Cam go cuộc chiến chống “cát tặc” trên sông Thạch Hãn
Nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn diễn ra dai dẳng, nhức nhối từ nhiều năm nay. Nhiều hécta đất sản xuất nông nghiệp, nhà cửa, lăng mộ, tài sản khác của người dân đã bị xâm hại, sụt lún, cuốn trôi bởi vấn nạn này.
Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Công an huyện Triệu Phong đã tổ chức hàng trăm lượt đẩy đuổi, bắt giữ và xử lý đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép. Theo đó, đơn vị đã xử phạt hành chính hàng chục trường hợp với tổng số tiền phạt hàng trăm triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn âm ỉ tồn tại, thậm chí không ít nơi còn “nóng” hơn, như ở khu vực sông Thạch Hãn qua các xã Triệu Giang, Triệu Thành, Triệu Thượng...
Công an Quảng Trị khám nghiệm hiện trường vụ một cán bộ Công an huyện bị tử vong khi đang thực hiện nhiệm vụ tại bờ sông Thạch Hãn thuộc xã Triệu Thành. |
Đêm 11-4, Thiếu úy Đạt cùng với đồng đội nhận nhiệm vụ đẩy đuổi, bắt giữ một số tàu thuyền đang đào, hút cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn, khu vực xã Triệu Thành, theo nguồn tin báo của nhân dân. Đến rạng sáng hôm sau, đơn vị và gia đình Đạt đau đớn nhận được tin dữ trên.
Sáng 12-4, lực lượng Phòng CSHS Công an Quảng Trị, Công an huyện Triệu Phong, các đơn vị nghiệp vụ khác của Công an tỉnh đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết thương tâm của Thiếu úy Đạt.
Hiện trường cho thấy, một tàu hút, chứa cát bên trong, đã chìm cách bờ sông Thạch Hãn chừng 2m, ở bờ Nam, tại bãi cát, sỏi tự phát thuộc xã Triệu Thành. Bên cạnh là chiếc canô làm nhiệm vụ vào đêm 11 rạng sáng 12-4 của Công an Triệu Phong đã neo vào bờ.
Thông tin ban đầu của chính quyền địa phương cho biết, vào rạng sáng 12-4, chiếc tàu đào, hút cát, sỏi trái phép kể trên đã bị lực lượng CSHS Công an huyện bắt quả tang, đưa vào bờ chờ xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình này đã xảy ra việc một cán bộ Công an bị tử vong, một cán bộ khác bị trọng thương.
Lâu nay, việc truy quét, đẩy đuổi, bắt giữ, xử lý các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn và các sông ngòi khác nói chung trên địa bàn Quảng Trị, gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Bên cạnh địa hình sông nước hiểm trở, các đối tượng “cát, sỏi tặc” thường rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện và bắt giữ.
Ông H.N, một người dân xóm Tả Bồi, thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang bức xúc: “Nạn khai thác cát, sỏi trái phép đã gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, làm mất đất đai sản xuất, nhà cửa, tài sản khác của người dân, nhưng người dân chúng tôi không làm gì được chúng. Sau nhiều lần phán ánh, kiến nghị chính quyền địa phương, nhưng không mang lại kết quả, bà con chúng tôi đã không ít lần tự tổ chức đẩy đuổi, nhưng bị bọn chúng (các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép - PV) vây đánh trả rất nguy hiểm”.
Không chỉ người dân, cán bộ chức năng xã Triệu Thượng (Triệu Phong), đã không ít lần bị các đối tượng “cát, sỏi tặc” chống trả quyết liệt, gây thương tích nặng, phải nhập viện điều trị dài ngày.
Theo ông Đặng Bá Đức, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Thành, việc chính quyền các cấp chưa tạo được sinh kế thay thế và bền vững cho không ít hộ dân mà lâu nay cơm áo của họ gắn liền với nghề khai thác cát, sỏi trái phép trên sông, là lý do họ mãi đeo bám, thực hiện hành vi vi phạm trên. Thứ hai, tại không ít địa phương vẫn còn tồn tại những bãi cát, sỏi tự phát mà chính quyền cấp trên và ngành chức năng liên quan đã không xóa bỏ triệt để theo thẩm quyền của họ. Thực tế này dẫn tới việc có bãi tập kết thì có hoạt động khai thác cát, sỏi chui, lậu.
Một nguyên nhân nữa, các ban, ngành chức năng liên quan không xóa bến bãi tự phát, nhưng cũng không tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền khảo sát, đánh giá, quy hoạch cấp phép cho các đơn vị khai thác cát, sỏi. Đó là những mâu thuẫn sâu sắc khiến cho nạn khai thác cát, sỏi trái phép tồn tại dai dẳng, không xử lý triệt để được, gây ra những hậu quả đáng tiếc.