Bệnh liên quan đến tâm thần gia tăng

Thứ Hai, 17/05/2021, 07:52
TP Hồ Chí Minh có khoảng 17.000 người mắc bệnh tâm thần, trong đó khoảng 50% người tâm thần sống ở cộng đồng được các trung tâm y tế cấp quận, huyện khám, cấp phát thuốc điều trị và khoảng 2.500 người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Có mặt tại Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5), chúng tôi thấy rất đông người đến khám và điều trị bệnh. Trước khi vào khu khám bệnh, người dân phải khai báo y tế và nhân viên của bệnh viện đo thân nhiệt ngay cổng vào. 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Chu Thị Dung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh 1 - Bệnh viện Tâm thần cho biết, Khoa hiện có 10 phòng khám, những ngày nắng nóng như hôm nay, số lượt người tới khám chữa bệnh dao động từ 700-800 lượt/10 phòng. 

Qua số liệu thăm khám cho thấy, có 50% là người ở TP Hồ Chí Minh, số còn lại thuộc các tỉnh, thành khác. Những người tới thăm khám ghi nhận mắc các thể bệnh rối nhiễu tâm trí như: F20-F.29 (nhóm bệnh tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác); nhóm F40-F48 (các loại rối loạn lo âu); F31, F32 (rối loạn hưng trầm cảm, rối loạn trầm cảm) và nhóm F43.2 (rối thích ứng liên quan tới stress).

Bác sĩ khám cho người bệnh tại Bệnh viện Tâm thần.

Mặc dù ảnh hưởng đến tâm thần nhưng ít người đi khám tâm thần do hầu hết cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, căng thẳng, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp - Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như 2 tháng đầu năm 2021 chỉ có khoảng 1.000 lượt người tới khám/ngày tại 3 cơ sở của bệnh viện, con số này tăng trên 2.000 lượt/ngày của tháng 3 và 4. Có ngày cao điểm lên tới 2.800 lượt, riêng cơ sở chính tại quận 5 tiếp nhận gần 1.500 lượt người tới khám chữa bệnh, đa số thuộc nhóm từ 15-60 tuổi. 

Đáng lo ngại, nhóm F40-F48 ghi nhận có trên 10.400 ca bệnh và nhóm F31, F32 gần 1.000 ca bệnh (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020). Bác sĩ cho biết số ca tới thăm khám và nhập viện điều trị bệnh tâm thần tăng nhiều hơn từ đầu tháng 3 đến nay. Có nhiều nguyên nhân, trong đó thời tiết nắng nóng kéo dài là một trong những yếu tố khiến sức khoẻ, tâm thần của người dân dễ bị ảnh hưởng hoặc trầm cảm; nhất là những người làm việc căng thẳng, làm việc ngoài trời nắng, người già có bệnh nền, phụ nữ sau sinh…

Bác sĩ Tâm giải thích, thời tiết nắng nóng, cơ thể như một máy điều hoà sẽ phải điều tiết để giải nhiệt cho cơ thể, khi đó cơ thể yếu đi, người mắc bệnh tâm thần dễ tái phát hơn. Do đó, người thân của người bệnh cần thường xuyên quan tâm, để mắt tới người bệnh, không tạo áp lực cho người bệnh; để người bệnh ở nơi thoáng mát và cho uống 2 lít nước/ngày.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tránh đi ra ngoài trời vào lúc nắng gắt như trưa và đầu giờ chiều, không làm việc quá sức. Người lao động phải làm việc ngoài trời nắng nên đội mũ rộng vành, mặc những bộ quần áo không hấp thụ nhiệt từ ánh nắng. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khoẻ, uống nhiều nước để cơ thể giải nhiệt. Phụ nữ sau sinh phải chú ý sức khoẻ, nhất là khi gặp các triệu chứng mất ngủ, căng thẳng kéo dài nên đến cơ sở chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Nguyễn Cảnh
.
.
.