Khoảng 13.000 trẻ mắc lao một năm, cần chiến lược phòng, chống mạnh mẽ

Chủ Nhật, 08/01/2023, 09:27

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 170.000 ca nhiễm lao mới, nếu không được phát hiện và điều trị thì tỷ lệ tử vong sẽ khoảng 20%, nhưng được tiếp cận và điều trị, tỷ lệ tử vong hiện chỉ còn khoảng 3%.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số bệnh nhân lao mới trên người lớn vào năm 2021 tăng 3,6% so với năm 2020. WHO ước tính số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-20% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hàng năm. Theo ước tính trên, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.

Thấy con gái 4 tuổi sốt, ho, chị Nguyễn Thị Thuý (Hà Nam) đưa con đi khám bác sĩ tư cho kết quả bị viêm họng. Nhưng uống thuốc nhiều ngày cháu bé vẫn không khỏi, ho càng nhiều, tới khi cháu bé ho ra máu, sụt cân, gia đình mới cho lên bệnh viện tuyến trên. Kết quả sàng lọc lao cho thấy, cháu bé mắc lao phổi.

Khoảng 13.000 trẻ mắc lao một năm, cần chiến lược phòng, chống mạnh mẽ -0
Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh, 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Ảnh minh hoạ

Các chuyên gia đều cho rằng, bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện hơn ở người lớn do triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, rất nhiều ca bệnh chỉ khi có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sụt cân kéo dài…gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao và đưa đi khám. Về yếu tố lâm sàng, do lượng vi khuẩn lao trong nước bọt, đờm của trẻ thường thấp, nên việc chẩn đoán lao cũng phức tạp hơn.

Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh, 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, phần lớn các ca bệnh này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn. Trong khi đó, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao. Đặc biệt, triệu chứng lao ở trẻ em khác với người lớn, không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, nên khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác, dễ chẩn đoán nhầm.

Tương tự, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương PGS.TS Nguyễn Bình Hoà cũng cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao vì miễn dịch của trẻ em yếu. Đặc biệt là trẻ sống trong gia đình có người mắc lao phổi, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn trẻ khác, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, trẻ nhiễm HIV…

Chuyên gia cũng cho rằng, một số trẻ đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó – hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Trong trường hợp này, gia đình vẫn nên cho trẻ đi sàng lọc, điều trị lao tiềm ẩn ngay.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, việc ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ điều trị mới đã giúp làm giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới, với tỷ lệ giảm là 4,5% mỗi năm tại Việt Nam so với 1,5% mỗi năm trên toàn cầu. Dịch tễ lao giảm trong 10 năm qua đã giúp tiết kiệm được 8.781 tỷ đồng, tương đương với ngăn ngừa 284.000 mắc lao mới nếu không có các biện pháp phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, hàng năm, nước ta vẫn còn phát hiện nhiều ca mắc lao mới, đặc biệt là người mắc lao trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện và điều trị kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang người lành. Trong đó, trẻ em mắc lao đang là mối lo ngại mới. Vì vậy, phát hiện và điều trị lao sớm cho trẻ là ưu tiên hàng đầu để tiến tới chấm dứt bệnh lao.

Hoàng Ngọc Tùng
.
.
.