Bài học đau xót trong từ vụ "5 em nhỏ chết đuối ở Bắc Giang

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:50
Ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành tỉnh, tổ chức đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ tai nạn đuối nước; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa trong việc quản lý chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em dịp hè.


Chiều 4-7, tại thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ, Hiệp Hoà, Bắc Giang đã xảy ra vụ chết đuối thương tâm. 5 học sinh Trường THCS Đông Lỗ đều mới 12 tuổi là Phạm Hồng Ngát, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Tươi và Phạm Thị Oanh  (đều trú tại thôn Hưng Đạo) đã không may tử vong dưới hồ nước ở cánh đồng của thôn.

Thời điểm trên, cả 5 cháu và cháu Nguyễn Thị Tuyết, SN 2001, cùng đi chăn bò trên cánh đồng Đồng Quan (cách thôn hơn 1km). Do trời nắng nóng nên Thành và Minh xuống tắm nhưng bị chới với do mực nước sâu.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang động viên, thăm hỏi gia đình các nạn nhân.

Thấy vậy, 3 cháu Tươi, Oanh và Ngát đã cứu bạn nhưng không được và cũng bị đuối nước. Đang ngồi trên bờ, cháu Tuyết nghe tiếng kêu cứu phát hiện ra sự việc nên hô hoán, chạy đi gọi người đến cứu nhưng khi vớt được các nạn nhân thì các cháu đã tử vong.

Trong sự bàng hoàng tột độ, cháu Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: "Cháu không thể tin việc các em chết là sự thật. Chiều 4-7, chúng cháu đi chăn bò ở cánh đồng của thôn, cháu thấy các em rủ nhau vào đầm nước, cháu ngồi trên bờ vẫn thấy các em cười đùa. Một lúc sau cháu quay lại thấy im im, rồi thấy em Oanh đang giơ tay lên cầu cứu, còn 4 em kia không thấy đâu. Cháu hoảng sợ chạy ra bờ đầm định xuống cứu các em nhưng em Oanh xa quá nên cháu không với tới. Cháu liền chạy đi gọi người lớn đang chăn bò gần đó đến cứu. Khi mọi người đến mò một lúc thì vớt được các em lên…".

Ngày 5-7, Đại tá Tống Văn Long, Trưởng Công an huyện Hiệp Hoà cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện đã có một tổ công tác xuống địa bàn, khám nghiệm sơ bộ nguyên nhân chết của các cháu, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.

Đầm nước - nơi các nạn nhân chết đuối thương tâm.

Ngày 5-7, Công an huyện đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, tiến hành đo đạc độ sâu tại vị trí các cháu chết đuối. Qua đó, đã xác định, tại khu vực trên, vị trí sâu nhất là hơn 2m. Do trước đó, người dân địa phương đào đất làm gạch và đắp đường nên lòng đầm có nhiều vị trí khá sâu dốc, rất dễ bị tai nạn bất ngờ.

Được biết, đầm nước nơi các học sinh chết đuối khá rộng, thông ra sông, là nơi người dân địa phương lấy nước để tưới tiêu. Vào mùa nước cạn (mùa đông), người dân địa phương vẫn cấy lúa ven bờ. Mùa hè nước sâu không cấy được nên chỉ dùng lấy nước tưới tiêu. Hằng ngày, các trẻ em thường chăn trâu quanh khu vực, thi thoảng vẫn xuống tắm. Trước đây, tại đầm này cũng đã xảy ra một vài vụ người lớn chết đuối nhưng không có biển báo nguy hiểm.

Ngay trong đêm 4-7, chính quyền và gia đình cùng người dân địa phương đã tổ chức lo hậu sự đưa các em về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhìn những gương mặt thơ ngây trong di ảnh, ai cũng nghẹn ngào. Không khí u buồn, lo lắng bao trùm khắp thôn xóm. Các nạn nhân đều là học sinh giỏi, ngoan ngoãn.

Ngày 5-7, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã cùng đại diện Uỷ ban MTTQ, Giám đốc Công an tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể đến thăm, chia buồn, động viên gia đình các nạn nhân sớm vượt qua nỗi đau, mất mát, đồng thời trao tiền hỗ trợ mỗi gia đình 6 triệu đồng. Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng hỗ trợ một phần để sẻ chia, giúp các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành tỉnh, tổ chức đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ gây tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước tiềm ẩn trong cộng đồng; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa trong việc quản lý chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em dịp hè, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Phương Thủy
.
.
.