Trò chuyện Chủ nhật

Củng cố lực lượng y tế cơ sở để ngăn dịch bệnh bùng phát

Chủ Nhật, 02/10/2022, 07:26

Sốt xuất huyết, cúm, Adenovirus đang bùng phát mạnh trong thời gian gần đây và dự báo còn gia tăng. Hiện 30/30 quận, huyện của Hà Nội có ca bệnh Adenovirus; tháng 10, tháng 11 sẽ là đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Thủ đô, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nếu đồng nhiễm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, bệnh lây từ động vật sang người… sẽ gây quá tải bệnh viện, bệnh có thể diễn tiến nặng, thậm chí tử vong.

Giải pháp nào để phòng chống bệnh, để không rơi vào bị động “nước đến chân mới nhảy”? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai xung quanh vấn đề này.               

Củng cố lực lượng y tế cơ sở để ngăn dịch bệnh bùng phát -0
PGS.TS Đỗ Duy Cường.

PV: Thưa ông, hiện nay một số dịch bệnh truyền nhiễm đang bùng phát rất mạnh, đặc biệt là Adenovirus tăng nhanh từ tháng 8 đến nay đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong, đây có phải là điều bất thường không, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Sau COVID-19, một số dịch bệnh như cúm, sốt xuất huyết, các bệnh ký sinh trùng, các bệnh lây truyền từ động vật sang người có chiều hướng gia tăng. Virus Adeno gây bệnh trên trẻ nhỏ, đây là một bệnh cũ nhưng gần đây tái nổi. Hơn 1.400 ca mắc virus Adeno ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy virus này gây bệnh cho trẻ em ở Hà Nội là chủ yếu. Các ca tử vong chủ yếu là ở trẻ đã mắc bệnh nền, suy dinh dưỡng… Adenovirus lây qua giọt bắn ở đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, vật dụng hằng ngày. Sau dịch COVID-19, trẻ trở lại trường học, các cháu tiếp xúc, chơi đùa với nhau có thể dễ dàng lây bệnh. Bên cạnh đó, môi trường sống và thời tiết thay đổi kèm theo trẻ không được tiêm phòng các mũi cơ bản đầy đủ, đúng lịch sẽ khiến một số tác nhân gây bệnh phát triển và gây bệnh. Dịch do Adenovirus gây ra hiện nay ở Hà Nội không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là mà lúc này phải làm tốt công tác phát hiện sớm, kiểm soát không để lan rộng trong cộng đồng; đồng thời làm tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn ở bệnh viện, giảm lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. 

PV: Adenorvirus đang khiến các gia đình lo lắng, liệu có đặt ra giả thuyết về kết hợp COVID-19 và Adeno gây tình trạng viêm gan bí ẩn ở trẻ em hay không, thưa ông? 

Củng cố lực lượng y tế cơ sở để ngăn dịch bệnh bùng phát -0
Cán bộ Trạm Y tế Sơn Kim I (Hà Tĩnh) đến nhà dân đo huyết áp và hướng dẫn phòng chống dịch. Ảnh: soyte.hatinh.gov.vn

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Nhiễm trùng Adenovirus hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Biểu hiện lâm sàng là viêm họng cấp, viêm đường hô hấp cấp, viêm màng não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột, viêm bàng quang và các bệnh lý khác như nôn, tiêu chảy… Hầu hết các nhiễm trùng do Adeno đều khá nhẹ. Nhưng trong bối cảnh có COVID-19 và nhiều dịch bệnh đang lưu hành, nếu thêm Adeno vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây quá tải bệnh viện và bệnh có thể diễn tiến nặng hơn. Đặc biệt, khi virus Adeno “tấn công” trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém, trẻ có bệnh nền, gây viêm phổi bội nhiễm nguy cơ tử vong cao. Đã có những giả thuyết về kết hợp COVID-19 và Adeno là một trong những căn nguyên gây tình trạng viêm gan cấp “bí ẩn” ở trẻ em.

PV: Ngoài Adenovirus, còn nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang gia tăng, gây lo ngại “dịch chồng dịch”. Ông nhận định thế nào về các nguy cơ hiện nay?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại Hà Nội, thời tiết mưa nhiều càng tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển. Dự đoán năm nay sốt xuất huyết bùng thành dịch lớn, tập trung vào cuối tháng 10 đến tháng 11 sẽ là “đỉnh” dịch của Hà Nội. Nếu kèm theo đồng nhiễm COVID -19, cúm, Adeno, các dịch bệnh mới nổi, tái nổi thì nguy cơ tăng nặng cao.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm 1/3, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng. Các bệnh nhân này đều có dấu hiệu cảnh báo như sốc, máu bị cô đặc, tăng men gan, tràn dịch đa màng, sốc,… đặc biệt là sốt xuất huyết trên người bệnh nền, phụ nữ có thai. Một số trường hợp bị sốt lại chẩn đoán nhầm sang cúm hoặc COVID-19 dẫn tới điều trị sai, nhập viện muộn và đều trong tình trạng nặng.

PV: Các bệnh mới nổi, tái nổi nào đáng lo ngại trong thời điểm hiện nay, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Các bệnh mới nổi, tái nổi như các vi khuẩn đa kháng thuốc xuất hiện, bệnh lây từ động vật sang người (dại, lepto, liên cầu lợn,..) đang là mối quan tâm lớn của y tế công cộng. Một số dịch bệnh bị bỏ quên nay có xu hướng quay trở lại và trở thành gánh nặng, đòi hỏi ngành y tế không chỉ tập trung điều trị mà còn phải có chiến lược phòng bệnh từ xa. Thêm vào đó, các bệnh nhiễm trùng xảy ra ở trên nhóm bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, suy giảm miễn dịch,...), nhóm bệnh người già nhiễm trùng rất nặng, rất khó chữa. Vấn đề nhiễm trùng bệnh viện và vi khuẩn kháng thuốc đang trở nên đáng lo ngại. Các vi khuẩn kháng thuốc lây sang người trẻ, người khỏe mạnh khiến nhóm người này không có bệnh nền cũng nhiễm bệnh vì mức độ kháng thuốc tăng, phát hiện và điều trị không kịp thời dẫn tới biến chứng, gia tăng tỷ lệ tử vong và tăng chi phí điều trị.

Ngoài ra còn các bệnh liên quan đến thay đổi lối sống như: Trào lưu thực dưỡng, ăn thức ăn quảng cáo trên mạng, ăn chay, giảm béo bằng nhịn ăn và uống nước lá gây ngộ độc… Thêm vào đó tình trạng thanh niên nghiện các chất kích thích (lạm dụng rượu, sử dụng ma tuý đá, cỏ Mỹ,...) dẫn tới quan hệ tình dục không an toàn, lây nhiễm HIV, lây nhiễm bệnh qua đường tình dục (lậu, giang mai, sùi mào gà,…) cũng gia tăng. Kèm thêm các bệnh du nhập từ nước ngoài về (sốt rét, đậu mùa khỉ,…). Tất cả những dịch bệnh truyền nhiễm trên, chúng ta phải luôn cảnh giác, có những khuyến cáo để người dân phòng bệnh và ngành y tế cần làm tốt công tác dự phòng.

PV: Trước tình trạng nhiều dịch bệnh bùng phát cùng lúc, giải pháp lúc này cần phải làm gì để ứng phó, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Đối với Adenovirus hiện không có có vaccine, biện pháp phòng bệnh duy nhất là kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, tuyên truyền người dân giữ vệ sinh chung như: Đeo khẩu trang để tránh giọt bắn, dịch tiết; lau bề mặt, đồ dùng, đồ chơi, tay nắm cửa hàng ngày; giữ nhà sạch, thoáng mát để tránh virus thuận lợi phát triển. Bệnh do virus nên không sử dụng kháng sinh, vì vậy cần phát hiện triệu chứng sớm để điều trị triệu chứng. Cơ sở y tế phải tăng cường nghiêm ngặt phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện để chống lây nhiễm chéo.

Sốt xuất huyết đang vào đỉnh dịch, vì vậy Hà Nội phải tăng cường tuyên truyền phòng bệnh, nhân viên y tế phải tập huấn phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Người dân khi thấy dấu hiệu sốt phải đến các cơ sở y tế khám xét nghiệm để phát hiện và điều trị kịp thời, không tự ý truyền dịch tại nhà. Các cơ sở y tế cần dự trù đủ phương tiện chẩn đoán, thuốc men như dung dịch cao phân tử, dịch truyền, khối tiểu cầu, hóa chất diệt muỗi,...

Hiện nay các dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi luôn rình rập tạo gánh nặng cho ngành y tế, trong khi chuyên ngành truyền nhiễm chưa được chú trọng, đầu tư và quan tâm đúng mức về cơ sở vật chất, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chuyên sâu, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Vì vậy Nhà nước, Bộ Y tế cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các khoa truyền nhiễm trong các bệnh viện (phòng bệnh đảm bảo điều kiện cách ly, đủ dung dịch sát khuẩn, tiệt trùng, khẩu trang, quần áo bảo hộ,..), nâng cao năng lực các labo để chẩn đoán sớm và xét nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu. Thêm vào đó, hệ thống y tế dự phòng cần củng cố lực lượng chống dịch ngay từ y tế cơ sở lên các tuyến trên tạo thành mạng lưới  phòng dịch vững chắc. Đội ngũ nhân lực làm việc trong chuyên ngành truyền nhiễm cần có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng, nâng cao trình độ để đáp ứng với tình hình mới, tránh khủng hoảng nhân lực thiếu bác sĩ truyền nhiễm như hiện nay.

 PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.