Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 31/07/2023, 07:18

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bùng hát dịch tay chân miệng do sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV7-chủng nguy hiểm lây lan nhanh, dễ chuyển nặng từng gây đợt dịch vào năm 2018.

Bệnh tay chân miệng năm nay diễn ra sớm hơn so với mọi năm, có nhiều bất thường, tăng số ca nhiễm và ca nặng. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi cũng mắc bệnh trong khi trước đây thường gặp ở trẻ 2-5 tuổi. Trên địa bàn tỉnh An Giang, bình quân mỗi tuần có hơn 100 ca mắc.

Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long -0
Bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi An Giang điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, tính từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh tay chân miệng. Tháng 6 và tháng 7 vừa qua, số bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng đột biến, với bình quân mỗi tháng trên 250 ca, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Số ca diễn biến nặng cũng tăng hơn so với những tháng trước, có một số ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Trang Thanh Minh Châu, Trưởng khoa Nội nhi Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết, tình hình chung là thiếu thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Trước mắt bệnh viện linh hoạt, dự trù một số lượng thuốc đặc trị để điều trị cho những ca rất nặng. Đối với những trường hợp dự đoán sẽ chuyển biến nặng, phải dùng thuốc đặc trị sẽ linh hoạt chuyển viện lên tuyến trên nhanh nhất. Bệnh viện đã phải dự phòng thêm một khu điều trị với 60 giường bệnh, phòng khi số ca bệnh tăng cao đột ngột.

Bác sĩ Trang Thanh Minh Châu khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần lưu ý, thường xuyên theo dõi. Nếu trẻ có triệu chứng sốt, giật mình, bàn chân bàn tay có vết loét… cần đưa các cháu đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ thăm, khám và có hướng điều trị kịp thời.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng, bình quân mỗi tuần có hơn 100 ca mắc. Bệnh có xu hướng tăng, nhất là thời điểm tháng 8 và đầu tháng tháng 9 tới. Đây lại là thời điểm trẻ em bắt đầu tựu trường.

Sở Y tế tỉnh An Giang đã yêu cầu các đơn vị y tế chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động của các cơ sở điều trị, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế… kịp thời thu dung, điều trị các ca bệnh tay chân miệng.

Đồng thời, tăng cường tập huấn cho các nhân viên y tế về hướng dẫn và chẩn đoán bệnh, theo dõi trẻ bị bệnh tay chân miệng đang phải nằm điều trị nội trú. Ngành Y tế các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về dấu hiệu bệnh. Khi có các ổ dịch, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các tuyến huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiến hành khoanh vùng, xử lý sớm không để ổ dịch lây lan.

Tại tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận gần 300 ca bệnh tay chân miệng. Theo ông Võ Phước Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vị Thanh (Hậu Giang), một bộ phận người dân chưa quan tâm khâu phòng dịch một phần nguyên nhân do ý thức thực hành chưa cao, do khâu truyền thông cộng đồng chưa thật sự mang lại hiệu quả. Người dân chưa quan tâm nhiều khâu phòng bệnh, chỉ khi có người mắc bệnh xong mới lo phòng bệnh. Một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ các đoàn của địa phương đến, chưa chủ động tự thực hiện phòng, chống dịch thường xuyên.

Vào cuối tháng 6/2023, một trường hợp trẻ bị tay chân miêng tử vong tại Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang. Đau lòng vì mất con, đồng thời cho rằng bệnh viện đã vô trách nhiệm, mới dẫn đến tình trạng con mình tử vong, mẹ của bé đã quay clip, chia sẻ sự việc lên mạng xã hội.

Bác sĩ Danh Tý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang thông tin, bé nhập viện vào ngày 28/6, sau 2 ngày điều trị tay chân miệng ở phòng khám tư. Khi nhập viện, bé bệnh ngày thứ 3, môi hồng, sốt cao, giật mình lúc ngủ, ê kíp trực chẩn đoán bé bị tay chân miệng độ 2A, theo dõi viêm họng bội nhiễm.

Ngày hôm sau, bé được chỉ định dùng kháng sinh Claminat, thuốc an thần Phenobarbital, chăm sóc cấp độ 3. Bé vẫn sốt cao, nổi vân tím, chuyển hồi sức cấp cứu nhi, thở oxy 3 lít/phút, tiên lượng rất nặng. Tối cùng ngày, bé li bì, được đặt nội khí quản, thở máy, song bệnh diễn tiến nặng nhanh không đáp ứng điều trị. Sau 10 giờ hồi sức tích cực, bé tử vong, chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, biến chứng trụy tim mạch.

Bác sĩ Danh Tý cho biết thêm, hôm xảy ra vụ việc lượng bệnh nhi đông (70 ca), 3 nhân viên y tế và hai bác sĩ trực xử trí cấp cứu bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế là chăm sóc điều trị theo triệu chứng, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn... Tuy nhiên, do kíp trực thức đêm, có thời điểm một vài người còn lơ là, chưa tích cực phục vụ bệnh nhân. Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu kíp trực nghiêm túc rút kinh nghiệm, điều chuyển nhân viên có biểu hiện lơ là sang công việc phù hợp hơn.

Theo các Trung tâm Y tế Dự phòng các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, dự báo đỉnh dịch tay chân miệng năm nay có thể đến sớm, trong bối cảnh số ca nặng, nguy kịch tăng.

Trần Lĩnh
.
.
.