Hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong

Thứ Năm, 24/02/2022, 09:05

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội cho biết, vừa qua đã có trên 300.000 sinh viên quay lại trường học ở Hà Nội. Số sinh viên là F0 tăng cao, một số trường đã có sự lúng túng.

Ông Sơn yêu cầu các trường phải đưa sinh viên là F0 về chăm sóc khi các chủ nhà trọ không tiếp nhận, không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào.

Sinh viên là F0 phải được chăm sóc chu đáo

Ngày 23/2, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Theo báo cáo của Sở Y tế, tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng cao. Có ngày ghi nhận 6.860 ca và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo.

Hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong -0
Dù số ca mắc COVID-19 tăng cao nhưng các bệnh viện của Hà Nội đã chuẩn bị 8.500 giường (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em), vẫn còn trống 40%.

Sở Y tế khẳng định, dịch bệnh vẫn được kiểm soát bởi các biện pháp cụ thể như: Công tác phòng, chống COVID-19 được tập trung vào tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ sớm, từ cơ sở… Công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24h tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân.

Việc tiêm vét theo chỉ đạo của Thủ tướng cơ bản hoàn thành… Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%. Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, số ca tăng cao cơ bản nằm trong dự báo của TP. Mỗi quận, huyện cần có thêm các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa thông tin, tuần qua, số học sinh đi học trực tiếp có giảm. Cụ thể, học sinh khối THPT những ngày đầu đi học với tỷ lệ trên 90%, tuần qua giảm xuống xuống 75,4%; học sinh khối THCS đến trường còn 77,02%; học sinh tiểu học ở các huyện đến trường còn 79%. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội cho biết, vừa qua đã có trên 300.000 sinh viên quay lại trường học ở Hà Nội. Số sinh viên là F0 tăng cao, một số trường đã có sự lúng túng.

“Chiều 22/2, Đảng ủy khối đã họp với Bí thư, Hiệu trưởng các trường với thông điệp: Không cấm sinh viên quay lại trường mà trường phải chuẩn bị chu đáo, phải kiểm soát được: Có khu cách ly, có người chăm sóc với đầy đủ cơ sở vật chất. Việc đưa sinh viên về Hà Nội học ưu tiên sinh viên năm đầu và năm cuối”, ông Sơn chia sẻ.

Các trường phải đưa các em F0 về chăm sóc khi các chủ nhà trọ không tiếp nhận, không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Sinh viên là F0 phải được chăm sóc chu đáo. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để chủ các nhà trọ có sự chia sẻ, không quá lo sợ, cũng không nên quá chủ quan lơ là… Các trường phải thay đổi kế hoạch, bình tĩnh chủ động ứng phó với các tình huống.

Chủ động chuẩn bị giường bệnh

Để đảm bảo các hoạt động thông suốt, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh quan điểm, các cơ quan - đơn vị phải bố trí cán bộ phù hợp với biện pháp phòng dịch. “Kết hợp làm việc online và trực tiếp. Đi kèm với đó là cách ứng xử thích ứng an toàn của toàn xã hội cho phù hợp. Lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo việc ăn nghỉ, sinh hoạt của học sinh, sinh viên F0 tại các khu nhà trọ gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở với thái độ rõ ràng. Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy, các Sở chuyên ngành sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất. Đơn vị nào vi phạm, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm”, ông Dũng yêu cầu. TP nhất quán phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương.

Các kiến nghị của cơ sở đề xuất khẩn trương, kể cả qua điện thoại để TP đồng hành tháo gỡ khó khăn kịp thời. Nêu việc địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai vừa qua quá tải trong xét nghiệm, khi có hơn 90.000 dân mà chỉ có 10 nhân viên y tế, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải chủ động có phương án tăng cường lực lượng cho các địa bàn "nóng"...

Số ca mắc mới tăng nhanh, trung bình những ngày gần đây là 5.128 ca/ngày. Bên cạnh đó, việc cho phép mở cửa các dịch vụ, du lịch, hàng không, thời tiết lạnh là những diễn biến mang lại nhiều thách thức. Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gene các ca bệnh ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron.

Điều này được TP dự báo từ trước và đã triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể. Đánh giá về dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP phân tích rõ tình hình: “97% là ca nhẹ, không triệu chứng và TP vẫn luôn chủ động chuẩn bị 8.500 giường (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em). Hiện dư địa vẫn còn 40%.

Bên cạnh đó là các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19. TP có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi ngay khi cần thiết. Bệnh viện Đức Giang có thể tập trung chuyên điều trị bệnh nhân tầng 3”. Để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn nữa, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị phải có thái độ bình tĩnh và tư tưởng thích ứng an toàn nhưng không chủ quan; vẫn kiên trì với quan điểm phân cấp đến các quận, huyện, thị xã và “4 tại chỗ”; tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở (tập trung quản lý F0 tại nhà; không để tình trạng F0 không có thông tin; đảm bảo các túi thuốc A, B, C; tăng cường tập huấn hướng dẫn chủ động và nhuần nhuyễn; điều phối các lực lượng hiệu quả cao nhất...

“Phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ngọc Yến
.
.
.