Bệnh động kinh - Đừng để lỡ cơ hội điều trị

Chủ Nhật, 10/09/2023, 07:40

Theo thống kê, số lượng bệnh nhi động kinh chiếm hơn 50% trong tổng số trẻ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh trẻ em. Tuy nhiên, nhiều trẻ đến viện muộn, lúc này bệnh đã nặng, hoặc mắc động kinh kháng trị (kháng thuốc) buộc phải phẫu thuật. Chậm trễ trong phát hiện và điều trị khiến trẻ động kinh bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm và điều trị đúng.

Theo TS.BS Cao Vũ Hùng, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, đối với bệnh động kinh nếu điều trị không kiên trì, bỏ cuộc giữa chừng, hoặc tự tiện tăng, giảm liều, quên uống thuốc hay tự ý đổi thuốc đã làm mất cơ hội khỏi bệnh. TS Hùng cho hay, động kinh là một nhóm bệnh phức tạp do nhiều nguyên nhân gây nên, tuy nhiên có một vài nguyên nhân chính như: dị tật từ trong thời kỳ mẹ mang thai như dị tật bẩm sinh của hệ thống thần kinh trung ương; trẻ gặp biến cố trong quá trình sinh nở, bị đẻ ngạt gây nên tình trạng thiếu oxy và suy hô hấp, phải thở máy; các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não nhiễm khuẩn, viêm não, ký sinh trùng ở não; trẻ bị sốt nhiều lần với tỉ lệ nhất định…

Bệnh động kinh - Đừng để lỡ cơ hội điều trị -0
Ảnh minh họa.

Thiếu vitamin K dẫn đến giảm tỉ lệ prothrombin dễ gây xuất huyết não và cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị động kinh. Trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn cao (tỉ lệ di chứng có thể đến 40-50%).

Hiện nay, có nhiều trẻ bị động kinh thể kháng trị, các cơn động kinh tái phát dai dẳng không đáp ứng được thuốc (kể cả phối hợp nhiều thuốc kháng động kinh liều cao) kèm theo một tổn thương gây động kinh khu trú tại một bán cầu đại não. Trung tâm Thần kinh - Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho nhiều bệnh nhân động kinh kháng thuốc, có nhiều trường hợp rất thương tâm. Có cháu một ngày xuất hiện vài chục cơn động kinh, cha mẹ hầu như không làm được việc gì khác ngoài chăm con.

Theo bác sĩ, các cơn động kinh tái phát không được kiểm soát sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như thiếu oxy não, chậm, rối loạn phát triển tâm thần - vận động, có thể gây thương tích, tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, các bé còn phải chịu tác dụng phụ do phải sử dụng nhiều thuốc kháng động kinh đồng thời ở liều cao và kéo dài.

Từ năm 2010, tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu tiên đã áp dụng phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân động kinh kháng trị, đây là một tiến bộ và cơ hội cho những bệnh nhân động kinh nặng khi liệu pháp uống thuốc không hiệu quả. Với mong muốn tiếp tục cải thiện điều trị bệnh nhân động kinh kháng trị, 13 năm sau, vào ngày 7/9/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai ca phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh đầu tiên cho bệnh nhi N.N.M (6 tuổi, Hưng Yên) với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ. TS Lê Nam Thắng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh cho biết: "Trước mổ cháu có 50-100 cơn giật/ngày, luôn phải dùng thuốc ngủ. Đến nay cháu gần như tỉnh táo, không có cơn co giật và hoàn toàn không liệt".

 Đây là kỹ thuật mới nhất, phức tạp nhất trong điều trị bệnh lý động kinh kháng trị hiện nay, mang lại hiệu quả rất cao, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, giá thành một ca mổ động kinh này rất đắt đỏ, nên không thể làm đại trà. Tại Việt Nam, mỗi ca tốn khoảng 1 tỷ đồng, chưa được BHYT chi trả, đây là một khó khăn rất lớn với người bệnh nếu muốn được phẫu thuật. "Chúng tôi rất muốn Bộ Y tế và bệnh viện có những chính sách dành cho các ca phẫu thuật này trong tương lai để giúp các bệnh nhi không may mắc bệnh động kinh có cơ hội được trở về cuộc sống bình thường", BS Thắng đề xuất. 

PV
.
.
.