Trẻ mắc Adenovirus, sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh tại Hà Nội

Thứ Hai, 03/10/2022, 15:09

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận hơn 800 ca mắc sốt xuất huyết và hơn 900 bệnh nhi nhiễm Adenovirus.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Thủ đô ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua (từ 24-30/9), nâng tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến nay lên hơn 4.700 ca mắc (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước), 5 ca tử vong. 

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 56 ổ dịch sốt xuất huyết mới, hiện còn 171 ổ dịch đang hoạt động. Đặc biệt, ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có tới 131 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho rất đông bệnh nhân sốt xuất huyết. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm thì 1/3 số bệnh nhân đang điều trị tại đây là bị sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng. Các bệnh nhân này đều có dấu hiệu cảnh báo như sốc, máu bị cô đặc, tăng men gan, tràn dịch đa màng, sốc,… đặc biệt là sốt xuất huyết trên người bệnh nền, phụ nữ có thai,.. Một số trường hợp bị sốt lại chẩn đoán nhầm sang cúm hoặc COVID-19 dẫn tới điều trị sai, nhập viện muộn và đều trong tình trạng nặng.

Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới nhận định, dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại Hà Nội, thời tiết mưa nhiều càng tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển. Dự đoán năm nay sốt xuất huyết bùng thành dịch lớn, tập trung vào cuối tháng 10 đến tháng 11 sẽ là “đỉnh” dịch của Hà Nội. Nếu kèm theo đồng nhiễm COVID -19, cúm, Adeno, các dịch bệnh mới nổi, tái nổi thì nguy cơ tăng nặng cao. 

Trẻ mắc Adenovirus, sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh tại Hà Nội -0
Bệnh nhi mắc cúm, Adenovirus, viêm đường hô hấp... đi khám tăng mạnh.

Tại các bệnh viện của Hà Nội số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện cũng tăng mạnh, ca bệnh nặng cũng tăng nhanh chóng. 

Bên cạnh đó, trẻ mắc virus Adeno, bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy cũng tiếp tục tăng. Theo Sở Y tế Hà Nội dẫn thông tin số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến ngày 29/9, Hà Nội đã ghi nhận 1.940 bệnh nhân dương tính với virus Adeno, tăng hơn 900 ca so với báo cáo cách đó 7 ngày. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận/huyện/thị xã. Ba trường hợp tử vong (Mỹ Đức 1, Phú Xuyên 1, Tây Hồ 1). 

Một số quận huyện ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (175 ca), Đống Đa (154 ca), Hoàng Mai và Nam Từ Liêm đều có 152 ca.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, nhiễm trùng Adenovirus hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Biểu hiện lâm sàng là viêm họng cấp, viêm đường hô hấp cấp, viêm màng não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột, viêm bàng quang và các bệnh lý khác như nôn, tiêu chảy…Hầu hết các nhiễm trùng do Adeno đều khá nhẹ.

Nhưng trong bối cảnh có COVID-19 và nhiều dịch bệnh đang lưu hành, nếu thêm Adeno vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây quá tải bệnh viện và bệnh có thể diễn tiến nặng hơn. Đặc biệt, khi virus Adeno “tấn công” trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém, trẻ có bệnh nền, gây viêm phổi bội nhiễm nguy cơ tử vong cao. Đã có những giả thuyết về kết hợp COVID-19 và Adeno là một trong những căn nguyên gây tình trạng viêm gan cấp “bí ẩn” ở trẻ em.

Trần Hằng
.
.
.