tới 2,5m. Với số đo này, nhà ông Vinh đã chuyển từ không an toàn thành an toàn, dù vẫn ở nguyên chỗ cũ(?).

Nhưng con số do Đoàn kiểm tra liên ngành đo ngày 30/10, thì khoảng cách của nhà ông Vinh lại là 6,34m. Với những kết quả rất khác nhau thế này, người dân biết tin vào đâu? Và bất kỳ ai cũng có quyền đặt câu hỏi: Con người và thiết bị đo có đủ sự tin cậy?

Ngoài ra, kết quả đo điện trường của các đoàn kiểm tra cũng chênh lệch: Theo kết quả mà Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương và EVN đo, thì nhà ông Nguyễn Văn Tĩnh là 7,5V, nhà ông Nguyễn Thanh Hải là 96V, nhà ông Nguyễn Văn Bình 256V, nhà ông Đinh Sỹ Vinh 263V.

Nhưng kết quả đo của Đoàn kiểm tra liên ngành cho con số cao hơn nhiều lần: nhà ông Nguyễn Văn Tĩnh là 607V, nhà ông Nguyễn Thanh Hải là 120V, nhà ông Nguyễn Văn Bình 862V, nhà ông Đinh Sỹ Vinh lại 348V. Trong khi chúng ta đang dùng dòng điện 220V, vậy thì với kết quả đo này, nói không ảnh hưởng liệu có thuyết phục?

Ông Trần Văn Khoa ở xã Bình Thuận bức xúc: "Tại cuộc trao đổi "Có hay không hiện tượng nhiễm từ", một số nhà chuyên môn giải thích không ảnh hưởng, nhưng khi tôi đặt ra 3 câu hỏi, thì không một ai trả lời được: Việc lắp đặt các thiết bị tiếp đất chỉ có thể với các vật tĩnh, chứ con người cũng bị nhiễm điện thì làm sao có thể lắp đặt thiết bị vào người?

Các nhà khoa học đưa ra khoảng cách an toàn từ dây điện đến nhà ở phải là 18m, vậy tại sao ở Việt Nam, khoảng cách an toàn chỉ là 6m? Quy định của ngành điện là 36V trên người, nhưng ở người dân dưới đường dây tại Hùng Sơn đã là trên 50V, như vậy có đủ điều kiện an toàn không?".

Những vấn đề thiết thực nhất thì nhiều nhà chuyên môn không giải thích nổi, nhưng vẫn lấy khoảng cách để cho rằng không ảnh hưởng(?), lại còn lấy dẫn chứng ở tỉnh khác để chứng minh, trong khi số đo khoảng cách mỗi lần một khác, còn người dân đã bị điện giật trước sự chứng kiến của Đoàn kiểm tra.

Hình như, một số nhà chuyên môn cố tình không hiểu rằng, các gia đình cùng nằm dưới một đường dây, cùng ở một khoảng cách cắt đất và đều nằm giữa 2 cột, mà còn có số đo khác nhau thì độ nhiễm điện ở những nơi có môi trường khác nhau làm sao có thể giống nhau? Điều này chính đại diện của WTO đã khẳng định tại hội thảo do Bộ Công thương tổ chức đầu tháng 10/2007.

Trong khi đó, Thái Nguyên vốn là nơi tập trung các mỏ khoáng sản, lại thường xuyên có mưa axit do khói các nhà máy tạo ra, thì độ nhiễm điện liệu có thể giống ở Hà Tây như dẫn chứng của một số người? TS.Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định: "Kết quả đo không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách, mà còn phụ thuộc cả cường độ từ trường, tác động môi trường xung quanh".

Bức xúc trước các kết luận thiếu thực tế, ông Đỗ Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn đã có văn bản gửi Chính phủ và Quốc hội.

Ngày 19/11/2007, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương: "Đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra thực tế, có lập biên bản ghi rõ mấy hiện tượng lưu ý: Một số hộ có cường độ dòng điện rất cao; có hiện tượng giật khi đồng chí Hoàng Văn Vy dùng bút thử điện chạm vào dây ăng-ten; khi thử bằng bút thử điện thông thường (không phải bút thông mạch), chạm vào người bút sáng và một số đồ dùng đều báo đỏ. Đây là những hiện tượng rất đáng lưu tâm, phản ánh tình trạng không bình thường của môi trường sống".

Chỉ từ tháng 10 đến 11/2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký 2 văn bản về việc xử lý hiện tượng nhiễm điện đường dây 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với người dân.

Vì vậy, các nhà quản lý cần thực sự hiểu để chia sẻ những ảnh hưởng mà người dân đang phải gánh chịu, chứ không chỉ trấn an họ như đã làm. An toàn về sinh mệnh, sức khỏe người dân là điều cần sớm được quan tâm, tránh xảy ra cảnh "mất bò mới lo làm chuồng"

Thanh Hằng - Thu Hạnh
.
.
.