Nguy cơ dịch Ebola và dịch MERS-CoV vẫn đe dọa trực tiếp

Thứ Năm, 26/02/2015, 23:50
Ngày 26/2, Bộ Y tế đã đưa ra thông tin mới nhất về dịch bệnh Ebola: Hiện, số người mắc Ebola đã là 23.795 trường hợp, trong đó 9.653 người tử vong.

Các nước Tây Phi đang có dịch Ebola là Guinea 3.155 trường hợp mắc, 2.091 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết chiếm 66%); Liberia có 9.238 trường hợp mắc, 4.037 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết 44%); Sierra Leone có 11.301 trường hợp mắc, 3.461 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết 31%).

Tại ba quốc gia Tây Phi vẫn có những khu vực diễn biến dịch phức tạp, khi vẫn xuất hiện thêm 99 trường hợp mắc mới (Sierra Leone 63, Guinea 35, Guinea 1).

Mặc dù dịch bệnh Ebola có những dấu hiệu chững lại, song, WHO đánh giá dịch bệnh Ebola vẫn là một nguy cơ và khuyến cáo các quốc gia không bị ảnh hưởng tiếp tục giám sát, sẵn sàng ứng phó, đặc biệt các nước giáp khu vực 3 nước Tây Phi.

Việt Nam vẫn tiếp tục các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm.

Bên cạnh dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế cũng cho biết thông tin về dịch bệnh nguy hiểm khác là MERS-CoV. Theo đó, tính đến nay, các nước đã có 1.030 trường hợp nhiễm, trong đó ít nhất 381 trường hợp tử vong. Chỉ từ ngày 8 đến 25-2, đã có thêm 47 trường hợp nhiễm MERS-CoV, 21 trường hợp tử vong ở Arab Saudi.

Các trường hợp nhiễm MERS-CoV được ghi nhận tại 24 quốc gia: 9 nước khu vực Trung Đông, gồm: Arab Saudi, Quata, Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman, Yemen, Kuwait, Lebenon, Jordan và Iran; 9 nước ở châu Âu, gồm Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ; 3 nước ở châu Phi là Ai Cập, Tunisia và Algeria. Mỹ cũng đã có bệnh nhân MERS-CoV. Đặc biệt, châu Á đã có 2 nước có người mắc MERS-CoV là Malaysia và Philippines.

Các chuyên gia của WHO khuyến cáo: Nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người mắc bệnh đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Do vậy, những đối tượng này nên tránh tiếp xúc với động vật đặc biệt là lạc đà, khi tới các trang trại, chợ, chuồng trại là những nơi có khả năng tồn tại virus. Các biện pháp vệ sinh chung như rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi sờ vào động vật và tránh tiếp xúc với động vật ốm.

Để phòng, tránh dịch MERS-CoV, WHO tiếp tục khuyến cáo các quốc gia cần triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát cơ bản phòng lây nhiễm; tiếp tục hoàn thành sớm các điều tra, đánh giá về MERS-CoV để có hiểu biết đầy đủ về dịch tễ học, yếu tố nguy cơ; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các quốc gia có ảnh hưởng bởi MERS-CoV; nâng cao nhận thức và triển khai các biện pháp cơ bản phòng chống lây nhiễm MERS-CoV.

Dạ Miên
.
.
.