Nhiều người "sập bẫy" chiêu mạo danh Công an gọi điện thoại lừa đảo

Thứ Bảy, 25/06/2016, 10:12
Vài năm về trước, cơ quan Công an liên tiếp phát hiện nhiều vụ giả danh công an gọi điện đến người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; có vụ, đối tượng tới Việt Nam lắp đặt thiết bị viễn thông để lừa đảo công dân ở nước ngoài; có vụ lừa đảo ngay tại Việt Nam... Chiêu lừa đảo này sau nhiều lần bị phanh phui, tưởng như đã cũ, nhưng thực tế, vẫn có trường hợp nạn nhân "sập bẫy".

Theo thông tin chúng tôi có được, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đang điều tra làm rõ vụ lừa đảo dưới hình thức gọi điện mạo danh công an. Nạn nhân là chị Ngô Thị Thu Q. (47 tuổi, trú tại Phú Mỹ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). 

Tối 20-6-2016, chị Q. nhận được một cuộc gọi điện thoại. Người gọi tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Người "cán bộ Công an" khẳng định qua điện thoại với chị Q. là chị này có liên quan đến vụ án, đồng thời yêu cầu chị Q. phải chuyển vào tài khoản cá nhân mang tên Phan Việt A, mở tại một Ngân hàng ở Hải Dương số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Chẳng hiểu động cơ nào xui khiến, chị Q. răm rắp thực hiện yêu cầu này. Đến 15h30 cùng ngày, số tiền đã được chuyển hết vào tài khoản của Phan Việt A. Nhưng sau đó, chị Q. đã trình báo sự việc với cơ quan Công an; song kẻ lừa đảo đã nhanh tay hơn rút hết số tiền hơn 2,5 tỷ đồng trước thời điểm tài khoản cá nhân trên bị phong tỏa.

Cùng một "kịch bản" tương tự, đối tượng Liu Wei Chun (người Đài Loan - Trung Quốc), vợ là Dương Thị Nguyệt, quê ở tỉnh Bạc Liêu cùng 3 đồng phạm gồm Nguyễn Văn Mộng, Lê Nguyễn Kiều Xuân và Huỳnh Hoàng Minh (đều trú tại tỉnh Bạc Liêu) đã cấu kết thành một ổ nhóm do Liu Wei Chun cầm đầu. Nhóm đối tượng này đã gọi điện thoại đến số máy bàn của gia đình bà N, trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Chúng tự xưng là cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, dọa bà N bị tình nghi liên quan đến một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia.

Bọn chúng yêu cầu bà N chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra xem số tiền của bà có liên quan đến tội phạm hay không; nếu không sẽ được trả lại trong vòng vài giờ. Bà N tưởng thật đã chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản do bọn chúng yêu cầu để chứng minh tiền của mình không liên quan đến mua bán ma túy. Nhưng đợi sau vài giờ không thấy số tiền được trả lại, bà N đã báo cơ quan công an. Khi các tài khoản của bọn lừa đảo bị đóng, thì chúng cũng đã kịp rút ra 225 triệu đồng.

Với phương thức trên, nhưng kẻ phạm tội có thể đưa ra nhiều chiêu trò khác nhau nhằm dụ nạn nhân vào tròng.

Bắt một nghi can lừa đảo qua điện thoại (ảnh CTV).

Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP Hà Nội có điều tra vụ án, nạn nhân là chị M, có hộ khẩu thường trú tại quận Hà Đông, Hà Nội bị một đối tượng gọi vào số máy bàn của gia đình thông báo về việc nợ cước điện thoại, số tiền nợ hơn 8 triệu đồng. Đối tượng này sau đó yêu cầu chị M ấn tiếp phím 0 để gặp cơ quan Công an. Đầu dây bên kia, người nói chuyện với chị M tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Tây Ninh.

 Với cách nói chuyện "rất Công an", người này thông báo cho chị M  biết thủ đoạn của bọn tội phạm công nghệ cao hiện nay thường  lấy trộm thông tin cá nhân để "hack" tài khoản tiền gửi ngân hàng; chị M cũng đang bị kẻ xấu "đánh cắp" tài khoản.

Để tránh bị mất tiền, kẻ mạo danh Công an yêu cầu chị M chuyển ngay toàn bộ số tiền có trong tài khoản của chị vào một tài khoản khác; sau đó ít hôm, "Công an" sẽ chuyển trả chị M số tiền có trong tài khoản. Tưởng thật, chị M đã làm thủ tục chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản của kẻ mạo danh Công an. Đợi mãi, không thấy "Công an tỉnh Tây Ninh" trả lại tiền, chị M sinh nghi, báo cho cơ quan công an.

Đọc những thông tin lừa đảo nêu trên, có người sẽ đặt câu hỏi vì sao nạn nhân lại nhẹ dạ đến mức như vậy? Thực ra, những kẻ lừa đảo đã nghiên cứu kỹ diễn biến tâm lý qua câu chuyện mà chúng trao đổi với nạn nhân nên nhiều người như bị u mê làm theo yêu cầu của bọn chúng.

Thực tế, cơ quan Công an khi làm việc với đương sự, người liên quan đến vụ việc nào đó đều gửi giấy mới tới trụ sở làm việc; cơ quan Công an không bao giờ yêu cầu đương sự chuyển tiền qua điện thoại và cũng không bao giờ sử dụng tài khoản cá nhân của một người nào đó để buộc đương sự phải chuyển tiền. Vì vậy, một lần nữa, người dân cần hết sức cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Khi người thân trong gia đình mình gặp phải những tình huống tương tự thì  không làm theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo mà kịp thời báo cho cơ quan công an để xử lý.

Đào Minh Khoa
.
.
.