F0 đóng cửa tự điều trị tại nhà gây hệ lụy rất nguy hiểm

Chủ Nhật, 16/01/2022, 07:17

Mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 3.000 ca mắc COVID-19. Từ nay đến Tết Nguyên đán, dự kiến số F0 còn tiếp tục tăng. Thủ đô hiện có 58.195 F0 đang điều trị, trong đó có hơn 47.000 F0 điều trị tại nhà. Nhiều F0 đã rất hoang mang khi bệnh chuyển nặng không liên lạc được với y tế cơ sở và tự đến bệnh viện nhưng bị từ chối.

Vậy, quy trình tiếp nhận F0 ở Hà Nội ra sao, nếu họ không liên hệ được với y tế cơ sở thì họ phải làm gì? Giải pháp nào để giải quyết tình trạng này, đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch? Phóng viên (PV) Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, dù số F0 của Thủ đô lên tới hơn 3.000 ca mỗi ngày, tuy nhiên trong cuộc họp mới đây tại Thành ủy, đại diện Sở Y tế khẳng định tình hình dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát. Ông có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?

tro.jpg -0
TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

TS.BS Nguyễn Đình Hưng: Tính đến hết ngày 14/1, Hà Nội đang điều trị cho 58.195 F0. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (135), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), các bệnh viện thuộc Hà Nội (3.299), cơ sở thu dung của thành phố (1.385), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.844). Ngoài ra, 47.314 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.

Tính đến ngày 13/1, Thủ đô có 3.242 F0 nằm viện ở tầng 2 và 3, trong đó có 36 bệnh nhân nguy kịch (chiếm 0,06%/tổng số F0), 457 bệnh nhân nặng (0,84%) và 2.182 trung bình (4,03%). Riêng bệnh nhân nhẹ là khoảng 51.000 F0 (95,04%), chủ yếu là điều trị tại nhà hoặc các khu thu dung quận, huyện…Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong của Hà Nội thấp, dưới 0,3%, phần lớn là người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều.

Tuần trước, Sở Y tế tổ chức hội nghị trong toàn ngành phân tích nguyên nhân tử vong. Theo báo cáo của Bệnh viện Thanh Nhàn, tuổi trung bình của bệnh nhân COVID-19 tử vong tại bệnh viện là 84. Số ca mắc mới tuy cao, song tỷ lệ tử vong và nhập viện thấp, nên Hà Nội vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19.

PV: Với số ca mắc vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, xin ông cho biết hệ thống y tế của Hà Nội đáp ứng ra sao trong tình huống ca mắc còn cao hơn nữa?

TS.BS Nguyễn Đình Hưng: Hà Nội đã phê duyệt phương án điều trị cho 100.000 ca F0 theo phân tầng (3 tầng). Trong đó các bệnh viện tầng 1 đảm bảo điều trị cho 92% F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ít nguy cơ phát triển diễn biến nặng. Tầng này điều trị tại nhà (chiếm khoảng 50%) hoặc có thể vào các cơ sở thu dung của quận, huyện để theo dõi; hoặc vào cơ sở thu dung của thành phố (F0 nhẹ nhưng có nguy cơ). Tầng 2 điều trị cho bệnh nhân trung bình và nặng (6%), TP đã kích hoạt hầu hết các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện tim, Bệnh viện Phổi…Tầng 3 gồm 2.000 giường, trong đó có 1.000 giường là của bệnh viện tuyến Trung ương; 1.000 giường của 5 bệnh viện đa khoa Thủ đô gồm: Đức Giang, Sơn Tây, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông.

Hà Nội đã triển khai công nghệ thông tin để quản lý, theo dõi, điều trị F0 theo phân tầng, do vậy đảm bảo việc quản lý điều trị tránh quá tải và hiệu quả. Thủ đô có gần 3.000 ca mắc/ngày nhưng hiện chỉ có hơn 3.200 F0 nhập viện. Với 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội và sự hỗ trợ điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vẫn đảm đương đủ công tác điều trị bệnh nhân nặng.

PV: Hiện có nhiều F0 khi trở nặng không liên lạc được với y tế cơ sở, hoặc có liên lạc được nhưng chờ đợi rất lâu, có người đã tự đến bệnh viện nhưng không được tiếp nhận. Xin ông cho biết quy trình tiếp nhận F0 của Hà Nội cụ thể ra sao?

TS.BS Nguyễn Đình Hưng: Đầu tiên người dân phải test COVD-19, nếu dương tính phải khai báo y tế tại xã, phường nơi mình sinh sống. Ngoài trạm y tế xã phường, trạm y tế lưu động, TP còn thành lập Tổ COVID cộng đồng, người dân hãy báo cho lực lượng này (người dân hãy lấy số của Tổ COVID-19 cộng đồng nơi mình sống).

Khi phát hiện mình là F0 người dân hết sức bình tĩnh. Nếu gọi điện cho y tế phường, xã và Tổ COVID cộng đồng chưa được, thì hãy kiên nhẫn liên lạc lại lúc khác. Hoặc nếu chưa thực sự yên tâm khi gọi tới những nơi đó, người dân hãy gọi đến 1022 - mạng lưới thầy thuốc đồng hành hoạt động 24/24h và 3 số máy đường dây nóng của Sở Y tế.

Với trường hợp F0 không có đủ điều kiện cách ly tại nhà, sẽ được đưa vào khu thu dung của quận, huyện. Trong trường hợp cần theo dõi ở tầng cao hơn, nhân viên y tế sẽ vận chuyển đến bệnh viện tầng 2, 3. Thành phố có hệ thống cấp cứu 115 và các bệnh viện trực vận chuyển bệnh nhân, đồng thời cũng phân công 5 bệnh viện trực cùng 115.

Hà Nội đã triển khai phần mềm quản lý F0 tại nhà. Hằng ngày, F0 phải tự khai báo 2 lần trên Hệ thống quản lý theo dõi bệnh nhân COVID-19 của thành phố. Khi khai báo sẽ phân độ ngay (xanh, vàng, cam, đỏ) tương đương với mức độ an toàn, trung bình, nguy cơ, nặng. Các bác sĩ của mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng với cán bộ y tế xã phường theo dõi trên phần mềm này, bệnh nhân nào chuyển màu đỏ, họ sẽ liên lạc, nếu thấy dấu hiệu chuyển nặng sẽ được đưa tới bệnh viện, cơ sở thu dung tùy vào mức độ bệnh đã được phân tầng.

PV: Thưa ông, với số F0 tăng cao hàng ngày, ngành Y tế Hà Nội có điều chỉnh gì để giảm tử vong?

TS.BS Nguyễn Đình Hưng: Sở Y tế đã phân 7.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện tầng 2 và 3, trong đó có 6.000 giường ở tầng 2 và 1.000 giường ở tầng 3. Hằng ngày Sở Y tế đều tổ chức giao ban với các bệnh viện này. 

Như tôi đã nói ở trên, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội thấp, dưới 0,3%. Có được tỷ lệ này là Thủ đô đã bố trí phân tầng tiếp nhận và điều trị F0 hợp lý, hiệu quả; cộng thêm tỷ lệ bao phủ vaccine cao nên 95% F0 ở thể nhẹ, không triệu chứng. Sở Y tế đã giao 4 bệnh viện đa khoa hạng I của thành phố mỗi bệnh viện chỉ đạo một nhóm bệnh viện tuyến dưới và trung tâm y tế quận, huyện về công tác chuyên môn. Vì vậy, khi bệnh nhân có dấu hiệu nặng được phát hiện và chuyển tầng kịp thời. Các bệnh viện tuyến trên thường xuyên tập huấn, giao ban với bệnh viện tầng dưới.

Mục tiêu chặn tầng hiện nay của Hà Nội là: Ngăn chặn từ tầng 1 để hạn chế chuyển bệnh nhân nặng lên tầng trên (phải dùng thuốc kháng virus sớm); khi có dấu hiệu cần thiết thì nên chuyển bệnh viện sớm để dùng các thuốc tích cực ngay nhằm hạn chế chuyển bệnh nhân từ tầng 2 lên tầng 3; khi lên tầng 3 thì tập trung điều trị hồi sức tích cực để giảm tử vong.

Mục tiêu hạ tầng là điều trị tích cực ở tầng 2-3 để chuyển trả tầng 1. Với những mục tiêu trên, hy vọng tỷ lệ tử vong của Hà Nội thời gian tới vẫn ở mức thấp.

PV: Hiện nay Hà Nội có tình trạng khi phát hiện dương tính, người dân đã không báo y tế phường mà tự đóng cửa điều trị trong nhà. Điều này gây ra những nguy hiểm và ảnh hưởng gì tới công tác chống dịch? Ông có khuyến cáo gì tới người dân khi phát hiện dương tính?

TS.BS Nguyễn Đình Hưng: Điều này rất nguy hiểm bởi F0 đóng cửa trong nhà tự điều trị mà không khai báo, y tế cơ sở không nắm và quản lý được, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh từ rác thải y tế, từ tiếp xúc của F0 với bên ngoài…Đặc biệt, F0 tự sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây hại, thậm chí còn khiến bệnh nặng hơn. Hoặc khi bệnh chuyển nặng nhưng phát hiện muộn dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Thậm chí, có F0 không khai báo, khi chuyển nặng rất nhanh, đáng lẽ người bệnh chỉ ở tầng 1 nhưng phải chuyển lên tầng 3. Bên cạnh đó, F0 không khai báo tự di chuyển đến bệnh viện dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vừa qua ở Hà Nội còn có hiện tượng người dân không xét nghiệm COVID-19 sớm, khi phát hiện muộn bệnh đã nặng, nguy cơ tử vong cao. Có người cao tuổi mắc bệnh phổi mãn tính đến khi tử vong mới phát hiện dương tính; hoặc có người khó thở quá mới xét nghiệm ra dương tính, lúc đó điều trị thì đã muộn.

Vì vậy, người dân khi có ho, sốt, khó thở phải làm xét nghiệm sớm để được tư vấn điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi dương tính phải khai báo y tế với xã phường, tổ COVID-19 cộng đồng, tuyệt đối không tự điều trị.

PV: Hà Nội hiện được cung cấp bao nhiêu liều thuốc kháng virus và có thể đáp ứng được cho bao nhiêu bệnh nhân COVID-19 nhẹ? Ông có khuyến cáo gì về việc người dân tự mua và sử dụng thuốc kháng virus như hiện nay?

TS.BS Nguyễn Đình Hưng: Hà Nội được cấp 40.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir, đã dùng hết 30.000 liều, hiện vẫn còn thuốc dự trữ, đồng thời đã đề nghị Bộ Y tế cấp cho hơn 200.000 liều, do vậy người dân không lo thiếu thuốc. Hà Nội đảm bảo đủ số lượng thuốc kháng virus cung cấp cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình điều trị có kiểm soát bệnh nhân COVID.

Gói thuốc C hiện nay đang điều trị có kiểm soát, các bệnh nhân phải đồng ý tham gia thì mới cấp phát thuốc kháng virus và được điều trị bởi sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế.

Vừa qua có hiện tượng người dân tự mua thuốc kháng virus về uống khi phát hiện mình dương tính, thậm chí còn mua thuốc theo đơn của người bệnh từ TP Hồ Chí Minh gửi ra. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus, mà khi mắc COVID-19, người bệnh phải báo với y tế cơ sở, khai báo trên phần mềm quản lý F0, lúc đó thầy thuốc sẽ tư vấn điều trị, uống thuốc kháng virus sẽ phải theo chỉ định của cán bộ y tế, thường dùng cho đối tượng mắc COVID-19 nhẹ nhưng có yếu tố nguy cơ như chưa tiêm phòng vaccine, người cao tuổi có bệnh nền…

Việc dùng thuốc đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng chỉ định của thầy thuốc thì mới an toàn và hiệu quả. Thuốc Molnupiravir hiện chưa được cấp phép, Sở Y tế Hà Nội vừa có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, nếu nhà thuốc nào bán loại thuốc này thì sẽ rút giấy phép. 

PV: Xin ông cho biết giải pháp cốt lõi trong kiểm soát dịch của Hà Nội, đặc biệt trong thời điểm Tết đang đến rất gần? Để người dân thật sự yên tâm “sống chung với dịch COVID-19”, ông có khuyến cáo gì?

TS.BS Nguyễn Đình Hưng: Ba giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội hiện nay, đó là tập trung tăng cường tiêm vaccine, đặc biệt là phủ sóng tiêm vaccine tới các đối tượng nguy cơ là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, phụ nữ mang thai, chuẩn bị sinh...; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng, hạn chế số ca tử vong; tăng cường tuyên truyền thực hiện quy tắc 5K.

Ở thời điểm này, khi độ phủ vaccine đã đủ lớn, không thiếu thuốc kháng virus, người dân khi phát hiện dương tính cần bình tĩnh, không quá lo lắng, không sợ COVID-19 mà cần có ý thức cách ly, thông báo cho y tế cơ sở hoặc tổ hỗ trợ COVID-19 tại địa phương để cập nhật thông tin lên Hệ thống theo dõi bệnh nhân COVID-19 của thành phố. Mỗi ngày 2 lần cập nhật thông tin lên hệ thống này để các y, bác sĩ theo dõi, phân tầng điều trị kịp thời, phù hợp.

Tết đang đến gần, người dân hạn chế tiếp xúc đông người, đi chúc Tết nhưng vẫn phải tuân thủ 5K, giữ khoảng cách; ai đến lịch tiêm mũi 3 thì tiêm ngay… Mỗi người dân hãy biết cách giữ sức khỏe của mình, tạo thói quen tốt để có cuộc sống khỏe mạnh, đó mới là trường tồn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.