Nhiều câu hỏi “nóng” của người dân liên quan tới dịch bệnh, điều trị

Thứ Sáu, 05/08/2022, 11:51

Ai cần phải tiêm vaccine đậu mùa khỉ? Sở Y tế đã có kế hoạch gì trong việc kiểm soát việc tăng giá thuốc điều trị cúm A tại TP Hồ Chí Minh? Khắc phục việc các bệnh viện Nhi đang thiếu thuốc trị hội chứng thận hư ở trẻ ra sao? Việc bác sĩ khoa cấp cứu bị hành hung, bị doạ giết sẽ xử lý ra sao?,… là những câu hỏi rất nóng được gửi tới lãnh đạo sở y tế TP Hồ Chí Minh trong và sau cuộc họp chiều 4/8.

Ai cần phải tiêm vaccine đậu mùa khỉ?

Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch vào chiều 4/8 tại khu vực TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin: “Theo bác sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine tiêm đại trà cho người dân. Việc tiêm chủng vaccine đậu mùa khỉ có thể được tiến hành cho các nhóm đối tượng như sau: người đã tiếp xúc với người bệnh (tiêm phòng sau phơi nhiễm); người hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh - tiêm chủng chủ động cho nhóm này để phòng ngừa lây nhiễm gồm: nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm. Hiện tại căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích, cộng thêm virus đậu mùa khỉ không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này”.

Sở Y tế thành phố nhận nhiều câu hỏi “nóng” của người dân liên quan tới dịch bệnh, điều trị -0
Bà Quỳnh Như đại diện ngành Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin tại cuộc họp chiều 4/8.

Bà Như cũng cho biết, hiện, Bộ Y tế đã có văn bản Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.  Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch triển khai sớm tới tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, trong đó lưu ý 3 nhóm đối tượng gồm: Trẻ nhỏ - phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.

Tính đến 18 giờ ngày 3/8/2022, thành phố ghi nhận có 613.846 trường hợp mắc COVID-19 (tăng 157 ca so với ngày 02/8/2022), bao gồm 612.888 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh. Hiện các cơ sở y tế trong TP đang điều trị 135 bệnh nhân, trong đó: có 02 trẻ em dưới 16 tuổi. Riêng trong ngày 03/8: ghi nhận có 21 bệnh nhân nhập viện, 15 bệnh nhân xuất viện, không có trường hợp tử vong.

Sở Y tế thành phố nhận nhiều câu hỏi “nóng” của người dân liên quan tới dịch bệnh, điều trị -0
Sở y tế cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm.

Nghiêm cấm hành vi lợi dụng dịch để găm hàng, tăng giá thuốc

Đề cập tới việc đảm bảo việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir), bà Quỳnh Như cũng thông tin: ngày 01/8/2022, Sở Y tế TP đã ban hành công văn hướng dẫn việc đảm bảo cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa. Sở Y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Chưa ghi nhận trường hợp nào tấn công, đe dọa y bác sĩ bị xử lý hình sự

Liên quan đến vụ bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định bị bóp cổ, dọa giết xảy ra vào tối 27/7/2022. Đại diện Sở y tế  cũng cho biết, trong sáng ngày 28/7/2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã trình báo và được Công an Phường 7, quận Bình Thạnh tiếp nhận sự việc. Chiều  28/7/2022, Công an quận Bình Thạnh đã t tiến hành dựng lại hiện trường tại khoa Cấp cứu để phục vụ cho công tác điều tra. Bệnh viện cũng đang phối hợp cung cấp hồ sơ, chứng cứ, hình ảnh theo yêu cầu của Công an Quận Bình Thạnh.

Ngay khi  tiếp nhận báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định về sự việc trên, Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an Thành phố xác minh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đồng thời Đại diện Ban Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo Bệnh viện và các tổ chức đoàn thể đến thăm hỏi, trấn an và động viên nhân viên Khoa Cấp cứu cùng bác sỹ bị hành hung.

Sở Y tế cũng cho biết, thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế chưa ghi nhận trường hợp nào hành hung, tấn công, đe dọa y bác sĩ khi đang làm việc tại đơn vị bị xử lý hình sự.

Khẩn trương cập nhật phác đồ điều trị Hội chứng thận hư ở trẻ em

Vừa qua, Bảo hiểm xã hội thành phố đã có thông báo tạm dừng thanh toán thuốc Mycophenolate và Tacrolimus trong phác đồ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em gây bức xúc và lo lắng cho các phụ huynh có con em mắc bệnh này. Giải thích về vấn đề này, Bà Quỳnh Như cũng cho biết, trong việc điều trị căn bệnh này, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Hội chứng thận hư tại quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 7/8/2015, trong đó thuốc Mycophenolate chỉ được sử dụng trong trường hợp “Hội chứng thận hư kháng thuốc”.

Tuy nhiên, theo các hướng dẫn điều trị chuẩn trên thế giới và đã được cập nhật trong phác đồ điều trị của Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi Trung ương thì thuốc Mycophenolate, Tacrolimus thuộc nhóm thuốc điều hòa miễn dịch được sử dụng trong Hội chứng thận hư kháng thuốc, thể phụ thuộc hoặc tái phát thường xuyên sau khi đã điều trị Corticoid không đáp ứng. Đây là những thuốc không thể thay thế trong các tình huống điều trị bệnh lý nêu trên.

Vào ngày 21/4/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản số 1398/BHXH-DVT cho phép tiếp tục thanh toán BHYT thuốc Mycophenolate và Tacrolimus theo Thông tư 40/2014/TT-BYT. Tuy nhiên, ngày 21/7/2022, cơ quan BHXH Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 658/BHXH-GĐ2 tạm dừng thanh toán thuốc Mycophenolate, Tacrolimus trong điều trị Hội chứng thận hư theo Thông tư 30/2018/TT-BYT.

Sở Y tế đã tổ chức họp khẩn với đại diện Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo bệnh viện và các chuyên gia về Thận của các bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Tại cuộc họp, các chuyên gia khẳng định thuốc Mycophenolate và Tacrolimus không thể thiếu trong điều trị Hội chứng thận hư kháng thuốc, thể phụ thuộc hoặc tái phát thường xuyên theo các hướng dẫn điều trị chuẩn trên thế giới và các tài liệu y học chứng cứ.

Sở Y tế đã phân công 3 bệnh viện Nhi khẩn trương thống nhất, cập nhật phác đồ điều trị Hội chứng thận hư ở trẻ em và trình Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế thông qua để áp dụng chung cho các bệnh viện có chuyên khoa nhi toàn thành phố. Đồng thời Sở Y tế đã có Công văn đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh tiếp tục thanh toán thuốc Mycophenolate có chỉ định sử dụng trong bệnh nhi bị Hội chứng thận hư đang điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn Thành phố.

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bệnh nhi bị Hội chứng thận hư và không bị gián đoạn điều trị, gây nguy hiểm đến tính mạng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét sớm cập nhật phác đồ điều trị Hội chứng thận hư ở trẻ em đã được ban hành tại Quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 7/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Huyền Nga
.
.
.