Lừa đảo hàng chục triệu với quái chiêu 'giả giọng bạn tù'
- Giả danh quản giáo lừa chạy án cho bạn tù
- Đang bị tạm giam vẫn lừa bạn tù gần 3 tỷ đồng
- Bạn tù cũ rủ nhau lập đường dây buôn bán ma túy
Ngày 13-3, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Xuân Tình (27 tuổi, trú tại xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ án bắt đầu vào ngày 23-10-2015, nạn nhân M. (ở Lý Nhân, Hà Nam) nhớ lại. Hôm đó, như thường lệ M. và mẹ chồng đến Trại giam Nam Hà thuộc Tổng cục cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an thăm nuôi chồng và con là Nguyễn Văn Minh đang giam giữ và cải tạo ở đây.
Vừa về đến nhà máy điện thoại của mẹ chồng M. đã rung lên bởi một tin nhắn từ một số máy lạ. Người này hỏi rằng mẹ đã về nhà chưa…?
Trong vai Minh chồng M. (người đang bị án tù), đối tượng nói rằng “được phép” sử dụng điện thoại và yêu cầu M. chuyển tiền vào tài khoản mang tên Trần Mạnh Hùng.
Mặc dù nghi ngờ nhưng với nhiều câu trả lời khớp, M. tin tưởng rằng anh ta chính là chồng của mình. Bởi nếu là người lạ thì không thể biết rõ được việc thăm nuôi vào sáng cùng ngày.
Chiều hôm đó, M. cùng mẹ chồng tới một ngân hàng gửi 2,5 triệu đồng vào số tài khoản mang tên Hùng.
Đến tối, người tự nhận là chồng M. tiếp tục nhắn tin. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, anh ta nói rằng đang nhờ thầy quản giáo lo cho được giảm án trước Tết âm lịch… rồi yêu cầu M. và mẹ chồng vay hộ 25 triệu đồng gửi vào tài khoản đã cho.
Sau đó, M. gom toàn bộ số tiền trong nhà chỉ có 10 triệu đồng và ứng thêm 5 triệu đồng tiền lương để gửi vào tài khoản trên.
Tiếp đến, vào các buổi tối, M. đều đặn nhận được tin nhắn với những lời lẽ đầy yêu thương và cô tin đó là chồng của mình. Còn đối tượng này thì vẫn tiếp tục moi tiền.
Ngày 1-11-2015, số điện thoại trên vẫn nhắn vào máy điện thoại của gia đình nói rằng bị thua lô mất 500 điểm. Nếu trong 3 ngày không có tiền trả thì sẽ có người báo cáo cán bộ quản giáo về việc sử dụng ĐTDĐ trong buồng giam…
Đối tượng Tình tại cơ quan điều tra. |
Cứ thế, với nhiều lý do khác nhau, người này đã chiếm đoạt của gia đình M. 7 lần với số tiền gần 80 triệu đồng. Sự việc vỡ lở khi M. cùng gia đình vào thăm nuôi chồng vào cuối tháng 11-2015.
Đến lúc này, M. và mẹ chồng mới ngã ngửa rằng họ bị một đối tượng mạo danh lừa đảo chiếm đoạt tiền. “Của đau con xót” M. đã làm đơn trình báo đến Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Nam.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Nam đã khoanh vùng được đối tượng Tình, kẻ từng có một tiền án về tội cố ý gây thương tích vừa ra trại cách đó không lâu.
Tình bị bắt giữ tại một quán cà phê ở Hưng Yên. Khám người Tình, Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Nam thu giữ chiếc thẻ ATM đối tượng dùng để rút tiền của gia đình người bị hại và một số tang vật khác có liên quan đến vụ án.
Tại cơ quan điều tra, Tình khai nhận: Học hết lớp 9, rồi lêu lổng ăn chơi. Tình bỏ học và bị bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản nhưng cho hưởng án treo.
Sau đó Tình bị bắt về hành vi cố ý gây thương tích, thụ án tại Trại giam Nam Hà. Tình và Minh được sắp xếp ở cùng buồng giam.
Với rắp tâm thực lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bạn tù, Tình thường tìm hiểu về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của các phạm nhân ở cùng buồng giam, trong đó có trường hợp của Minh.
Tình được ra trại trước Minh. Minh có viết một mảnh giấy, ghi số điện thoại của mẹ đẻ và một số câu hỏi han về tình hình của gia đình rồi nhớ Tình cầm giúp ra bên ngoài.
Từng có thời gian sinh sống với Minh nên đối tượng có thể bắt trước được giọng nói, cách nói chuyện của Minh… Khi gia đình nạn nhân nghi ngờ về giọng nói thì Tình đưa ra các lý do như đang ở trong chăn, không được nói to vì sợ cán bộ quản giáo biết... Toàn bộ số tiền lừa đảo được, Tình đều nướng vào lô, đề.