Trò chuyện Chủ nhật

Cẩn trọng với chữa bệnh qua mạng, tránh bị đối tượng lừa đảo dẫn dắt

Chủ Nhật, 24/12/2023, 07:03

Để hiểu đúng về thực phẩm chức năng, ai nên sử dụng và dùng trong trường hợp nào, tránh mua phải hàng giả, tránh bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ, trục lợi, tiền mất, tật mang, phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật, Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

Công an tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vừa bắt giữ hai đường dây tội phạm giả danh giáo sư, bác sĩ, giám đốc bệnh viện nổi tiếng để lừa bán thực phẩm chức năng, chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hàng chục nghìn người ở 63/63 tỉnh, thành phố là nạn nhân của nhóm tội phạm đã bị các đối tượng mạo danh lừa đảo bán thực phẩm chức năng với giá “cắt cổ”, trong đó có rất nhiều bệnh nhân nghèo.

Để hiểu đúng về thực phẩm chức năng, ai nên sử dụng và dùng trong trường hợp nào, tránh mua phải hàng giả, tránh bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ, trục lợi, tiền mất, tật mang, phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật, Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

chị nga.jpg -0
TS Trần Việt Nga.

Phóng viên (PV): Xin bà cho biết, tình trạng mạo danh giáo sư, bác sĩ có uy tín, lãnh đạo các bệnh viện lớn để bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng diễn ra trong thời gian qua như thế nào?

TS Trần Việt Nga: Tình trạng giả mạo giáo sư, bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện có uy tín, thậm chí giả mạo cả thầy lang và người bệnh để giới thiệu, quảng cáo bán thực phẩm chức năng xuất hiện chủ yếu trên mạng xã hội. Các kênh chính thống trước đây có xuất hiện những quảng cáo này, sau khi Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá – Thể Thao – Du lịch, Bộ Công an, tình trạng giả mạo đã giảm rõ rệt, hầu như giờ không còn xuất hiện.

Nhận diện được tình trạng đó, Cục An toàn thực phẩm đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn tình trạng giả mạo này. Chúng tôi xác định đây không chỉ là vi phạm về an toàn thực phẩm, mà xa hơn còn là hành vi giả mạo, lừa đảo người tiêu dùng, gây nhức nhối trong xã hội. Thời gian qua, Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan Công an vào cuộc và Công an một số đơn vị, địa phương đã phát hiện, khởi tố một số vụ án liên quan đến giả mạo lừa bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. 

Thủ đoạn của các đối tượng là livestream mặc quân phục, mặc áo bác sĩ, giới thiệu đã điều trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân, đưa ra bằng chứng giả mạo để người dân tin. Đối tượng còn trực tiếp điện thoại đến người bệnh, đặc biệt người cao tuổi để giới thiệu, tư vấn thuốc, kèm theo thủ đoạn đe dọa về sức khoẻ và dẫn dắt người bệnh tin, bỏ số tiền lớn để mua và theo những liều điều trị của đối tượng giả mạo.

PV: Công an tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang triệt phá hai đường dây tội phạm giả danh bác sĩ để bán thực phẩm chức năng đã được dư luận xã hội hoan nghênh. Hậu quả ra sao khi người dân tin theo những quảng cáo và bị đối tượng lừa đảo dẫn dắt để trục lợi?

TS Nguyễn Việt Nga: Thời gian qua, Công an các địa phương đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây kinh doanh, mua bán thực phẩm chức năng giả; đường dây giả mạo hình ảnh bác sĩ, cán bộ y tế, nghệ sĩ, thầy lang, người tiêu dùng để quảng cáo bán thực phẩm chức năng. Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an là thành quả phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Công an trong công tác y tế nói chung, đặc biệt là trong công tác kiểm soát sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nói riêng.

Vì tin vào đối tượng giả mạo, nhiều người tiêu dùng đã phải chi khoản tiền rất lớn để mua thực phẩm chức năng, có người ngoài khả năng chi trả phải vay mượn. Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, thì thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng là vô cùng nguy hiểm. Hầu hết các đối tượng thường không bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã được cơ quan nhà nước cấp công bố, mà bán thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành, thực phẩm chức năng giả, hay tự sản xuất, tự bán mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người tiêu dùng khi sử dụng những thực phẩm chức năng này, không những không khỏi được bệnh mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ, làm lỡ cơ hội chữa bệnh.

PV: Được biết, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để xử lý một số vụ điển hình. Xin bà cho biết, kết quả phối hợp của Cục với các Bộ, ngành, đặc biệt với Bộ Công an trong xử lý vi phạm thời gian qua?

TS Trần Việt Nga: Bộ Y tế tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến, có các buổi làm việc giữa Cục An toàn thực phẩm và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn quảng cáo giả mạo, cũng như cung cấp những nguồn tin có giá trị cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý. Bộ Y tế cũng có nhiều công văn đề nghị phối hợp với các Bộ, ngành để quyết liệt xử lý tình trạng giả mạo bán thực phẩm chức năng trên không gian mạng.

Gần đây nhất, Cục An toàn thực phẩm đã trình lãnh đạo Bộ Y tế ký Công văn số 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 gửi Bộ Công an và các Bộ liên quan, cùng với UBND và Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết vi phạm quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Với kết quả của sự phối hợp chặt chẽ đó, lực lượng Công an đã triệt phá được nhiều vụ án, đặc biệt Công an tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã triệt phá các đường dây giả danh bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện để bán thực phẩm chức năng, bước đầu bắt giữ vài chục đối tượng. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhờ sự phối hợp, đã xử lý và ngăn chặn hàng trăm đường link quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giống như thuốc chữa bệnh…

PV: Bà có đánh giá gì về tình trạng thực phẩm chức năng đang được quảng cáo thổi phồng công dụng, rao bán tràn lan thời gian qua? Để kiểm soát và xử lý dứt điểm vấn đề này, theo bà cần có những giải pháp gì?

TS Trần Việt Nga: Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là vấn đề khá phức tạp, không phải chỉ có cơ quan chuyên môn Bộ Y tế kiểm soát được, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Chẳng hạn, khi phát hiện website hay trang facebook vi phạm, chúng tôi phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ. Hay phối hợp với Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch để quán triệt và xử lý nghiêm những diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Hoặc có công văn gửi tới các bệnh viện để quán triệt nhân viên y tế không tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng; có công văn gửi Sở Y tế và Hội Đông y các địa phương kiểm soát việc giả danh thầy lang để quảng cáo bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ… Chúng tôi có Tổ công tác liên Cục thuộc các Bộ để bất kể khi nào phát hiện quảng cáo vi phạm, sẽ nhanh chóng trao đổi thông tin và có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm còn phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) để kiểm soát các website thương mại điện tử và yêu cầu gỡ bỏ các website vi phạm. Chúng tôi trực tiếp làm việc với đại lý quảng cáo, facebook để đưa ra những yêu cầu về phía Việt Nam liên quan đến việc phát hành thông tin quảng cáo không đúng sự thật trên facebook. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo trên website của Cục An toàn thực phẩm những quảng cáo sai phạm, thông tin giả mạo để người tiêu dùng biết và nhận diện, tránh bị mắc lừa. Sự phối hợp này bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể.

ct.jpg -0
Công an tỉnh Bắc Giang khám xét nơi làm việc của các đối tượng giả danh bác sĩ nổi tiếng để lừa đảo bán thực phẩm chức năng.

PV: Trên thị trường hiện có hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng được lưu hành, nhiều sản phẩm được bán đa cấp, là hàng giả hoặc chứa chất cấm…Để kiểm soát vấn nạn này, cần phải có những giải pháp gì, thưa bà?

TS Trần Việt Nga: Chúng tôi luôn tuyên truyền người sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật; đảm bảo hàng sản xuất, kinh doanh của mình phải đúng, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phải ghi nhãn mác thông tin đầy đủ. Việc kiểm soát bán hàng đa cấp do Bộ Công thương quản lý và Bộ đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật kiểm soát bán hàng đa cấp…Điều quan trọng nhất là người tiêu dùng phải tỉnh táo khi nghe thông tin chuyển tải. Cơ quan quản lý chỉ kiểm soát được nội dung đơn vị đăng ký, nếu bán hàng đa cấp, bán hàng trực tiếp qua điện thoại, chỉ có người nói và người nghe biết, nếu thông tin đó không được chuyển tải đến nhà quản lý thì chúng tôi không biết được.

Vì vậy, khi bán hàng đa cấp, tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm tại địa phương, phải thông báo cho cơ quan quản lý địa phương, cơ quan này sẽ cử người đến để kiểm soát sản phẩm. Hiện nay, có tình trạng lợi dụng bán hàng đa cấp để bán thực phẩm chức năng trá hình. Điều này cần có sự tỉnh táo của người tiêu dùng, cần sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền và Công an địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp.

Thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trôi nổi chứa chất cấm. Bộ Y tế đã ban hành được Thông tư về danh mục các chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Đây là công cụ hữu hiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra, giám sát và cũng là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng xử lý hình sự các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm chức năng.

PV: Hiện nay, người tiêu dùng mua và sử dụng thực phẩm chức năng một cách tràn lan, không có chỉ định. Bà có khuyến cáo gì tới người dân để họ hiểu đúng, dùng đúng, làm đúng? Để giải quyết tình trạng giả danh bán thực phẩm chức năng, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục có những giải pháp gì?

TS Trần Việt Nga: Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo tới người dân, khi có bệnh phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Còn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, không có tác dụng điều trị. Nếu quảng cáo thực phẩm chức năng uống vào khỏi bệnh là không đúng. Người dân cần phải hiểu đúng để khi có bệnh, phải tới bệnh viện; không nghe người này mách, người kia nói thực phẩm chức năng này tốt là mua về sử dụng.

Bởi người dân phải hiểu đúng, khi cơ thể thiếu hụt vi chất nào thì bổ sung vi chất đó. Có nhiều cách để bổ sung như chế độ ăn, uống thực phẩm chức năng, hoặc dùng thuốc. Phải có chế độ ăn phù hợp, có hiểu biết và lựa chọn thực phẩm phù hợp; phải có kiến thức và đa dạng hoá bữa ăn và phải hiểu cơ thể mình thiếu gì, có bệnh gì, để có sự lựa chọn. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là bổ sung cho chế độ ăn hàng ngày chứ không phải để điều trị các bệnh.

Để giải quyết tình trạng giả danh bác sĩ bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, cung cấp nguồn tin có giá trị cho lực lượng Công an để điều tra, xử lý những đối tượng, đường dây lừa đảo, đưa chất cấm vào sản xuất…

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hiểu đúng, dùng đúng, làm đúng đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Bất kể quảng cáo nào có sử dụng hình ảnh bác sĩ, hoặc “tôi là người bệnh đã sử dụng sản phẩm này trong 1-2 tháng và khỏi bệnh”, hay người nổi tiếng quảng cáo “tôi sử dụng sản phẩm này đã khỏi hẳn bệnh trong thời gian 2-3 tháng”… thì người dân đều phải cảnh giác. Đó là nhận diện rất cơ bản của các hình thức giả danh, quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng không được tin theo.

Hay quảng cáo sản phẩm này dùng để “điều trị” là vi phạm, vì thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị và không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Những quảng cáo phù hợp đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ bao giờ cũng phải có câu: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng như thuốc chữa bệnh”. Người tiêu dùng bất kể trong tình huống nào cũng phải bình tĩnh để nhận diện quảng cáo nào là vi phạm mà có lựa chọn sáng suốt không tin, không mua theo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.