Bao giờ mới chấm dứt tình trạng 'biến' chùa thành chợ?

Thứ Hai, 09/03/2015, 10:42
Hơn một năm nay, nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan chùa Sà-Lôn (chùa Chén Kiểu), tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer, rất khó khăn, khổ sở khi vào vãn cảnh chùa bởi tình trạng họp chợ bát nháo trong khuôn viên chùa. Đồng thời, phải chứng kiến nhiều hình ảnh về những người bán vé số, xin ăn... trái ngược với vẻ tôn nghiêm nơi cửa thiền…

Theo ghi nhận của chúng tôi, chợ tự phát mọc trong sân chùa bán đủ thứ, như: các loại rau, củ, quả; các loại bánh kẹo, thậm chí cả các loại cá khô… Ngoài ra còn rất nhiều quán ăn uống, như: cơm, cháo, bún nước lèo, các loại nước giải khát phục vụ du khách cũng hiện diện trong khuôn viên chùa.

Thậm chí người ta còn bày bán cả quần áo, thuốc nam, thuốc bắc ì xèo. Đứng trên chính điện nhìn xuống không thể nào thấy lối đi vì những hàng dù (ô) tạm bợ che kín. Muốn vào chùa phải lách, né để không va phải hàng hóa của người dân bày bán tràn lan.

Chợ tự phát họp kín trước cửa chùa Chén Kiểu.

Đại đức Lâm Chanh - Trụ trì chùa Chén Kiểu, cho biết: “Từ năm 2011, chùa đã sắp xếp cho khoảng 90 hộ dân bán rau cải và đồ chay ở một khu vực bên trong chùa. Nhưng từ sau Tết Giáp Ngọ 2014 đến tận ngày hôm nay, số người mượn cảnh chùa để buôn bán đã lên đến gần 200 người, trong đó có cả những người dân ở xứ khác đến. Cảnh níu kéo khách, ồn ào từ 5h30 đến 18h hằng ngày, gây ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi và học hành của các tăng sinh đang theo học tại chùa”.

Trước thực trạng này, địa phương và nhà chùa đã nhiều lần họp với bà con, sắp xếp khu vực buôn bán ổn định phía sau chùa nhưng chỉ được vài ba ngày người dân lại tiếp tục tràn lên trước cửa chùa khi thấy có nhiều đoàn khách đến viếng chùa.

Mới đây, ngày 22/1/2015, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc họp với các ngành chức năng bàn bạc giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán trong chùa Chén Kiểu.

Tại cuộc họp, có ý kiến đề xuất phương án quy hoạch, xây dựng các khu chức năng theo hình thức trạm dừng chân hiện đại với khu vực đậu xe ở giữa, chung quanh là các dãy kiốt tại chùa, nhưng đề xuất này không được chấp thuận bởi chùa là khu dừng chân tạm thời chứ không phải khu lưu trú nên không cần xây dựng kiốt kiên cố.

Hơn nữa các hộ dân buôn bán trong chùa đa số là hộ nghèo thì khi xây dựng kiốt không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của bà con.

Có ý kiến đề xuất thu hồi phần đất nghĩa địa (thuộc sở hữu của chùa) để san lấp, sắp xếp cho bà con buôn bán, có ý kiến đề nghị di dời các hộ buôn bán ra khỏi chùa…

Thượng tọa Lâm Sương, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đề xuất: “Chùa là nơi thờ phụng tôn nghiêm, lại là di tích lịch sử của tỉnh. Đề nghị các cấp lãnh đạo động viên các hộ buôn bán di dời ra ngoài trong thời gian sớm nhất để tránh tình trạng động chạm, xúc phạm sư sãi như thời gian vừa qua”.

Đức Văn
.
.
.