Gia tăng trẻ em mắc bệnh đái tháo đường

Thứ Ba, 14/11/2023, 07:28

Đái tháo đường được ví là căn bệnh “giết người thầm lặng” khi cứ 5 giây trên thế giới lại có 1 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường và còn rất nhiều người trong giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng chưa được phát hiện. Đáng báo động là trẻ em mắc đái tháo đường đang gia tăng. Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường (14/11) năm nay, Bộ Y tế kêu gọi người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng bệnh, để ngăn chặn sự gia tăng của căn bệnh nguy hiểm này.

Hơn 1.700 trẻ em mắc đái tháo đường

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó 5-7% là tuýp 1. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi mắc đái tháo đường tuýp 1, cơ thể sản xuất rất ít hoặc không sản xuất insulin. Trong vài năm trở lại đây, ngày càng gia tăng người trẻ mắc đái tháo đường, trong đó có trẻ em. Đái tháo đường tuýp 1 cần được điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.

Gia tăng trẻ em mắc bệnh đái tháo đường -0
Người dân cần thường xuyên tầm soát đường huyết để kịp thời phát hiện bệnh.

Vào đầu tháng 11/2023, Phòng Khám Nhi – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân Đ.M.Q (4 tuổi, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) vào khám trong tình trạng ho, sốt. Theo mẹ của cháu Q, từ trước đến nay cháu không phát hiện mắc bệnh lý gì. Trong vòng 3 tuần gần đây cháu sút 3kg và đi tiểu nhiều vào ban đêm.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu trong tình trạng nhiễm toan nặng và lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l. Mẹ của bé đã sốc khi hay tin con mắc đái tháo đường rất nặng. Ngay trong đêm nhập viện cháu bé đã bị hôn mê, phải thở máy. Đây là trường hợp mắc đái tháo đường trẻ em không được phát hiện sớm, dẫn tới biến chứng hôn mê, nhiễm toan nguy hiểm tới tính mạng. Sau khi được điều trị hồi sức tích cực 3 ngày, cháu bé đã tỉnh, các biện pháp kiểm soát đường huyết đã chuyển sang phác đồ tiêm insulin. 

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, theo dự báo của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, số trẻ em từ 0-19 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1 là 1.211.900 ca, trong đó mỗi năm có thêm 149.500 ca mắc mới. Tại Việt Nam, số liệu tích lũy đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên qua các năm. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như 10 năm trước, mỗi năm bệnh viện khoảng 10 ca đái tháo đường/năm, thì những năm gần đây, lên tới cả trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường. Trong 1.000 ca tại Bệnh viện Nhi đang theo dõi và điều trị, có khoảng 30% số ca ở Hà Nội, còn lại 70% số ca mắc ở các tỉnh lân cận. Việc đi lại từ các tỉnh về Hà Nội điều trị đã ảnh hưởng đến học tập của trẻ em, cũng như tạo gánh nặng cho gia đình.

Còn tại Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, trẻ em mắc đái tháo đường đến khám gia tăng theo từng năm. Nhiều trẻ rất gầy nhưng đã phải nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 ở mức đường huyết cao. Theo BS Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết cho biết, trước đây nhiều người nhầm lẫn cho rằng đái tháo đường tuýp 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường tuýp 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ như cha mẹ hoặc anh, chị, em mắc bệnh này.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Đái tháo đường là bệnh gây ra nhiều biến chứng cho sức khoẻ như tim mạch, mắt, thần kinh, là nguyên nhân chính gây suy thận và rất nhiều biến chứng khác. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản ký Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045.

Đái tháo đường trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường cũng là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong trên thế giới trong năm 2021. Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi.

Theo đánh giá của IDF, chỉ 1/3 số người mắc đái tháo đường ở Việt Nam được chẩn đoán phát hiện, nghĩa là có hơn 2,5 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của mình. Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, 70% trường hợp đái tháo đường tuýp 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống lành mạnh.

TS Vương Ánh Dương cũng cho biết thêm, theo điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, chỉ khoảng hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, nhưng 10 năm sau (2022), con số này đã tăng gần gấp đôi là 7,3%. Vì vậy, các biện pháp phòng chống đái tháo đường phải được triển khai cấp bách nhằm ngăn chặn sự gia tăng của căn bệnh này, đặc biệt là công tác truyền thông, để người dân phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, các cơ sở y tế xác định phòng, kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, bảo vệ sức khoẻ của người dân không mắc bệnh đái tháo đường hoặc sống chung có chất lượng với bệnh đái tháo đường.

Trần Hằng
.
.
.