Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội: Xuất hiện biến chứng nguy hiểm
Theo bà Nguyễn Thị T., mẹ bệnh nhân T. (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm): Anh Nguyễn Đình T. (23 tuổi) được đưa vào BV Xanh Pôn ngày 2/9 vì sốt và được bác sĩ chẩn đoán ban đầu là SXH, sau đó, cho về điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, anh T. vẫn tiếp tục sốt và đau đầu nên ngày 3/9, gia đình lại đưa T. vào BV Đống Đa.
Sau 2 ngày được bác sĩ cho truyền dịch, uống thuốc, T. có giảm sốt nhưng vẫn mệt, không chịu ăn uống. Bà T. liền xin cho con ra viện và đưa T. đến Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai ngày 5/9. Đến 20h cùng ngày, bệnh nhân T. lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tuỷ. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm não - màng não do SXH Dengue.
Bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm do SXH đã ổn định. |
Ngày 14/9, TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết: Số ca bệnh mắc SXH ở Hà Nội phải nhập viện gần đây gia tăng, tuy nhiên biến chứng gây viêm não - màng não như bệnh nhân T. là trường hợp rất hiếm gặp. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nặng, co giật, rối loạn ý thức và phải thở oxy, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên chỉ sau 2 ngày được điều trị đúng hướng, bệnh nhân đã hồi tỉnh...
Theo TS. Đỗ Duy Cường, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra, thường gặp ở các tỉnh phía Nam nước ta. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, khí hậu nóng ẩm. Đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên sống ở các khu vực thành thị, nơi tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém thuận lợi cho muỗi phát triển và loại chủ yếu truyền bệnh là muỗi vằn.
TS Đỗ Duy Cường khuyên người bệnh khi thấy các triệu chứng sau thì cần đến bệnh viện khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời: Sốt cao đột ngột liên tục 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có phát ban, nổi hạch.
Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen, nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết. Đau bụng vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng.
Theo các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), tại thời điểm hiện tại, bệnh nhân SXH nhập viện chủ yếu ở Hà Nội. Đây là điều đáng ngại khi số ca mắc SXH của Hà Nội đã là hơn 1.500 ca, cao hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khó khăn lớn nhất trong việc ngăn chặn dịch SXH ở Hà Nội hiện nay là thiếu sự hợp tác của người dân khi diệt bọ gậy và phun hóa chất.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số hộ gia đình từ chối phun hóa chất diệt muỗi chiếm 18%. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý trước những hành động không hợp tác với ngành Y tế, bởi việc làm này hoàn toàn có thể khiến cho dịch bệnh lan rộng.