Những cuộc đời được hồi sinh từ tạng hiến

Thứ Năm, 20/07/2023, 07:21

Không may bị tai nạn giao thông (TNGT) trên đường đi làm về, nam công nhân ở Phú Thọ đã khép lại thanh xuân ở tuổi 32. Anh ra đi nhưng đã hiến tặng tim để hồi sinh sự sống cho 1 bệnh nhân ở Huế và hiến tặng gan, 2 thận cho 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức). 4 ca ghép tạng được thực hiện ngay sau đó, đã mang lại sự sống cho 4 người.

12 ngày sau ca ghép thận, anh N.T.K. (37 tuổi) đã bình phục khá nhiều, nói chuyện vui vẻ với các bác sĩ. Chạy thận từ 15 tuổi kéo dài tới nay đã được 22 năm, sức khoẻ của anh K ngày một suy kiệt. Biện pháp cuối cùng để cứu tính mạng chỉ có ghép thận, nếu không anh sẽ phải đối mặt với cái chết mòn. Anh K. không tìm được thận hiến từ người thân trong gia đình, bởi anh trai của anh cũng bị suy thận giai đoạn cuối, đã được bố hiến một quả thận. Anh nằm trong danh sách ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức lâu nay nhưng mãi vẫn chưa có người hiến.

IMG_7348_1-1689812987907.PNG
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị lấy tạng của bệnh nhân Th..

Ngày 5/7/2023, anh nhận được tin có 1 quả thận tương thích với các chỉ số  của mình, cơ hội được cứu sống rất lớn. Ngay sau đó là hàng loạt các thủ tục để chuẩn bị cho ca ghép thận được thực hiện. “Đây là một phép màu kỳ diệu cho gia đình có hai anh em đều bị bệnh thận nặng”, TS.BS Lê Nguyên Vũ, Phó Giám Đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Theo BS Vũ, người hiến tạng là anh Đ.V.Th. (Lương Sơn, Yên Lập, Phú Thọ) bị chết não do TNGT, anh đã hiến 1 quả tim, 2 quả thận, 1 lá gan. Cùng ngày 6/7, Bệnh viện Việt Đức thực hiện song song 4 bàn mổ, một bàn lấy tạng, 3 bàn ghép thận và gan. Quả thận thứ hai các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã ghép cho nữ bệnh nhân cao tuổi, bị suy thận rất nặng. Điều đặc biệt là bệnh nhân nữ này rơi vào nhóm máu hiếm, tức là bệnh nhân hiến thận và nhận thận đều cùng nhóm máu. Sau 3-4 ngày được ghép thận mới, bệnh nhân đã hết tình trạng suy thận, trở về chỉ số bình thường. Chia sẻ về 2 ca ghép này, BS Vũ cho biết: “Bệnh viện đã ưu tiên ghép thận cho người bệnh suy thận nhiều năm”.

Lá gan của anh Th. được ghép cho nam bệnh nhân 48 tuổi, có tiền sử viêm gan B, dẫn đến suy gan trầm trọng và có chỉ số tương thích để nhận gan hiến. Theo bác sĩ Hoàng Tuấn, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 12 ngày sau ghép, bệnh nhân đã hồi phục tốt. “Tôi không biết người cho gan mình là ai, nhưng được sống lại, tôi vô cùng cảm kích ân nhân đã cứu mình”, bệnh nhân xúc động cho biết.

Về quả tim, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thực hiện điều phối chuyển tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho nam bệnh nhân 31 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn-suy tim 13 năm. Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, ban đầu các bác sĩ đã tính toán sát thời gian để phẫu thuật lấy tim hiến đưa đến sân bay Nội Bài kịp thời máy bay cất cánh. Thế nhưng thời gian cuộc phẫu thuật đã kéo dài hơn so với dự kiến. Nhiều phương án được đặt ra, trong đó có phương án đưa quả tim lên một chuyến bay khác muộn hơn và hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng lên xe cấp cứu vượt hơn 100km về Huế đã được tính đến. Nhưng 4 đồng hồ là khoảng thời gian tốt nhất để quyết định thành công của một ca mổ ghép tim.

Tuy nhiên, may mắn đã đến, với sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hãng hàng không Bamboo Airways, đã thực hiện hành trình đặc biệt “chạy đua” với thời gian chở theo trái tim từ Hà Nội vào Huế trong tối 6/7.

Ngay trong đêm đó, ca ghép tim xuyên việt đã diễn ra thành công. Đến chiều 7/7, bệnh nhân được ghép tim đã hồi tỉnh, có thể nhận biết chào hỏi mọi người.

Nam công nhân Đ.V.Th. vốn là niềm hy vọng cuối cùng của gia đình vô cùng hoàn cảnh, neo đơn khi anh trai của Th. đã mất vì TNGT vào 16 năm trước. Mẹ của Th. cũng vì bệnh trọng qua đời từ hơn 1 năm trước. Cuộc sống 2 bố con vô cùng khó khăn nhưng luôn nương tựa vào nhau. Bố Th. luôn thúc giục con trai mình yên bề gia thất để ông có cháu nội bế ẵm. Nhưng rồi người con trai duy nhất của ông đã không may bị TNGT trên đường đi làm về. Anh được đưa vào Bệnh viện Dân Lập (Phú Thọ), sau chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương rất nặng.

Tình trạng chấn thương của Th. quá nặng, mặc dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng Th. rơi vào tình trạng chết não. Khi biết con không thể qua khỏi, với sự vận động của Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, gia đình đã đồng ý hiến mô/tạng của Th. để hồi sinh sự sống cho những người bệnh nặng khác.

Dù thanh xuân của chàng trai khép lại ở tuổi 32 nhưng sự sống vẫn được tiếp nối.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu như năm 2014 cả nước mới có 283 ca ghép tạng thì đến năm cả nước đã thực hiện được khoảng 7.600 ca. Trước đây, chỉ những bệnh viện lớn như: Hữu nghị Việt Đức, 103, 108, Trung ương Huế, Chợ Rẫy mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng, thì nay nhiều bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm chủ được kỹ thuật cao này, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo.

Trần Hằng
.
.
.