Nhân lên hy vọng cho những người đàn ông khao khát được làm cha

Thứ Tư, 12/04/2023, 07:45

Mắc bệnh “vô tinh”, nhiều ông chồng bật khóc khi cầm trên tay kết quả “không có tinh trùng”. Cuộc tìm kiếm mụn con của họ trở nên tuyệt vọng, có người đồng ý cho vợ xin tinh trùng, có người muốn giải thoát để vợ đi bước nữa.

Nhưng hiện nay, nhờ những kỹ thuật can thiệp hiện đại, những ông chồng “vô tinh” đã có cơ hội được làm cha, thỏa mãn khát khao ôm con, đem đến hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Vi phẫu để tìm “tinh binh”

Kết hôn năm 2019, chị Phan Thị Mùi và anh Phan Duy Tùng (SN 1987, Phú Thọ) mãi không có con. Đưa nhau đi khám, hai vợ chồng bàng hoàng khi nhận được kết luận, anh Tùng không có tinh trùng trong tinh dịch. Bác sĩ giải thích, nguyên nhân là do anh Tùng bị đột biến mất đoạn AZFc trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y dẫn đến vô tinh trong tinh dịch. Nhiều người khuyên vợ chồng họ xin tinh trùng trong ngân hàng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nếu muốn có con.

Khát khao có được đứa con của chính mình, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục đi khám. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh Tùng được chỉ định thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE – phương pháp cứu cánh cuối cùng của nam giới vô tinh do đột biến nhiễm sắc thể. Sau khi chọc trứng, chị Mùi ngồi chờ anh Tùng ngoài phòng phẫu thuật.

Nhân lên hy vọng cho những người đàn ông khao khát được làm cha -0
Giấc mơ làm cha của anh Phan Duy Tùng trở thành hiện thực.

“Mới đầu, trong lòng còn khấp khởi hy vọng nhưng 30 phút rồi đến 120 phút trôi qua, anh vẫn chưa ra khiến mình thực sự lo sợ vì thời gian trong phòng mổ càng lâu chứng tỏ ca mổ khó khăn”, chị Mùi kể lại.

Dù số lượng tinh trùng được tìm thấy không nhiều nhưng hai vợ chồng đã may mắn tạo được 5 phôi và có hai cơ hội chuyển phôi. Tuy nhiên, hạnh phúc trọn vẹn vẫn chưa tới với gia đình họ khi 2 lần chuyển phôi đều không có kết quả. Vẫn không từ bỏ hy vọng, thời gian ngắn sau, anh Tùng thực hiện vi phẫu tìm tinh trùng lần hai. Số “tinh binh” ít ỏi thu được sau mổ được thụ tinh với số trứng đã trữ đông trước đó của vợ. Lần này, tuy chỉ có một cơ hội chuyển phôi duy nhất, nhưng họ có linh cảm thành công. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười, chị Mùi đậu thai thành công ở lần chuyển phôi thứ 3. Niềm vui trọn vẹn sau 9 tháng 10 ngày hoài thai, vợ chồng họ đã có đứa con đầu tiên là bé gái Phan Thanh Ngọc Diệp chào đời vào ngày 28/2/2022 ở tuần thứ 39, nặng 4kg.

“Con giờ hơn 1 tuổi nhưng nhiều lúc tôi vẫn không tin là sự thật, không nghĩ rằng mình may mắn có được đứa con”, anh Tùng xúc động kể lại.

Trường hợp của vợ chồng anh Tùng khiến tôi nhớ lại hoàn cảnh tương tự của vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Linh và chị Nguyễn Thị Hường, ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khi cầm kết quả khám bị “vô tinh”, anh Linh đã bật khóc. Anh đã từng chấp nhận cho vợ đi xin tinh trùng, nhưng 2 lần chuyển phôi đều không đậu. Sau 5 năm chán chường và tuyệt vọng, vợ chồng anh tình cờ ra khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, lúc này mới biết đến phương pháp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. May mắn mỉm cười với anh khi bác sĩ cũng “bới” được 10 con tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm.

“Lúc vợ em báo tin đậu thai rồi, em mừng khôn tả. Ngày con chào đời, em vẫn không tin là sự thực. Bế con trên tay mà em run lắm”, anh Linh kể. Bé Nguyễn Phương Anh chào đời ngày 18/3/2021 đã mang đến hạnh phúc vô bờ cho gia đình anh Linh sau 6 năm tuyệt vọng vì nghĩ rằng anh không bao giờ có cơ hội được làm cha.

Nhân lên hy vọng

Theo các chuyên gia hỗ trợ sinh sản, nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% các trường hợp vô sinh nam. Vô tinh có thể hiểu là tình trạng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch, kể cả li tâm, lắng cặn cũng không thấy tinh trùng. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thứ nhất, do đường dẫn (bị tắc hoặc không có ống dẫn tinh bẩm sinh). Thứ hai, do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng, tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc thì có thể mổ vi phẫu để tìm từng tinh trùng rồi tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi và chuyển vào tử cung người phụ nữ.

Theo ThS. BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: “Đột biến mất đoạn AZF là tình trạng mất đi một vùng nào đó trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y gây nên hậu quả với các mức độ khác nhau tùy theo vị trí của vùng như vô tinh, thiểu năng tinh trùng hoặc các bất thường chức năng của tinh trùng dẫn đến vô sinh ở nam giới. Đột biến mất đoạn AZF được phân thành các loại dựa theo các vị trí, trong đó loại thường gặp nhất là AZFc như trường hợp của anh Tùng, chiếm khoảng 80%. Nam giới không có tinh trùng do đột biến mất đoạn AZF vẫn có cơ hội được làm cha nhờ phương pháp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE và thụ tinh trong ống nghiệm”. Nhờ ứng dụng thành công công nghệ kỹ thuật mới, nhiều ông chồng không có “tinh binh” đã có được mụn con và cũng nhân lên rất nhiều hy vọng cho cánh mày râu mắc “vô tinh”. Đến nay, phương pháp mổ Micro TESE tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã giúp cho hàng trăm ông chồng “vô tinh” có con thành công.

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Trong hành trình chữa vô sinh, hiếm muộn, rất nhiều cặp vợ chồng nghèo không có điều kiện làm thụ tinh trong ống nghiệm. Vì vậy, 9 năm nay, bệnh viện đã tổ chức chương trình “Tuần lễ Vàng – Ươm mầm hạnh phúc” miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn và nhiều gói hỗ trợ khác. Năm nay, ngoài miễn phí 100% thụ tinh ống nghiệm cho 10 cặp vợ chồng, chúng tôi còn hỗ trợ miễn phí 10 ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng qua hình thức nộp hồ sơ xét duyệt gửi về Bệnh viện Nam học từ 19/4-14/5. Hy vọng, với những gói hỗ trợ thiết thực này, các gia đình hiếm muộn sẽ sớm đón được con yêu”.

Trần Hằng
.
.
.