Chính sách BHYT, chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh

Thứ Hai, 07/08/2023, 18:51

Theo thống kê, những năm gần đây, mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện chi trả với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Nhờ đó, người dân được giảm đáng kể các khoản chi phí dành cho y tế, đặc biệt với nhiều người mắc bệnh nặng, mãn tính… khi được quỹ BHYT chi trả tiền KCB đã có thêm động lực, vượt qua khó khăn bệnh tật.

Cùng với ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho việc khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều trường hợp được BHYT chi trả số tiền lớn

Thống kê cho thấy, từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 94 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trên 1 tỷ đồng.

Trong đó, một số trường hợp được quỹ BHYT chi trả lớn như sau: Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là 4,69 tỷ đồng (trong đó năm 2022 là 2,94 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 1,75 tỷ đồng): mã thẻ TE1262621XXXXXX; sinh năm 2018; địa chỉ thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrat”.

Chính sách BHYT, chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh -0
Nhiều trường hợp được BHYT chi trả số tiền lớn. (Ảnh minh họa)

 Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 là 3,88 tỷ đồng (trong đó, năm 2022 trên 2,12 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 gần 1,76 tỷ đồng): mã thẻ TE1242422XXXXXX; sinh năm 2018; địa chỉ Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen, viêm phế quản cấp…”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 là 3,68 tỷ đồng (trong đó, năm 2022 là 2,05 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 1,63 tỷ đồng): mã thẻ TE1303622XXXXXX; sinh năm 2019; địa chỉ phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa xác định khác, viêm phế quản phổi…”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 là 3,54 tỷ đồng (trong đó, năm 2022 là 2,59 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 0,95 tỷ đồng): mã thẻ TE1424217XXXXXX; sinh năm 2017; địa chỉ xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa tyrosine, rối loạn nhịp tim…”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 5 là 3,51 tỷ đồng (trong đó, năm 2022 là 1,88 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 1,63 tỷ đồng): mã thẻ TE1171721XXXXXX; sinh năm 2018; địa chỉ phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa carbohydrat”.

Bảo đảm quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia

Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, hiệu quả cao. Trong đó, rất nhiều trường hợp người bệnh đã được quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng, nhờ đó đã vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm tiếp tục điều trị bệnh.

Chính sách BHYT, chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh -0
Lãnh đạo BHXH Việt Nam đi thị sát tình hình, chỉ đạo sát công tác bảo đảm BHXH , BHYT cho người tham gia.

Có thể khẳng định, BHYT là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nước nước ta hết sức coi trọng và quan tâm thực hiện.

Việc tham gia BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân, cộng đồng, giúp mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.

Hiếu Quỳnh
.
.
.