Triển khai ngay đào tạo, nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở

Thứ Sáu, 21/01/2022, 08:38

Theo nhận định của Bộ Y tế, năm 2022 dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Việt Nam đã ghi nhận ca mắc biến thể Omicron trong cộng đồng, nguy cơ lây lan rất cao. Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng, chống.

Y tế cơ sở còn hạn chế

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức tại trụ sở Chính phủ vào sáng 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, ở đợt dịch thứ 4, thành  phố đã áp dụng mô hình bệnh viện 3 tầng hoạt động rất hiệu quả, giúp giảm nhiều ca tử vong. Góp phần giảm sâu ca mắc COVID-19 nặng là mô hình điều trị F0 tại nhà, huy động hệ thống trạm y tế lưu động và mô hình bệnh viện chị - em giúp chuyển tầng nhanh.

Đến ngày 19/1, TP Hồ Chí Minh giảm sâu ca mắc COVID-19, lần đầu tiên trong nhiều tháng TP còn 6 ca tử vong/ngày. Hiện, cả thành phố còn hơn 10.000 F0 điều trị tại nhà và hơn 200 ca bệnh nặng điều trị tại các bệnh viện. Theo Phó Chủ tịch thành phố, đây là con số giảm sâu nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Tuy nhiên, qua đợt dịch thứ 4 mới thấy hết vai trò đặc biệt quan trọng của y tế cơ sở và qua đó lực lượng này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo ông Dương Anh Đức, một phần do cơ chế chính sách nên y tế cơ sở chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, thiếu cả cơ sở vật chất và thiếu nguồn nhân lực.

Ông Đức ví dụ: Theo quy định, mỗi phường có 1 trạm y tế, số nhân viên không vượt quá 10 người, nhưng có nhiều phường xã, thị trấn của TP Hồ Chí Minh có trên 50 nghìn dân, thậm chí có phường còn tới 100.000 dân. Với sự chênh lệch đó, khi dịch bùng phát đã gây quá tải hệ thống y tế cơ sở. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho y tế cơ sở cũng hết sức khó khăn…

Để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị sớm trình Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Khám chữa bệnh, trong đó quy định bác sĩ đa khoa phải có thời gian thực hành ở tuyến y tế cơ sở; có chính sách hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ hàng tháng cho nhân viên y tế tuyến cơ sở…

Không riêng TP Hồ Chí Minh, khi dịch bùng phát ở Hà Nội cũng đã bộc lộ bất cập của y tế cơ sở. Nhiều F0 ở Hà Nội không gọi được y tế phường, xã do quá tải; người bệnh tự xét nghiệm và tự đến bệnh viện…

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nhiều địa phương chưa triển khai sát với hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm COVID-19, dẫn đến nguy cơ cao, rất cao phải điều trị tại nhà. Quản lý F0 tại nhà chưa tốt, một số trường hợp F0 tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế, một số trường hợp F0 báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời. Người bệnh nặng đến các cơ sở tầng 3 ở giai đoạn muộn do tự điều trị tại nhà hoặc chuyển tuyến chậm.

Điều phối chuyển viện, chuyển tầng chưa hợp lý, một số tỉnh chưa triển khai quản lý tại nhà các trường hợp không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, gây quá tải hệ thống bệnh viện. Người bệnh tự dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm; nhiều địa phương chưa tăng cường năng lực hồi sức tích cực.

xn (1).jpg -0
Nhân viên trạm y tế lưu động đến nhà phát thuốc cho người bệnh.

Đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cho y tế cơ sở

Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 19/1, Việt Nam ghi nhận gần 2,1 triệu ca nhiễm COVID-19. Theo thống kê, số tử vong đã giảm từ 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên 200 ca/ngày, chủ yếu người cao tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine (chiếm 70%). Số ca bệnh nặng giảm sâu (đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch tháng 8, 9. Tuy nhiên, số ca tử vong giảm so với thời kỳ đỉnh dịch nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, An Giang F0 tử vong có tới 85% trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cuộc chiến phòng chống dịch vẫn còn trước mắt, nếu biến thể Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Việt Nam đã ghi nhận ca mắc Omicron trong cộng đồng, nguy cơ lây lan trên diện rộng rất cao. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và cao gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ, nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, các biến chủng mới có thể xuất hiện. 

Hiện nay, F0 điều trị tại nhà chiếm số lượng rất lớn, y tế cơ sở còn chưa đáp ứng được khi dịch bùng phát. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu, lúc dịch bùng phát đã bộc lộ điểm yếu của y tế cơ sở và y tế dự phòng. Vì vậy, nhiệm vụ công tác y tế năm 2022 và những năm tới phải khắc phục ngay những điểm yếu của y tế dự phòng và y tế cơ sở. Bộ Y tế phải phân công và đưa ra lộ trình, giải pháp thực hiện thì mới làm kịp. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phải nhanh chóng rà soát lại chính sách, chế độ để làm sao thu hút nguồn lực y tế trong khám chữa bệnh, đặc biệt là thu hút nguồn lực tư nhân để phát triển ngành y tế.

“Bộ Y tế phải lo đào tạo nguồn nhân lực y tế để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài. Phải nâng cao năng lực trình độ của cán bộ y tế. Có các lớp đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách thu hút người học ngành y; có chính sách sau khi ra trường bác sĩ về cơ sở nhiều hơn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đô thị. Vì sao y tế cơ sở yếu, thiếu nhân lực? Ví dụ như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, bác sĩ rất ngại về trạm xá, làm việc ở tuyến y tế cơ sở. Muốn lôi kéo được đội ngũ này, phải có chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhiệm vụ trong năm 2022, Bộ tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường chất lượng khám chữa bệnh. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phụ hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên phải tăng cường hợn nữa công tác phòng, chống dịch. Theo Thủ tướng, vũ khí vaccine đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là mũi thứ 3 cho trẻ em. Ông đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu mũi vaccine thứ 4, đồng thời thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine COVID-19. Dự kiến sau Tết, các trường học ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh sẽ mở cửa đón học sinh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ đang đẩy mạnh nhanh chóng tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về chương trình tiêm vaccine không có ngày nghỉ Tết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ sẽ tập trung nâng cao năng lực giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn dịch diễn biến phức tạp. Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị.

Trần Hằng
.
.
.