Vụ tai nạn đường sắt tại huyện Thường Tín (Hà Nội) làm 9 người thiệt mạng, 10 người bị thương:

Bài học xót xa sau vụ tai nạn thảm khốc

Thứ Sáu, 01/04/2011, 08:37
Sau gần một đêm điều trị tích cực, 8 nạn nhân may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trong vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra chiều 30/3, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nông nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đã bước đầu ổn định.

>> Tàu hỏa đâm ô tô chở đám ăn hỏi, 9 người thiệt mạng

Ngoài nỗi đau thể xác, họ lại đang phải gồng mình trước sự mất mát quá lớn của gia đình, những nỗi đau không thể một sớm, một chiều có thể phai nhạt. Rồi còn đó là sự lo lắng cho tính mạng của hai người thân đang trong giai đoạn điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức, đang "ngàn cân treo sợi tóc".

Vụ tai nạn thảm khốc qua lời kể của những nạn nhân may mắn sống sót        

Nhắc đến vợ, bà Trương Thị Vy (64 tuổi), một trong 9 nạn nhân không may thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông đường sắt chiều 30/3, đôi mắt bác Lê Văn Đàn (62 tuổi, trú tại tổ 12, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) đỏ hoe. Trong vụ tai nạn này, bác Đàn cùng lúc mất đi hai người em gái là bà Lê Thị Thái và Lê Thị Thuận (tức Bảy); người chị gái là bà Lê Thị Toàn. Gắng gượng cơn đau, bác Đàn ngậm ngùi nói với chúng tôi, đôi mắt ngấn lệ: "Giá như tôi mất đi để cho mấy cháu còn trẻ được sống! Đau xót quá cô ạ, cứ tưởng cả gia đình cùng đi dự đám cưới cho vui vẻ, chẳng ngờ".

Khoảng 4h ngày 30/3, chuyến xe chở những người thân trong gia đình bác Đàn, gồm 20 người khởi hành từ TP Thái Nguyên về Hà Nội, dự đám cưới một người họ hàng… Đến khoảng 14h cùng ngày thì tất cả 21 người, trong đó có lái xe quay ra quốc lộ 1A để vào thôn Đình Tổ, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thăm người họ hàng là anh Lê Thanh Toán ở địa chỉ trên.

Đã lâu lắm rồi, cả gia đình gồm ba thế hệ là cụ, ông bà và các cháu, mới có một cuộc đi chơi xa vui vẻ thế nên ai cũng rất vui mừng, phấn khởi. Họ ngồi chơi ở nhà anh Toán đến gần 15h cùng ngày thì ra về. Lúc này, bác Đàn cùng mẹ đẻ là cụ Vương Thị Hay (97 tuổi, hiện đang bị chấn thương ở ngực kín, gãy cổ tay phải) ngồi ở hàng ghế cùng với lái xe Nguyễn Thế Hùng (30 tuổi, trú tại xã Tâm Hương, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

Khi còn cách đường tàu khoảng 1km thì lái xe Hùng có điện thoại gọi đến. Lúc này, bác Đàn nhìn thấy tàu hỏa đã nhắc nhở Hùng dừng xe chờ tàu qua rồi vượt. Khi đó chiếc xe hơi chựng lại rồi lại tiếp tục phóng lên. Ngay sau đó, bác Đàn nghe thấy tiếng kêu rất to ở đằng sau ôtô, rồi chẳng biết gì. Khi bác Đàn tỉnh lại thì thấy mình và mẹ đẻ là cụ Hay nằm tọt trong thùng xe…

Chị Liên ôm cậu con trai nhỏ, hoảng loạn sau vụ tai nạn thảm khốc.

 

Thấy có người lạ đến gần, cháu Bạc Cấm Bảo (3 tuổi), con trai chị Hà Thị Thủy, trú tại phường Cam Giá, TP Thái Nguyên hoảng loạn bật khóc. Vụ tai nạn thảm khốc ngày hôm qua vẫn khiến cháu hoảng loạn, sợ hãi. Nhưng khi được bà nội dỗ dành, Bảo lại quay sang chơi đồ chơi. Cháu Bảo còn quá nhỏ để hiểu được những mất mát của gia đình.

Nằm ở buồng bên cạnh, chị Thủy nghe tiếng con khóc đòi mẹ, thương đến cháy lòng nhưng chẳng thể làm gì. Sau vụ tai nạn thảm khốc, chị đã bị chấn thương nặng ở vùng mặt, vỡ xương chậu và 2 xương cẳng tay nên chẳng thể gượng dậy. Suốt đêm không ngủ, khóc thương những người thân, đôi mắt chị Thủy sưng húp, đỏ mọng.

Trong vụ tai nạn thương tâm trên, chị Thủy cùng lúc mất đi 5 người thân gồm mẹ đẻ là bà Lê Thị Thuận; vợ chồng người em gái cùng cậu con trai 3 tuổi và người em trai là Hà Văn Thịnh. Chị Thủy nghẹn ngào nói với tôi: "Tưởng đi đông cho vui, ngờ đâu lại gặp cảnh thế này. Bây giờ, nhà em chẳng còn ai cả…".

Hoàn cảnh của chị Thủy hiện giờ rất đáng thương, gia đình chị chỉ còn lại duy nhất một người cha cao tuổi, thường xuyên ốm đau bệnh tật rất cần người chăm sóc đỡ đần. Chị Thủy sụt sùi, không kiềm được lòng mình bật lên khóc thành tiếng: "Em phận gái phải theo chồng, nếu có kinh tế thì còn đỡ đần được cha mẹ nhưng đằng này, em làm công nhân may, đồng lương ba cọc ba đồng. Hiện nay, đến tiền mua sữa cho con còn chật vật, chẳng hiểu giờ xoay xở thế nào?".

Nằm trong cùng một phòng bệnh, chị Phan Thị Liên vẫn bàng hoàng sau sự việc xảy ra. Vào thời điểm này, chồng chị là Lê Hồng Tiến (30 tuổi, trú tại phường Cam Giá) túc trực ở Bệnh viện Việt Đức, chăm sóc cho bố chồng của chị là ông Lê Văn Thắng, đang trong tình trạng rất nguy kịch. Ôm đứa con trai nhỏ là cháu Lê Đức Anh (2 tuổi) trong vòng tay, chị Liên hãi hùng kể lại buổi chiều định mệnh: Khoảng 15h hôm đó, chị Liên đang ngồi trên xe ôtô nói chuyện với mọi người thì nghe thấy tiếng hô rất lớn. Lúc này, chồng chị đang ôm cháu Đức Anh ngồi ở ghế sau người lái xe ôtô…

Sau đó, chị thấy đầu và lưng bị đập rất mạnh và đau, khi bừng tỉnh nhìn lại phía sau thì thấy xung quanh đầy máu, một số  người trong gia đình chị bị kẹp trong các ghế xe, còn mặt chồng chị cũng đầy những vết máu. Chị hoảng loạn hỏi chồng xem con có bị sao không, khi nhìn thấy đứa con nhỏ đang toe toét cười trong tay bố, chị lịm đi…Từ lúc đó, chị hoảng loạn chẳng biết gì, cho đến khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Suốt đêm hôm qua, chị Liên chẳng thể chợp mắt vì nỗi đớn đau, mất mát…

Lái xe đã chủ quan không quan sát đường

Trao đổi với chúng tôi sáng 31/3, Trung tá Ngô Phúc Thành, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Thường Tín cho biết: Đến thời điểm này con số nạn nhân và người tử vong vẫn không thay đổi, riêng chỉ có trường hợp của ông Lê Văn Thắng và chị Nguyễn Thị Luyến, hiện đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thì rất nặng.

Công an huyện Thường Tín đã tổ chức lấy lời khai của lái xe Nguyễn Thế Hùng, bước đầu làm rõ được nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc: Được biết, trước đó gia đình người bị hại đã ký hợp đồng thuê xe với một lái xe khác. Song vì nhiều lý do, Hùng được giao thực hiện chuyến đi, trên chiếc xe ôtô BKS 20L-4564. Vào thời điểm đó, đoàn tàu SE8 đang theo lộ trình đi từ TP HCM ra Hà Nội.

Khi gần đến khu vực đường tàu, Hùng có điện thoại gọi đến nên mở máy nói chuyện… Khi đó, một số người dân sống ở quanh khu vực đường tàu, trong đó có anh Vũ Xuân Thủy (trú tại huyện Thường Tín) đã giơ tay đồng thời hét thật to: "Có tàu đấy, lùi xe lại" nhưng do đang mải nói chuyện nên Hùng vẫn cho xe đi.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Phường, Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết: Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín đã tạm giữ lái xe Hùng, đồng thời củng cố hồ sơ khởi tố đối tượng về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Đây là vụ tai nạn giao thông tại đường ngang nghiêm trọng thứ hai xảy ra trên địa bàn huyện Thường Tín trong hai năm qua. Song thực tế các vụ tai nạn giao thông này thường xảy ra tại các khu đường ngang, giữa đường sắt và đường bộ không có hệ thống rào chắn. Một kiến nghị được Thượng tá Phường đưa ra đó là ngành đường sắt cũng nên lắp đặt hệ thống rào chắn, có người canh gác. Nếu trước các điểm giao cắt, có hệ thống gờ giảm tốc thì cũng giúp nhắc nhở, lái xe có ý thức quan sát xung quanh.  

Danh sách 9 nạn nhân tử mạng trong vụ tai nạn đường sắt tại huyện Thường Tín gồm:

1. Phạm Văn Trinh

2. Lê Thị Thái (SN 1959)

3. Lê Thị Bảy (SN 1967)

4. Lê Thị Toàn (SN 1947)

5. Hà Văn Thịnh (SN 1990)

6. Trương Thị Hạnh (SN 1947)

7. Trương Thị Vy (SN 1947)

8. Phạm Văn Trường (SN 2008)

9. Hà Thị Phương (SN 1993)

Đều trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Vẫn chuyện 90% đường ngang dân sinh thiếu an toàn

Bé gái thoát chết vì được mẹ ôm chặt

Chị Luyến, sinh năm 1978, vừa qua ca mổ chấn thương sọ não tại Bệnh viện Việt Đức. Lúc đoàn tàu quét tới, hất tung đuôi xe, Luyến đã kịp thời ôm chặt con mình vào lòng. Vòng tay của mẹ đã bảo vệ an toàn cho bé Linh, giúp bé lành lặn thoát khỏi tai họa.

Được đưa vào Viện Nông nghiệp, Linh khóc đòi mẹ, không ai dỗ được. Chỉ tới khi nữ điều dưỡng Lê Thị Minh Lợi và dược sỹ Nguyễn Thị Lượm tới, bé mới chịu theo và nín khóc. Cả đêm 30-3, bé Linh được nữ điều dưỡng và dược sỹ chăm sóc, đến sáng 31-3, bé đã được giao lại cho người thân từ Thái Nguyên xuống.

Nạn nhân nặng nhất của vụ tai nạn vẫn chưa qua cơn nguy kịch

Vào lúc 18h ngày 31/3, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - nơi đang cấp cứu 2 nạn nhân bị chấn thương nặng nhất của vụ tai nạn. Được biết, ngay trong đêm 30/3, 2 nạn nhân này đã được các bác sỹ tiến hành phẫu thuật.

Ca mổ phục hồi gẫy xương cẳng chân của bác Lê Văn Thắng (54 tuổi) kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ, còn ca mổ sọ não của chị Luyến kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi. Cho đến sáng nay, tình trạng của bác Thắng đã không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình hình của chị Luyến vẫn còn khá phức tạp, do chấn thương sọ não rất nặng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, hiện vẫn chưa thể kết luận được gì. "Sáng nay (31/3), trong cuộc họp giao ban với anh em, tôi đã chỉ đạo Khoa Hồi sức cấp cứu cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân. Vụ tai nạn này đã lấy đi quá nhiều người rồi, chúng tôi không muốn mất mát thêm nữa. Chưa thể kết luận gì về tình trạng của cháu Luyến, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức" - ông Nguyễn Tiến Quyết khẳng định.

Chiều 31/3, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết: Qua kiểm tra cho thấy hệ thống cảnh báo ở đường ngang này đang hoạt động tốt. Đoạn đường đó cũng quang đãng chứ không bị vướng tầm nhìn.

Ông Doanh cho biết, theo phản ánh của người dân địa phương chứng kiến vụ tai nạn và nạn nhân trên xe, lúc đó người tài xế đang mải nghe điện thoại và cố vượt 1 chiếc xe tải, nên bị mất tập trung. Dù vậy, cũng còn điều khác phải nói đến, chính là việc thiếu an toàn của các đường ngang dân sinh, khi đến hơn 80% các vụ tai nạn đường sắt liên quan đến yếu tố này.

"Trong nguyên nhân của các vụ tai nạn, có sự cộng hưởng của 2 nguyên nhân, một là con người, 2 là hạ tầng. Đúng là các đường ngang dân sinh còn rất nhiều bất cập" - ông Nguyễn Văn Doanh cho biết. Nhiều khiếm khuyết của hạ tầng đường sắt đã được chỉ ra, nhưng chuyện khắc phục cho đến nay vẫn rất hạn chế. Theo thông tin được ông Phạm Văn Bình cung cấp, hiện cả tuyến đường sắt có khoảng 1.400 đường ngang hợp pháp, nhưng có đến 1.300 trong số đó không đảm bảo quy định an toàn giao thông.

Cụ thể, đường ngang vừa xảy ra tai nạn cũng không đảm bảo an toàn. Theo quy định, rào chắn đường bộ cắt đường sắt phải cách ít nhất là 15 mét, để ôtô có thời gian chờ cho tàu chạy qua. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các đường chỉ có rào chắn cách đường sắt khoảng 2 đến 3 mét. Chính vì thế, tai nạn rất dễ xảy ra nếu ôtô từ ngõ chạy ra gặp chướng ngại vật trên đường giao cắt, cần phanh lại.

Theo phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt của Cục Đường sắt Việt Nam trong năm 2010 cho thấy, trong tổng số 451 vụ tai nạn giao thông đường sắt có 13% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp, 87% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh tự mở trái phép. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn tại đường ngang chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông tại các điểm giao cắt chưa cao, không chú ý quan sát tàu khi đi qua đường ngang biển báo.

Mặc dù Cục Đường sắt Việt Nam cho biết kế hoạch khắc phục các khiếm khuyết trên các tuyến đường sắt đang được Tổng Công ty đường sắt triển khai, có lộ trình đến 2020, nhưng rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng và thương tâm cho thấy không thể kéo dài thời gian thêm được nữa. "Cần phải hối thúc phát triển nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch càng nhanh càng tốt" - ông Nguyễn Văn Doanh thừa nhận

V. Hân - H. Sen

Xuân Mai
.
.
.