Bài học lớn cho việc kinh doanh minh bạch, thượng tôn pháp luật
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có những nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đã không tuân thủ nghiêm minh quy định và pháp luật Việt Nam, dẫn đến việc chèn ép, vi phạm nghĩa vụ và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các thành viên góp vốn, gây ra nhiều hậu quả xấu.
Điển hình là một vụ việc mới đây được Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm dân sự, trong đó bên khởi kiện là Công ty TNHH Đầu tư SATO (gọi tắt là Công ty SATO), địa chỉ ở số 6 Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh và bên bị kiện là ông Choi Koon Shum, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bay Water (Công ty này có trụ sở tại Tầng lửng, Tòa nhà Sun Wah, số 115 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1) và ông Choi Chun Sze Johnson, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bay Water (Công ty này làm việc chung trụ sở với Công ty Bay Water). Cả ba công ty đều kinh doanh về bất động sản.
Quyết định của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên Công ty SATO thắng kiện. |
Phán quyết của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên bố Công ty SATO thắng kiện, (dù đây là thành viên góp vốn nhỏ hơn, chỉ 10%), đã cho thấy rằng, khi kinh doanh tại Việt Nam, bất kể là nhà đầu tư trong nước hay quốc tế đều phải thượng tôn pháp luật. Quyết định của Tòa án đã góp phần củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong mối quan hệ với nhà đầu tư nước ngoài.
Chèn ép cổ đông nhỏ có xứng danh nhà đầu tư quốc tế?
Việc Công ty SATO khởi kiện hai lãnh đạo cao nhất của Công ty TNHH Bay Water, theo đánh giá của giới kinh doanh TP Hồ Chí Minh là hệ quả tất yếu, là “giọt nước tràn ly”, khi trước đó Công ty SATO bị Công ty TNHH Bay Water liên tục chèn ép, lấn lướt, thậm chí là vô hiệu hóa một thời gian dài. Công ty SATO là một trong hai thành viên góp vốn của Công ty TNHH Bay Water.
SATO góp vốn 10% vốn điều lệ và thành viên thứ hai là Công ty Sun Wah Việt Nam Real Estate Limited (gọi tắt là Công ty Sun Wah) góp vốn 90% vốn điều lệ. Tại Bay Water, vị trí Chủ tịch, Tổng Giám đốc và nhiều vị trí quản lý quan trọng khác đều do các cá nhân do Công ty Sun Wah đề cử nắm giữ.
Tầng lửng của tòa nhà này là trụ sở làm việc của Công ty Bay Water và Công ty Sun Wah. |
Tuy nhiên, theo Công ty SATO phản ánh, những người quản lý của Công ty Bay Water có nhiều biểu hiện vi phạm điều lệ công ty, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của thành viên SATO như: Tự ý tiến hành các khoản vay giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng với các ngân hàng và sử dụng các tài sản có giá trị lớn của công ty để bảo đảm khoản cho vay, nhưng không thông qua hội đồng thành viên là Công ty SATO. Có khoản vay lên đến hàng triệu USD nhưng đến cuối năm 2019, Công ty SATO mới biết khoản vay này.
Sau khi phát hiện các sai phạm nêu trên, SATO liên tục yêu cầu những người quản lý của Công ty Bay Water phải giải trình, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến tình hình hoạt động của công ty theo quy định tại Khoản 8, Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, về việc thành viên sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên được quyền: “Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm; kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng thành viên và các hồ sơ khác của công ty”.
Tuy nhiên, các yêu cầu của SATO hoàn toàn không được đáp ứng. Thậm chí, SATO còn nhận được văn bản phản hồi từ người quản lý của Công ty Bay Water cho rằng, Công ty SATO không có quyền kiểm tra thông tin, tài liệu của công ty. Động thái này của Công ty Bay Water nhằm cản trở Công ty SATO thực hiện quyền kiểm tra, xem xét các giao dịch đáng ngờ tại Công ty Bay Water…
Ngày 3-9-2019, những người quản lý của Công ty Bay Water đã tổ chức một cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty để xem xét về việc sửa đổi bản Điều lệ đang có hiệu lực của Công ty. Theo bản Điều lệ đang có hiệu lực được ban hành ngày 10-5-2016 của Công ty Bay Water thì tại điểm c, khoản 23.3 có quy định rằng, bất kỳ việc sửa đổi nào đối với Điều lệ công ty đều phải có sự chấp thuận của tất cả các thành viên Hội đồng thành viên.
Mặc dù biên bản cuộc họp ngày 3-9-2019 ghi nhận, Công ty SATO không đồng ý thông qua dự thảo sửa đổi bản Điều lệ, tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Bay Water là ông Choi Koon Shum vẫn ký thông qua bản Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐT ngày 3-9-2019 sửa đổi toàn diện bản Điều lệ ngày 10-5-2016.
Như vậy, Công ty Bay Water ban hành nghị quyết sửa đổi Điều lệ công ty khi không được Công ty SATO đồng ý, bất chấp nội dung Điều lệ hiện hành quy định, việc sửa đổi Điều lệ phải được tất cả các thành viên đồng ý. Tại nghị quyết sửa đổi Điều lệ, những người quản lý của Công ty Bay Water đã hạ tỉ lệ biểu quyết các vấn đề quan trọng (bao gồm cả việc thông quả khoản vay của Công ty) từ 100% (theo Điều lệ cũ) xuống còn 80%, nhằm tước đoạt quyền phủ quyết của Công ty SATO đối với những vấn đề quan trọng.
Công ty SATO cho biết, họ phản đối sửa bản Điều lệ bởi phía Công ty Sun Wah đưa ra những nội dung mang tính chèn ép thành viên thiểu số, để họ toàn quyền quyết định tất cả, thậm chí nội dung bản Điều lệ sửa đổi còn vượt qua ranh giới pháp luật. Không chấp nhận việc này, Công ty SATO đã khởi kiện vụ việc ra TAND TP Hồ Chí Minh, yêu cầu Tòa án hủy Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐT ngày 3-9-2019 sửa đổi toàn diện bản Điều lệ ngày 10-5-2016 của Công ty Bay Water.
Những lý lẽ thiếu căn cứ của nhà đầu tư “ngoại”
Tại phiên tòa, phía Công ty Sun Wah và Công ty Bay Water cho rằng, họ phải thông qua nghị quyết mới vì Công ty SATO thường xuyên phủ quyết, cản trở việc thông qua các khoản vay của Công ty Bay Water, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động phát triển dự án, có thể dẫn công ty đến phá sản. Công ty Sun Wah còn cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 05 là “đúng quy định, đúng cam kết của các bên chuyển nhượng khi chuyển nhượng góp vốn cho Công ty Sun Wah tại Hợp đồng khung ngày 9-2-2013”.
Vì sao lại có Hợp đồng khung ngày 9-2-2013? Hợp đồng khung về chuyển nhượng vốn này được 3 bên lập ra để thực hiện việc chuyển nhượng vốn góp của Công ty SATO và Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (SC5) cho Công ty Sun Wah. Hợp đồng này đã hết hiệu lực pháp luật khi Công ty SC5 hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty Sun Wah và thực tế khi chỉ còn hai thành viên là Công ty SATO và Công ty Sun Wah thì Công ty Bay Water đã thông qua Điều lệ ngày 10-5-2016.
Điều lệ này được hai bên ký kết và tuân thủ đúng Luật Doanh nghiệp, với quy định khi sửa đổi điều lệ cần có 100% thành viên góp vốn thông qua, là một hình thức bảo vệ cổ đông nhỏ như Công ty SATO. Do đó, tại phiên tòa, phía Công ty SATO đã phản biện rằng, “Hợp đồng khung về chuyển nhượng vốn ngày 9-2-2013 không phải là cơ sở pháp lý để xác định tính hợp pháp của các quyết định của Hội đồng thành viên công ty”.
Từ sau 2015, Công ty SC5 không còn là thành viên góp vốn của Công ty Bay Water. Thêm nữa, tại Điều 11.1 và Phụ lục số 05 của Hợp đồng khung này nêu rõ, các vấn đề như sửa đổi điều lệ công ty, thông qua giao dịch vay vốn, tăng vốn điều lệ và một số vấn đề khác…, khi quyết định bắt buộc phải được tất cả các thành viên công ty đồng ý thì mới được triển khai. 11 vấn đề được bảo lưu tại Hợp đồng khung cũng nêu rõ, các vấn đề khi quyết định phải được tất cả các thành viên công ty thông qua. Như vậy, Điều lệ ngày 10-5-2016 của Công ty Bay Water thực chất cập nhật lại toàn bộ các cam kết của các bên tại Hợp đồng khung. Bản Điều lệ này còn được ký bởi chính người đại diện phía Công ty Sun Wah.
Trước lập luận của Công ty SATO, đại diện phía Công ty Sun Wah đã lúng túng cho rằng, họ có sự “nhầm lẫn” trong thỏa thuận về 11 vấn đề bảo lưu tại Hợp đồng khung, “nhầm lẫn” và “không để ý” khi đưa nội dung này vào Điều lệ ngày 10-5-2016. Chủ tọa phiên tòa nêu vấn đề, Công ty Sun Wah là một tập đoàn lớn, Hợp đồng khung do chính Công ty Sun Wah soạn và ký, Điều lệ ngày 10-5-2016 cũng do Công ty Sun Wah soạn và ký, vậy khi Công ty Sun Wah nói rằng mình “không để ý” khi thông qua các tài liệu này thì có lý hay không?
Sau khi nghe các bên trình bày ý kiến, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Tại phiên họp ngày 3-9-2019, chỉ có 90% thành viên của hội đồng thông qua nghị quyết, vì vậy Nghị quyết số 05 của Công ty Bay Water được thông qua trái với quy định của Điều lệ Công ty Bay Water và khoản 3, Điều 60 Luật Doanh nghiệp”.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh còn cho biết, Hợp đồng khung chuyển nhượng vốn ngày 9-2-2013 giữa 3 bên là hợp đồng bảo lưu 11 vấn đề, chỉ quy định tỉ lệ 80% về phần vốn góp có quyền thay đổi điều lệ của Công ty, nhưng căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp ngày 12-8-2016 và Điều lệ của Công ty Bay Water ngày 10-5-2016 lại không có quy định về Hợp đồng khung là 1 bộ phận không thể tách rời của Điều lệ Công ty Bay Water. Do đó, ý kiến của Công ty Bay Water và Công ty Sun Wah là không có căn cứ.
Trước ý kiến của các bên liên quan, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định giải quyết việc dân sự, trong đó nêu rõ, có căn cứ xác định Nghị quyết 05 là trái các quy định tại khoản 3, Điều 23, Điều lệ ngày 10-5-2016 của Công ty Bay Water, khoản 2, khoản 3, Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2015. Do vậy, Tòa chấp nhận đơn yêu cầu của Công ty SATO, hủy Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV ngày 3-9-2019 của Hội đồng thành viên Công ty Bay Water.
Từ quyết định thấu tình đạt lý của TAND TP Hồ Chí Minh tuyên bố Công ty SATO thắng kiện, thiết nghĩ, nhà đầu tư quốc tế khi vào Việt Nam được nước sở tại tạo mọi điều kiện để phát triển, họ có tỷ lệ sở hữu vốn cao, có nhân sự, được nắm quyền điều hành, quản lý mọi thông tin doanh nghiệp.
Do đó họ càng cần tôn trọng pháp luật, hoạt động thượng tôn pháp luật, tôn trọng các thành viên góp vốn, tôn trọng chính những nguyên tắc, điều lệ do họ đặt ra để tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng, tạo sự tin cậy với các đối tác Việt Nam. Đó mới là hướng đi đúng đắn của những nhà đầu tư quốc tế chân chính!