Bất hợp lý trong việc xử lý rác thải tại thành phố Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 08/02/2015, 09:56
Trong giấy phép điều chỉnh chứng nhận đầu tư được UBND TP Hồ Chí Minh cấp cho chủ bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), đến tháng 1-2014 vừa qua, chủ bãi rác này cũng chỉ có 1 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh công suất 2.500 – 3.000 tấn/ngày; 1 nhà máy sản xuất Compost công suất 100 tấn/ngày và 1 nhà máy phân loại, tái chế rác công suất 500 tấn/ngày…
Với quy mô này, lượng rác được giao cho VWS chôn lấp hợp vệ sinh tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã chiếm gần nửa lượng rác thải hằng ngày của thành phố. Chưa dừng lại ở đây, VWS vẫn tiếp tục yêu cầu được nâng công suất chôn lấp rác thải lên 10.000 tấn/ ngày và xử lý toàn bộ lượng chất thải trên địa bàn thành phố. Việc này đã được một số sở, ngành của thành phố ủng hộ.

Do đó, ngày 21/1 vừa qua, UBND thành phố đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư và VWS, trong đó yêu cầu Công ty VWS thực hiện đúng phạm vi và mục tiêu kinh doanh trên, không được chôn lấp chất thải rắn vượt quá công suất 3.000 tấn/ngày. Tại văn bản này, UBND thành phố cũng đã xác định, với công suất xử lý đã chiếm 45% lượng rác thải tại thành phố. Như vậy, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đã ở vị trí thống lĩnh thị trường xử lý rác thải, vi phạm Luật Cạnh tranh. Nếu tiếp tục “dẹp” bãi rác Phước Hiệp ở huyện Củ Chi, dồn thêm 2.000 tấn rác thải về Đa Phước xử lý, hằng ngày chủ bãi rác Đa Phước sẽ được xử lý 5.000 tấn trong tổng số 6.700 tấn rác thải của thành phố. Với công suất này, chủ bãi rác Đa Phước sẽ tiếp tục được hỗ trợ để giữ vị trí độc quyền với tỷ lệ xử lý lên đến 75%.

Rác thải chôn lấp tại Đa Phước đã hình thành những quả đồi - mô hình sân golf trong tương lai.

Theo khẳng định của UBND thành phố, VWS đã không xây dựng nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng với công suất 2.500 – 3.000 tấn/ngày theo quy định trong giấy phép xử lý được cấp từ tháng 12-2005. Ngược lại, VWS chỉ vận hành bãi chôn lấp rác với công suất tương tự. Nhưng chủ bãi rác Đa Phước vẫn được ngân sách chi trả phí xử lý cao hơn các DN cùng xử lý chôn lấp khác đến 3 USD/tấn; tổng số tiền chênh lệch TP Hồ Chí Minh phải trả thêm cho chủ bãi rác đa phước là 3 triệu USD/năm.

Theo nhận định của UBND TP Hồ Chí Minh, nếu tiếp tục tăng công suất xử lý cho chủ bãi rác Đa Phước có thể dẫn đến việc VWS thực hiện hành vi thống lĩnh thị trường để áp đặt về giá. Đồng thời, với mức giá xử lý đã cao hơn các DN khác như hiện nay, thành phố sẽ phải trả thêm cho VWS khoảng 10 triệu USD/năm khi công suất tiếp nhận, chôn lấp rác thải của bãi rác Đa Phước được nâng lên 10.000 tấn/ngày.

Bãi rác Phước Hiệp chỉ mới được đầu tư xây dựng vào tháng 10/2013 đến ngày 31/12/2014. Tổng vốn đầu tư xây dựng bãi rác Phước Hiệp trên 976 tỷ đồng, trong đó DN công ích chỉ có 30% vốn, còn lại phải đi vay. Đến cuối năm vừa qua, dự án đã hoàn thành 2/3 tiến độ, tương ứng với số tiền đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí xây dựng, mua sắm vật tư máy móc để xây dựng bãi rác Phước Hiệp là của một DN ngoại khác bỏ 100% vốn đầu tư. Nay nếu thành phố “nghe” theo các cơ quan tham mưu cho đóng cửa bãi chôn lấp số 3 ở Phước Hiệp để có 2.000 tấn rác dồn cho chủ bãi rác Đa Phước thì ngoài chuyện đền bù nhà đầu tư ngoại, 300 công nhân tại đây sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm.

Hơn thế, mức chênh lệch giá chôn lấp rác giữa VWS và các DN nội đã diễn ra từ cách đây nhiều năm. Thời điểm TP Hồ Chí Minh xây dựng giá thành xử lý rác, giá xử lý tại khu Đa Phước đã được chào với mức 16,4 USD/tấn, trong khi đơn giá xử lý tại khu Phước Hiệp chỉ có hơn 13,9 USD/tấn và dự án V.S chỉ có 5 USD/tấn nhưng khu xử lý rác Đa Phước vẫn được chọn để xử lý gần một nửa lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày của thành phố. Đến nay, khi giá xử lý rác thải tại Đa Phước đã được điều chỉnh lên hơn 19,5 USD/tấn, giá xử lý rác đưa vào sản xuất phân bón compost và tái chế hạt nhựa của V.S cũng chỉ có 12 USD/tấn; giá tạm tính của Công ty T.S.N cũng chỉ là 15 USD/tấn.

Đã vậy, trong lúc dự án tái chế rác thải lấy nhựa và sản xuất phân bón compost tại Phước Hiệp vẫn “đói” rác; bãi chôn lấp rác ở đây vẫn có thể tiếp nhận rác thêm nhiều năm nữa, thì các cơ quan có trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh lại tỏ ra khá ủng hộ việc dồn rác về chôn lấp hợp vệ sinh tại Đa Phước với giá cao. Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã có động thái ngăn chặn, nhưng chuyện tốn thêm hàng triệu USD để tiếp tay cho DN ngoại thống lĩnh hoạt động chôn lấp rác thải hiện vẫn chưa thể chặn triệt để.

Đ.Thắng
.
.
.